Cuộc thử nghiệm táo bạo của sân khấu Việt

Thứ Sáu, 18/09/2020, 13:38
Ngày 18/9, dự án nghệ thuật đặc biệt “Huyền sử Việt” chính thức khởi công với vở diễn đầu tiên -  “Cây gậy thần” (Chử Đồng Tử - Tiên Dung) đã tạo sự chú ý của đông đảo người làm nghệ thuật và quản lý nghệ thuật.

Do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp thực hiện, đây là lần đầu tiên trong lịch sử sân khấu Việt Nam có sự kết hợp một cách toàn diện giữa nghệ thuật Cải lương và Xiếc trong một vở diễn. Nói theo cách của NSND Trịnh Thị Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thì đây là tác phẩm “bom tấn”, được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều sự mới mẻ cũng như sức thu hút lớn và có ý nghĩa đặc biệt trong thời điểm sân khấu vừa lao đao do đại dịch hiện nay.

Ngay từ lễ khởi công, "Huyền sử Việt" đã có sự quan tâm của đông đảo người làm truyền thông lẫn giới truyền thông

“Huyền sử Việt” gồm 4 tác phẩm ca ngợi công đức của 4 vị thánh bất tử trong tín ngưỡng tâm linh nguyên thủy của người Việt gồm: Chử Đồng Tử, Mẫu Liễu Hạnh, Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng. Đây cũng là dự án nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đồng thời là hoạt động sáng tạo mang nhiều yếu tố cách tân nhằm thu hút đông đảo khán giả hơn đến với sân khấu. 

Mở đầu dự án là vở diễn đầu tiên “Cây gậy thần”, khai thác về huyền tích Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Mối thiên duyên vô tiền khoáng hậu thể hiện khát vọng tự do và hạnh phúc của con người ấy cũng đã trở thành câu chuyện thấm đẫm chất thơ, nhiều chiêm nghiệm về triết lý nhân sinh và quen thuộc trong tâm thức của biết bao thế hệ người Việt. 

Vẻ đẹp của nghệ thuật Xiếc sẽ được phô diễn, tạo sức hấp dẫn cho "Cây gậy thần" 

Câu chuyện ấy được cố tác giả Hoàng Luyện, tác giả từng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, được nhiều người biết đến với vai trò là một tác giả dày dặn kinh nghiệm, bút pháp uyên thâm, chuyển tải trong kịch bản sân khấu “Cây gậy thần”. Kịch bản này được con rể của ông là tác giả Lê Thế Song chỉnh lý cho phù hợp với 2 loại hình: Cải lương và Xiếc.

Tác giả Lê Thế Song cho biết, để có kịch bản “Cây gậy thần” như hôm nay, anh đã cố gắng rút gọn lại, từ một kịch bản cho tác phẩm dài 2 giờ 30 phút xuống còn 1 giờ 30 phút. Ê kíp sáng tạo chắt lọc, lấy những tinh hoa tốt nhất của nghệ thuật Cải lương, những lớp đắt nhất trong kịch bản kết hợp với nghệ thuật xiếc. Dù vậy, khán giả xem “Cây gậy thần” sẽ thấy không có sự tách biệt mà Xiếc và Cải lương hòa quyện với nhau.

Ê kíp sáng tạo của dự án

Về vấn đề này, Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên cho hay: Trong lịch sử hình thành và phát triển của sân khấu Cải lương đã từng có sự kết hợp giữa Cải lương với Xiếc. Những mà đua ngựa, phóng dao, phun lửa… đã từng xuất hiện trên sân khấu Cải lương của những thập kỷ đầu thế kỷ 20. Nhưng, đây là lần đầu tiên có sự kết hợp toàn diện của Cải lương với Xiếc để tạo thành một tác phẩm. Đây cũng là cuộc thử nghiệm được gửi gắm nhiều kỳ vọng. Bởi lẽ, sân khấu đã gặp rất nhiều khó khăn lại càng khó khăn hơn khi ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

 Dù vậy, các nghệ sĩ vẫn động viên nhau và quyết tâm đổi mới để kéo khán giả đến rạp trở lại. Sau một năm “hò hẹn”, vở diễn “Cây gậy thần” mới chính thức khởi công. Đây là vở diễn theo hình thức nhạc kịch xiếc. Âm nhạc ở đây là Cải lương. Sự kết hợp của nghệ thuật Cải lương trữ tình sâu lắng với Xiếc – bộ môn nghệ thuật mang tính giải trí cao, nhịp điệu nhanh rất khó nhưng cũng rất mới mẻ. 

Nghệ thuật Xiếc không chỉ là những trò khéo, tiết mục đơn lẻ mà người nghệ sĩ hóa thân vào các nhân vật, bộc lộ rất rõ tính cách, tâm trạng, theo sát số phận nhân vật. Ngôn ngữ xiếc sẽ xuất hiện khi hành động kịch, trạng thái tâm lý tình cảm của nhân vật yêu cầu chứ không chỉ  được ghép vào trên sân khấu Cải lương hay phô diễn vẻ đẹp của chính nó. 

2 nghệ sĩ đảm nhận vai Chử Đồng Tử - Tiên Dung biểu diễn thử 1 trích đoạn ngắn

Ví dụ, trong màn Chử Đồng Tử ra biển để tầm sư học đạo, nếu là sân khấu Cải lương truyền thống thường là hình ảnh ước lệ diễn viên với mái chèo trên sân khấu. Nhưng ở đây sẽ có con thuyền độc mộc thật bay lên trời, đàn phượng hoàng lượn quanh, tạo nên vẻ đẹp lung linh huyền ảo… Tất cả những cái này đều phải nhờ vào nghệ thuật Xiếc, còn Cải lương thì không làm được...

Đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng cũng cho hay, “Cây gậy thần” là dự án thực sự nhiều tâm huyết, là kết quả đầu tiên của nhiều cố gắng, khát khao sáng tạo của nghệ sĩ. Cải lương và Xiếc được kết hợp một cách nhuần nhuyễn, nhằm tạo nên trường cảm xúc mang tính giải trí cao cho khán giả. 

Ví dụ, trong những lúc nghệ sĩ Cải lương đổ vọng cổ thì nghệ sĩ Xiếc biểu diễn bằng hành động của Xiếc. Những kĩ xảo của Xiếc luôn minh họa, đồng diễn cùng với các nghệ sĩ Cải lương, thậm chí tạo ra những khoảng lặng để khán giả tập trung hơn. Xiếc sẽ phối hợp rất hiệu quả trong những màn diễn lớn như khi Chử Đồng Tử xây dựng các khu chợ sầm uất, lâu đài tráng lệ trong một đêm sau khi tầm sư học đạo thành công trở về…

Vở “Cây gậy thần” hội tụ một đội ngũ sáng tạo hùng hậu. Ngoài đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam và đạo diễn, NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, tác phẩm còn có sự tham gia sáng tác âm nhạc của NSND Đào Trung, thiết kế mỹ thuật của NS ƯT Doãn Bằng, Biên đạo múa – NSƯT Thanh Nam. Nghệ sĩ Thanh Thanh Thanh Hiền, giọng ca giàu mê hoặc và đầy nội lực cũng sẽ trở lại và đảm nhận toàn bộ ca khúc mới trong vở diễn. 

Tham gia biểu diễn có hơn 100 nghệ sĩ Xiếc, Cải lương. Nghệ sĩ xiếc thú cũng được đưa lên sân khấu khá nhiều trong tác phẩm này. Dự kiến, vở diễn có thời lượng 90 phút, sẽ có nhiều phiên bản như biểu diễn trên sân khấu tròn, sân khấu hộp và hướng tới nhiều đối tượng khán giả ở trong nước lẫn quốc tế.


Hoa Nguyễn
.
.
.