Công bố phim tài liệu khai thác tư liệu vừa giải mật về giải phóng miền Nam
- Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động chào mừng 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam
- Khánh thành Khu Di tích Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam
Nằm trong đề án phim tài liệu dài tập “Con đường đã chọn” (từ tập 15 đến tập 19 của đề án), các tập phim có sử dụng hình ảnh, tư liệu 16mm thu được của Quân đội Sài Gòn do Điện ảnh Quân đội nhân dân quản lý, lưu trữ, giải mã và lần đầu được công bố.
Đây cũng là các tập phim được ê kip thực hiện làm công phu, kỹ lưỡng, đạt độ chính xác cao về tư liệu hình ảnh với mong muốn lịch sử được chuyển tải lên phim một cách khách quan, đa chiều với góc nhìn của ngày hôm nay.
Hình ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập 45 năm trước. |
Theo đó, tập 15 với tựa đề “Tiến công chiến lược” lấy bối cảnh năm 1972. Trong khi lực lượng trên chiến trường miền Nam có nhiều thay đổi thì ở Hội nghị Paris, Mỹ vẫn chủ trương đàm phán trên thế mạnh.
Trước tình hình đó Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc tấn công chiến lược trên toàn miền Nam. Kết thúc cuộc tấn công năm 1972, quân Giải phóng đã giành được thắng lợi lớn trên khắp các mặt trận.
Để cứu vãn tình thế đế quốc Mỹ đã sử dụng B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng. Nhưng trận “Điện Biên Phủ” trên không ở thủ đô Hà Nội đã buộc Mỹ phải kí kết Hiệp định Paris rút quân về nước.
Tập 16 tựa đề “Đòn thăm dò” đặc biệt khai thác những trận đánh lớn của quân Giải phóng để thăm dò phản ứng của Mỹ, tiến hành cuộc chiến tranh chống lấn chiếm của Chính quyền Sài Gòn, đồng thời chuẩn bị cho kế hoạch giải phóng miền Nam.
Nội dung đặc biệt tập trung vào chiến dịch Đường 14 - Phước Long, tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Đây cũng là đòn trinh sát chiến lược để Bộ Chính trị kết luận Mỹ không có khả năng đưa quân quay trở lại miền Nam Việt Nam và nhận định “dù Mỹ có quay lại ta vẫn thắng.”
Trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất. |
Tập 17 - “Điểm huyệt Tây Nguyên” khắc họa cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975 với điểm nhấn chính là Chiến dịch Buôn Ma Thuột. Trận then chốt mở màn bằng chiến thắng mở đầu hoàn hảo. Việc chọn hướng tiến công, nghệ thuật nghi binh tạo thế bí mật bất ngờ, đánh chia cắt, giữ quyền chủ động.
Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu buộc phải rút khỏi Tây Nguyên. Chiến thắng này đã đưa cách mang nước ta sang giai đoạn phát triển nhảy vọt trong cuộc Tổng tiến công giải phóng miền Nam.
Tập 18 có tựa đề “Đánh trong hành tiến”. Trong tập phim này, Bộ Chính trị đã nắm bắt thời cơ, quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công chiến lược, huy động mọi sức người sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, quân và dân ta đã tiến công giải phóng Huế, Đà Nẵng rồi tới toàn bộ các tỉnh miền Trung và các đảo do quân đội Sài Gòn chiếm giữ, chuẩn bị cơ sở vật chất để bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh giành toàn thắng.
Người dân đổ ra đường chào đón quân Giải phóng. |
Trong tập 19 - “Thống nhất đất nước”, quân Giải phóng đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, tiến công thẳng vào Sài Gòn – Gia Định. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng tương đương 5 Quân đoàn của quân Giải phóng đã kết hợp chặt chẽ với lực lượng địa phương và nhân dân, chia thành 5 mũi giáp công, lần lượt phá vỡ và tiêu diệt gọn hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn.
Chiến thắng cuối cùng được xác lập vào 11h30 ngày 30-4-1975. Thành phố Sài Gòn được giữ gần như nguyên vẹn trong ngày giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc – Nam sum họp một nhà.
5 tập phim có thời lượng 30 phút đến 31 phút/tập, do 5 NSND Lê Thi tổng đạo diễn; biên kịch Lại Văn Sinh viết kịch bản; NSND Lưu Quỳ, NSƯT Phạm Huyên, Bùi Chí Trung, Trần Vũ Anh đạo diễn; Nguyễn Văn Thắng, Phạm Công Trình, Đỗ Trung Quân, Tống Văn Đức, Hà Hải Long quay phim…
Theo kế hoạch dự kiến, phim sẽ được phát sóng trên một số Đài truyền hình và chiếu phục vụ trong lực lượng quân đội vào dịp lễ 30-4 và 1-5.