Chia sẻ kinh nghiệm thực thi quyền tác giả, quyền liên quan
Tại hội thảo, các đại biểu đã giới thiệu, chia sẻ về hệ thống pháp luật, quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam cũng như Nhật Bản; những xâm phạm trực tuyến và các biện pháp đối phó ở Nhật Bản...
Đây là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, chủ thể quyền bao gồm các tổ chức phát sóng, các nhà sáng tạo... trao đổi với các chuyên gia của Nhật Bản để đánh giá tình hình thực hiện của Việt Nam và đưa ra những giải pháp hợp tác giữa hai bên nhằm thực thi tốt trong thời gian tới.
Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, đủ để đáp ứng thực thi tại quốc gia mình và các cam kết quốc tế.
Tuy nhiên, hoạt động này đang gặp nhiều khó khăn, tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực với các mức độ khác nhau, đặc biệt là trên môi trường số và internet.
Nhật Bản là quốc gia có kinh nghiệm và đã hình thành hệ thống quyền tác giả từ rất sớm. Năm 1887, Nhật Bản đã có Pháp lệnh Quyền tác giả, sau đó phát triển thành Luật Quyền tác giả năm 1899.
Ông Noda Akihiro, Phó trưởng phòng Hợp tác quốc tế - Cục Bản quyền tác giả (thuộc Cơ quan Văn hóa Nhật Bản) cho biết, nhiều văn bản luật liên quan cũng được Nhật Bản ban hành cho phù hợp theo từng giai đoạn. Ngoài ra, Luật cũng được sửa đổi gần như hàng năm dựa trên các thay đổi và nhu cầu của xã hội và các hiệp ước quốc tế. Ngay Luật Quyền tác giả cũng được sửa đổi để đáp ứng yêu cầu Hiệp định TPP và có hiệu lực ngay khi TPP có hiệu lực.
Theo ông Noda Akihiro, việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan hiệu quả giúp văn hóa được phát triển và bảo vệ được quyền lợi của những người làm nghệ thuật, làm văn hóa. Trong lĩnh vực này, Nhật Bản rất coi trọng thị trường ASEAN, trong đó coi trọng vị trí của Việt Nam và hai nước cũng đã có sự hợp tác chặt chẽ những năm qua.