Hồn xuân nơi chợ hoa phố cổ

Thứ Năm, 31/01/2019, 08:01
Hà Nội có nhiều chợ hoa, mỗi một chợ là một nét riêng, tình tứ và duyên dáng như cô gái đang độ xuân thì. Nhưng ít ai biết rằng, dù chỉ diễn ra ngắn ngủi trong khoảng hai tuần trước Tết, chợ hoa Hàng Lược lại là chợ có lịch sử lâu đời nhất của đất kinh thành Thăng Long.

Trên con phố cổ, “đến hẹn lại lên”, những vàng rực quất chín, hồng phớt đào phai, sâu lắng bích đào và muôn sắc thược dược, hồng, cúc... cùng khoe sắc như góp thêm vào tiết trời xuân những nốt nhạc vui tươi, chào đón một năm mới tràn trề sinh khí.

Theo “Từ điển đường phố Hà Nội” (NXB Hà Nội - 2010), phố Hàng Lược nguyên là đất thôn Phủ Từ và thôn Vĩnh Trù, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân) huyện Thọ Xương cũ. Ngày nay, ở phố Hàng Lược vẫn còn hai ngôi đình cũ: Đình Phủ Từ ở số nhà 19 và đình Vĩnh Trù ở số nhà 59. 

Vào thời Lê và đầu thời Nguyễn, đây là nơi tập trung các nhà sản xuất và buôn bán lược chải đầu. Sang thế kỷ XX thì ở đây không thấy có nhà nào sản xuất hay bán lược nữa. Trước kia, ở khoảng giữa phố có một cái cống bắc chéo qua sông Tô. Từ đó, người ta quen gọi phố này bằng một cái tên là Cống Chéo-Hàng Lược.

Không khí nô nức đi chợ hoa phố cổ Hà Nội ngày Tết.

Trước kia, khi chưa có chợ Đồng Xuân, thì chợ chính của “Hà Nội 36 phố phường” là chợ Cầu Đông. Chợ này họp ở cả hai bên bờ sông Tô, ngày nay là đoạn đầu phố Hàng Đường. Và chợ hoa Hàng Lược cũng xuất hiện từ những năm 1910-1915. 

Hàng năm cứ vào khoảng từ Tết ông Táo (23 tháng Chạp) cho tới tận chiều ngày 30 Tết, chợ hoa họp ngay trên đường phố. Người trồng hoa quanh hồ Tây, các làng hoa ven đô đều nhớ lịch chợ hoa này để rồi năm nào cũng mang đến đây đủ các loại hoa đặc trưng của Hà Nội. 

Lịch sử cũng ghi lại, chưa một năm nào chợ hoa không họp, chỉ từ Tết năm Đinh Hợi 1947, lúc đó Hà Nội đang là chiến trường. Ngay cả trong những năm kháng chiến chống Mỹ, chợ hoa Hàng Lược cũng vẫn rộn rã mỗi dịp cuối năm. 

Có năm, Nhà nước còn cho phép các tù binh là phi công Mỹ được đi ngắm chợ hoa Hàng Lược trước khi về nước để họ tận mắt thấy được nét sinh hoạt thanh lịch, trang nhã của thành phố Thủ đô anh hùng.

Ngày nay, chợ hoa Hàng Lược kéo dài suốt chiều dài của khu phố Hàng Lược, Hàng Chai, Hàng Rươi tới cả phố Hàng Mã, Hàng Đồng. Khác với chợ hoa Quảng Bá là chợ chủ yếu bán buôn các loại hoa, chợ hoa Hàng Lược dường như được chọn lọc hơn. 

Các loại hoa, cây cảnh... thường là hàng “thửa” nên dù có đắt hơn một chút, nhưng lại làm ưng lòng người mua. Đặc biệt, vì là chợ bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết nên ở đây “áp đảo” là các loại hoa truyền thống như đào, quất, cúc, lay ơn, thược dược, violet, thủy tiên, hải đường, mai vàng miền Nam…

Vài năm gần đây, phục vụ nhu cầu thị hiếu, chợ hoa Hàng Lược còn xuất hiện thêm những loại hoa nhập ngoại lạ mắt như đỗ quyên ngủ đông, đào đông, mai Mỹ, mẫu đơn Trung Quốc... có giá từ vài triệu đến cả chục triệu đồng một chậu. Tuy nhiên, nổi bật vẫn là muôn sắc hoa đào. Đào xuất hiện từ đầu chợ đến cuối chợ, nguồn gốc từ Nhật Tân, Quảng Bá và cả Đông Anh... 

Cành nhỏ 200.000 -400.000 đồng, cành to  1 – 2 triệu đồng. Đào rừng cũng xuất hiện nơi chợ hoa này nhưng ít hơn vì có lẽ diện tích được trưng dụng làm chợ hoa là lòng đường nên không thể rộng rãi mà bày những cây đào “khủng”. 

Có những năm tôi gặp người quen ở chợ, hỉ hả hỏi nhau mua gì. Rồi tôi thấy anh mua một chậu lan để đằng trước, buộc một cành đào vào sau xe máy. Chẳng cần anh nói, tôi cũng hiểu thế là anh đã yên tâm cả ba ngày Tết ngồi pha trà, thưởng hoa.

Nhiều người chọn cách đi chợ hoa Hàng Lược không hẳn chỉ để mua – bán mà chủ yếu để ngắm. Có lẽ vì thế, khi rủ nhau đi chợ hoa, người ta thường nói: “Đi chơi chợ hoa”. Cụ bà Đặng Thanh Hà, năm nay đã gần 80 tuổi, nhà ở phố Hàng Mã kể, bà có thói quen đi chợ hoa Hàng Lược từ khi chỉ là một cô bé hơn mười tuổi theo chân mẹ đi bộ từ nhà ra chợ. Chợ hoa Hàng Lược in đậm trong trí nhớ của bà là những hoa chen hoa, cây cạnh cây và người bán, người mua tấp nập. 

“Hồi ấy hoa chẳng có nhiều loại như bây giờ, ai nhà giàu thì mua đào thế nguyên cây. Còn lại đa số chọn mua hoa lay-ơn, thược dược cắm kèm hoa violet. Chỉ vài loại hoa đơn giản, nhưng chợ hoa năm nào cũng tấp nập người. Mẹ thường dẫn tôi đi bộ ra chợ hoa, nhưng hầu như chẳng mua gì. Chỉ là đi ngắm người, ngắm hoa. Rồi đến tầm 28-29 Tết, mẹ mới lựa vài chục cành lay – ơn đỏ mua về cắm. Thành nếp, thành thói quen. Đến giờ năm nào tôi cũng vẫn mua bằng được loại hoa này về nhà. Cảm giác thiếu nó là Tết không được đủ đầy”, bà Hà chia sẻ. 

Bà Hà so sánh, chợ hoa Hàng Lược bây giờ tuy nhiều chủng loại hơn, nhưng cũng có vẻ xô bồ hơn. “Giờ tôi thấy họ bán cả hoa lụa, hoa giấy ở đây. Nhiều lúc cũng thấy tiếc không khí ấm cúng, giản dị của chợ hoa những ngày xưa cũ. Nhưng có lẽ do mình già rồi, các bạn trẻ bây giờ có những sở thích không giống chúng tôi ngày xưa”, bà Hà vui vẻ.

Chợ hoa Hàng Lược gắn bó với người Hà Nội sâu nặng, cũng là nguồn cảm hứng cho các nhà thơ, hoạ sỹ, nhạc sỹ. Chẳng thế, nhạc sỹ Văn Cao khi còn sống, năm nào cũng đến chợ hoa này để mua một cành đào phai. Ký ức của hoạ sỹ Văn Thao, con trai của nhạc sỹ Văn Cao luôn có hình ảnh len lỏi trong dòng người dòng đời một nhạc sỹ già thân hình gầy guộc, chống ba toong với đôi mắt sáng, kiên trì chọn mua một cành đào ưng ý nhất… 

Trong hồi ức về người cha đăng trên Báo Công an nhân dân, hoạ sỹ Văn Thao cho biết, cha ông năm nào cũng đi chợ hoa truyền thống tại phố Hàng Lược, đắm mình trong rừng hoa khoe sắc giữa lòng phố cổ Hà Nôi để quên đi những ngày tháng vất vả lo miếng cơm manh áo. Ngay cả cái Tết cuối cùng, cành đào phai cuối cùng của nhạc sỹ Văn Cao cũng được ông chọn từ chợ hoa Hàng Lược.

Không chỉ với những người lớn tuổi, nhiều người Hà Nội sinh sống tại nước ngoài nếu có dịp về quê hương ăn Tết cũng không bao giờ bỏ qua chợ hoa Hàng Lược. Họ tìm về đây không chỉ để mua hoa trưng Tết, mà còn tìm lại ký ức, trở về với những giá trị truyền thống và văn hoá của người Hà Nội. 

Đôi khi chỉ là chụp vài tấm hình kỷ niệm bên hoa, giữa xuôi ngược phố phường để mang theo sang bên xứ người, những lúc nhớ nhà mang ra hoài cổ. Chợ hoa Hàng Lược dù có thay đổi theo thị hiếu, theo sự phát triển của đô thị nhưng ý nghĩa và sự phong phú về tinh thần mang lại cho con người thì vẫn nguyên vẹn.

Ngọc Yến
.
.
.