Bí mật ẩn chứa sau 2 cửa thành được phát hiện ở Kinh thành Huế

Thứ Hai, 29/06/2020, 14:30
Liên quan đến việc 2 cửa Đông Thành Thủy Quan với nhiều thông tin cho rằng vừa được “phát lộ”, “phát hiện”, sáng 29/6, Trung tâm Bảo tồn di tích (BTDT) Cố đô Huế đã lên tiếng về sự việc này.


Sau khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân sinh sống ở khu vực Thượng Thành, nhiều người dân khi đi qua đường Xuân 68, phường Thuận Lộc, TP Huế đến cầu Lương Y khá bất ngờ khi nhìn thấy một cửa thành còn khá nguyên vẹn nằm bên phải Đông Thành Thủy Quan được xây dựng bằng gạch vồ theo lối kiến trúc cổng vòm xuyên thành dày khoảng 60cm, rộng 80cm, cao 100cm, phía dưới là những tảng đá xanh còn nguyên vẹn. Bước qua cửa thành này là tuyến phòng lộ tiếp giáp với sông Ngự Hà.

Cửa phải Đông Thành Thủy Quan được Trung tâm BTDT Cố đô Huế ghi lại hình ảnh, lập hồ sơ từ nhiều năm trước.

Cửa thành thứ 2 nằm bên trái Đông Thành Thủy Quan, phía trước là căn nhà của gia đình bà Lê Thị Đào (SN 1951, ở số 126 đường Xuân 68, TP Huế). Bà Đào cho biết, gia đình bà đã sinh sống gần 100 năm, qua nhiều thế hệ ở khu vực này. Từ 40 năm trước, khi về làm dâu ở gia đình, bà đã thấy cửa thành nhưng cách đây khoảng 5 năm, do cửa thành sát với nhà bếp nên gia đình bà đã dùng bờ lô, xi măng bịt kín cửa thành này để chống kẻ trộm đột nhập vào nhà.

Cửa phải Đông Thành Thủy Quan lộ rõ sau khi nhà dân được di dời khỏi Thượng Thành.

Liên quan đến việc 2 cửa Đông Thành Thủy Quan với nhiều thông tin cho rằng vừa được “phát lộ”, “phát hiện”, sáng 29/6, Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã lên tiếng về sự việc này.

Theo phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm BTDT Cố đô Huế, cách đây 2 năm, Trung tâm đã tiến hành khảo sát Thượng Thành để kiểm tra hệ thống lô cốt, các công trình trên Thượng Thành và đã chụp ảnh lại 2 cửa trái, phải ở Đông Thành Thủy Quan.

Nhìn từ trên cao xuống, cửa phải Đông Thành Thủy Quan còn khá nguyên vẹn.

Đầu năm 2020, phòng tiếp tục khảo sát lại Thượng Thành để hệ thống hóa các tên pháo đài và kho đạn, các cống thoát nước trên Thượng Thành sau khi người dân đã di chuyển đến khu quy hoạch. Song song với việc khảo sát, Trung tâm đã làm biển cảnh báo để đơn vị thi công chú ý các vị trí cần thận trọng khi thu dọn hạ giải nhà cửa trên Thượng Thành, trong đó có khu vực 2 cửa Đông Thành Thủy Quan.

Cửa thành này được hộ dân làm lối đi từ nhà ra vườn ở phía sau Kinh thành.

Ngoài ra phòng Nghiên cứu khoa học cũng đã nghiên cứu tư liệu trong cuốn Kinh thành Huế của tác giả Leopold Cadière có địa danh và bản đồ cập nhật vị trí cửa trái và cửa phải của Đông Thành Thủy Quan, tức số 121 trên bản đồ Kinh thành Huế. Trong Đại Nam nhất thống chí, ở đây có đặt xưởng đại bác và vị trí này có vệ binh 20 người ở để canh giữ Đông Thành Thủy Quan. Đây là một vị trí rất quan trọng trên hệ thống Ngự Hà và Kinh thành Huế.

Biển cảnh báo được Trung tâm BTDT Cố đô Huế cắm trước cửa thành khi tiến hành giải phóng mặt bằng.

Theo Trung tâm BTDT Cố đô Huế, trước đây 2 cửa thành này đều bị nhà dân xây dựng trên Thượng Thành che khuất nên nhiều người không để ý đến. Tuy nhiên Trung tâm đã có nhiều lần khảo sát. Sau khi các hộ dân giải tỏa, di dời khỏi Thượng Thành liền được Trung tâm cắm biển “Cẩn thận khi thu dọn mặt bằng ở khu vực này”.

Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế khẳng định: “2 cửa trái phải Đông Thành Thủy Quan được Trung tâm thực hiện khảo sát, thu thập hình ảnh, tư liệu từ nhiều năm về trước. Quá trình sinh sống ở khu vực này, người dân đã gìn giữ, bảo vệ di sản nên 2 cửa thành còn khá nguyên vẹn. Vì thế, sau khi các hộ dân được di dời, đơn vị sẽ có kế hoạch tu bổ, bảo tồn các cửa thành này để phát huy giá trị của di tích”.

Cửa thành bên trái Đông Thành Thủy Quan được người dân bịt kín.

Được biết, đến nay dự án di dân ở Thượng Thành, khu vực 1 Kinh thành Huế Đang dần hoàn thiện để trả lại mặt bằng cho di tích Kinh thành. Trung tâm BTDT Cố đô Huế đang nghiên cứu, tập hợp tư liệu và xây dựng hồ sơ để phục hồi Thượng Thành và hệ thống phòng thủ 24 pháo đài, các kho đạn, hệ thống thoát nước rất độc đáo trên Thượng Thành.

Anh Khoa
.
.
.