Ngân sách Nhà nước lãnh đủ bởi quản lý lễ hội yếu kém
Tổ chức lễ hội, festival từ lâu đã được coi là những hoạt động văn hóa không thể thiếu góp phần tạo dựng không gian văn hóa, quảng bá văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc. Tuy nhiên, chi phí để tổ chức những hoạt động này đến nay vẫn luôn là một ẩn số, mặc dù đó là những con số không hề nhỏ. Chỉ khi bị chất vấn mạnh mẽ, đơn vị tổ chức mới bật mí rằng, tiền chủ yếu là từ xã hội hóa mà có, ngân sách chỉ đóng góp ít thôi!
Tôi cũng từng đến một số quốc gia và chứng kiến cách người ta làm thật khó chê vào đâu được. Điển hình như việc kêu gọi xã hội hóa, trước khi làm việc này, đơn vị tổ chức phải thuyết minh rõ rằng trong sự kiện sẽ tổ chức những gì, kế hoạch ra sao và kêu gọi tài trợ cho từng hạng mục, chứ không phải tù mù như cách một số địa phương vẫn làm hiện nay. Có ý kiến cho rằng hãy xã hội hóa bằng cách cho đấu thầu tổ chức lễ hội.
Nói thì có vẻ mới lạ và khó được chấp nhận, nhưng đây là kinh nghiệm nhiều nước đã làm và làm rất thành công. Cơ quan quản lý chỉ đứng ra quản lý, điều chỉnh bằng pháp luật, chứ không phải dùng ngân sách để chi tiêu và ôm trọn khâu tổ chức như ở ta. Ngay cả chuyện xã hội hóa - một chủ trương đúng đắn của Nhà nước, cũng chưa được làm đến nơi, đến chốn. Nhiều minh chứng điển hình về hệ lụy của xã hội hóa trong công tác bảo tồn, trùng tu di tích vẫn còn đó. Sau xã hội hóa, di tích biến đổi hiện trạng, bởi thế, có người kêu: Xã hội hóa là... phá di tích là vậy.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh. Ảnh: Phố Hiến |
Ngay đầu mùa lễ hội, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 41-CT/TW về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Trong đó nêu rõ: Hạn chế sử dụng ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hoá các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội... Tuy nhiên, cũng như nhiều mùa lễ hội khác, những vấn đề được cảnh báo vẫn tái diễn trong mùa lễ hội năm nay. Xã hội hóa vẫn chỉ dừng lại ở mức hô hào khẩu hiệu, chứ chưa được các địa phương và người có trách nhiệm quan tâm, thực hiện.
Chỉ thị số 41-CT/TW cũng nêu rõ: Các cơ quan, ban, ngành giảm tần suất, thời gian tổ chức, nhất là những lễ hội có quy mô lớn. Điều này xuất phát từ thực tế số lượng lễ hội, tần suất tổ chức lễ hội ở nước ta hiện nay là quá lớn, quá dày đặc. Với con số thống kê được thì tính ra trung bình mỗi ngày trên cả nước diễn ra khoảng 20 lễ hội. Thử hình dung, với số lượng lễ hội đó, nhân với nguồn ngân sách tổ chức lễ hội dù nhỏ là vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng thì chi tiêu là rất lớn.
Việc có quá nhiều lễ hội cũng là điều kiện cho những việc làm biến tướng, những hành động phi văn hóa nảy sinh. Ảnh minh họa. |
Chưa kể khi lễ hội được tổ chức, ngân sách còn được sử dụng cho nhiều công tác khác như thanh tra, kiểm tra… Đối với các doanh nghiệp, dịp đầu năm mới luôn là thời điểm ám ảnh, bởi lao động nghỉ đi lễ hội. Đây là một lực cản lớn cho phát triển kinh tế, là thứ ghìm chân, khiến tác phong lao động người Việt không thể chuyên nghiệp. Trong lúc thế giới đang cạnh tranh rất mạnh mẽ mà chúng ta cứ mãi bám theo hội hè, cúng bái thì sẽ bị tụt hậu. Bên cạnh việc gây lãng phí lớn, việc có quá nhiều lễ hội cũng là điều kiện cho những việc làm biến tướng, những hành động phi văn hóa nảy sinh.
Điều đáng lo ngại nhất là xu hướng thương mại hóa ngày càng nặng nề trong việc tổ chức các lễ hội. Nhăm nhăm vào hiệu quả kinh tế đã khiến lễ hội ngày càng biến tướng, kể cả các lễ hội tầm cỡ quốc gia, đang dần làm mai một giá trị và ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Như vậy, quá nhiều lễ hội đang đưa tới những mặt trái không mong muốn, khiến nó ngày càng xô bồ, bát nháo, lãng phí tiền của và thời gian của hàng triệu người.
Người ta bàn nhiều về việc giảm hội họp, giảm đi công tác nước ngoài để đỡ gánh nặng cho ngân sách. Đã đến lúc cần có biện pháp mạnh để giải quyết tình trạng “bội thực” lễ hội cũng như góp thêm một hành động có ý nghĩa để giảm áp lực cho ngân sách đang phải “cõng” quá nhiều thứ chi tiêu hiện nay.