5.000 người biểu diễn quanh Hồ Gươm mừng 10 năm Hà Nội mở rộng địa giới
Sẽ có ít nhất 5.000 người, trong đó có rất nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp, nghệ nhân của các làng nghề cùng biểu diễn, diễu hành vòng quanh Hồ Gươm vào ngày 29-7 tại lễ hội đường phố “Tinh hoa Hà Nội – Hội tụ và tỏa sáng”. Đây là thông tin được ban tổ chức lễ hội công bố vào ngày 20-7.
- Khai hội bài chòi truyền thống tại Thăng Long – Hà Nội
- Cắm cờ “1000 năm Thăng Long – Hà Nội” trên đỉnh Fansipan
- Khơi dậy truyền thống văn hóa Thăng Long - Hà Nội trong đời sống nhân dân
Lễ hội do UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn & Phát triển nghệ thuật Sân khấu Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới thủ đô Hà Nội (2008 – 2018). Trực tiếp dàn dựng và đạo diễn lễ hội là 4 kỳ nữ của nghệ thuật sân khấu Thủ đô Hà Nội: NSND Thúy Mùi (Tổng đạo diễn), NSND Lê Khanh, NSND Hương Thơm, NSƯT Mai Hương.
Múa bài bông - nghệ thuật biểu diễn có từ thời Trần sẽ được giới thiệu với công chúng tại lễ hội |
Trao đổi về lễ hội, NSND Thúy Mùi cho biết: Hà Nội luôn tự hào về truyền thống văn hiến, với những nét văn hóa đa dạng và độc đáo – nơi lưu giữ những di tích lịch sử, văn hóa nghệ thuật vô giá. Việc hợp nhất Hà Nội, Hà Tây và một số địa phương liên quan đã tạo điều kiện, cơ hội, bổ sung nguồn lực, sức mạnh cho Hà Nội vươn lên với một tầm vóc mới, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước, của thời đại trên tinh thần "đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm".
Lễ hội đường phố là hoạt động nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân thành phố và du khách đến Thủ đô. Nội dung được chuyển tải trong lễ hội sẽ phản ảnh rõ nét văn hóa truyền thống đặc sắc của từng địa phương, góp phần tạo thêm nhiều mảng màu tươi sáng trong bức tranh tổng quát về văn hoá Hà Nội nói riêng, của cả nước nói chung.
Đây cũng là dịp tôn vinh các di sản văn hóa, quảng bá tiềm năng và các sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của thành phố, nhằm thu hút khách tham quan du lịch trong và ngoài nước đến với thành phố.
Con đĩ đánh bồng - điệu múa độc nhất vô nhị của trai làng Triều Khúc, Hà Nội (ảnh: Zing.vn) |
Dự kiến diễn ra từ 8h đến 11h, lễ hội sẽ chia thành 7 khối chính, diễu hành xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, khu vực quảng trường sân khấu tượng đài Lý Thái Tổ, Đền Bà Kiệu,Quảng trường Đông Kinh nghĩa thục, trước cửa Lục thuỷ, ngã tư Bà Triệu – Hàng Khay, ngã tư Hàng Bài – Tràng Tiền.
Trong đó, đi đầu là khối dân gian với 800 nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc của Thủ đô Hà Nội: Múa Rồng, Lân, chạy cờ, trống hội, múa rối cao, múa con đĩ đánh bồng, múa bài bông, múa sên tiền, rước đám cưới cổ, rước trạng vinh quy.
Khối làng nghề có sự tham gia trình diễn của 400 người, trong đó có khoảng 300 nghệ sĩ chuyên nghiệp trình diễn múa hoa sen, hoa đào, hoa mai. Các nghệ nhân, đội văn nghệ của các làng nghề truyền thống nổi tiếng sẽ trình diễn múa nón (làng Chuông, huyện Thanh Oai), múa lụa (Vạn Phúc, Hà Đông), múa hoa (làng hoa Mê Linh).
700 người cao tuổi sẽ biểu diễn múa quyền, đánh côn, tập dưỡng sinh. 300 vận động viên cùng đồng diễn wushu, karate, taekwondo, đồng diễn thể thao, erobic và dance sport. 700 học sinh, sinh viên với trang phục truyền thống cùng cờ, hoa, bóng bay nhiều màu sắc tạo thêm mảng màu rực rỡ trong đoàn diễu hành.
Đặc biệt, dịp này, hàng trăm người mẫu sẽ cùng mặc áo dài cổ Hà Nội, áo dài cách tân Hà Nội thuộc các bộ sưu tập mới nhất do các nhà thiết kế tại Thủ đô thực hiện. 300 nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian khác sẽ biểu diễn đi Kà kheo trên nền nhạc chiêng, trống, biểu diễn các tiết mục xiếc vui nhộn như xiếc đường phố, ảo thuật đường phố, tung hứng, lắc vòng, trượt patin, nhảy hip-hop.
Khép lại đoàn diễu hành sẽ là vũ hội Carnaval gồm 10 khối màu sắc với khoảng 1.700 bạn trẻ trong trang phục các loại cùng nhảy đồng diễn trên nền nhạc. Người dân tham gia sẽ tự nối dài theo đội hình của ban tổ chức để cùng diễu hành quanh bờ hồ.
Được biết, toàn bộ kinh phí tổ chức lễ hội được huy động từ nguồn xã hội hóa.