Học “một sàng khôn” ở đất nước Mặt trời mọc

Thứ Ba, 21/08/2018, 07:15
Háo hức trên chuyến bay đêm không ngủ, đón ánh dương ló rạng từ trên mây, chúng tôi hạ cánh xuống sân bay khi những tia nắng bình minh đầu tiên của một ngày mới bắt đầu rọi xuống đất nước Mặt trời mọc.


Hạ cánh nơi sân bay “mọc” từ biển

Nơi đầu tiên chúng tôi đặt chân đến Nhật Bản là sân bay Kansai, được xây dựng trên một đảo nhân tạo có hình chữ nhật với tổng diện tích 511ha, cách đất liền 5km, giữa vịnh Osaka, nhìn từ trên xuống như một hàng không mẫu hạm. 

Để hoàn thành công trình tạo đảo và xây dựng sân bay, người Nhật đã phải mất 20 năm với 1.500 tỉ yên. Là một quần đảo núi lửa với khoảng 6.852 đảo, việc Nhật Bản phát triển ra biển không có gì lạ, nhưng thay vì chịu sự tác động của thiên nhiên, đối mặt với nguy cơ ngày càng thu hẹp vì biển sẽ nuốt chửng những đảo nhỏ, thì diện tích Nhật Bản lại ngày càng được mở rộng thêm.

Đây là một trong những ví dụ minh chứng cho phẩm chất kiên cường của người Nhật Bản “gặp biển bắc cầu, gặp núi mở đường”, một trong những đất nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới.

Thời tiết mùa xuân ở Nhật Bản rất dễ chịu, không khí cực kỳ trong lành, đường phố sạch bong. Những nơi chúng tôi đến hay đi qua, như cố đô Kyoto hay Tokyo, rất ít ngôi nhà có màu sắc tươi tắn, rực rỡ, mà chủ yếu là màu ghi xám - màu bền bỉ, trường tồn với thời gian. 

Người Nhật Bản xây nhà khá đơn giản, không cầu kỳ nhưng lại rất chắc chắn, có thể chống được động đất. Một điều nữa là do đặc thù đất chật người đông, giá cả đắt đỏ, nên ở Tokyo, nhà và phòng khách sạn rất bé, dù sạch sẽ và rất tiện nghi.

Làm việc

Về tác phong, thái độ cũng như hiệu quả làm việc của người Nhật Bản gần như đã có “thương hiệu” nên có lẽ không cần nói thêm. Nhưng, cảm nhận của chúng tôi khi tiếp xúc với những người Nhật Bản đó là cách họ làm việc rất chăm chỉ, cần mẫn và có phần… nhẫn nhịn. 

Buổi sáng sớm, từng dòng người hối hả đi bộ theo dọc hè phố, xếp hàng trật tự, tìm đến các ga tàu điện ngầm và… chui xuống dưới lòng đất. Giao thông ở Nhật Bản rất hiện đại và phát triển cao. Hệ thống tàu Nhật Bản nổi tiếng về độ chính xác tới từng giây. 

Bên cạnh đó, kỹ thuật làm đường của người Nhật cực tốt, ví dụ như đường lên núi Phú Sĩ cách mặt nước biển 3.776m, nhưng khi di chuyển bằng ôtô lên núi, chúng tôi không hề có cảm giác xe đang leo núi, mà như đang đi đường bằng, chỉ đến khi không khí ngày càng lạnh hơn, hay lúc xe đi xuống, thì cảm nhận thay đổi độ cao mới rõ rệt. 

Đặc biệt, người Nhật Bản rất ít đi xe sang, vì họ coi xe ôtô chỉ là phương tiện đi lại. Các hãng xe trong nước như Toyota, Mazda, Mitsubishi… được người Nhật ưa dùng. Đặc biệt, nhiều người Nhật dùng loại xe hybrid- loại xe ôtô chạy trong nội địa chỉ tiêu hao có 3 lít xăng cho 100km.

Người Nhật Bản làm việc không có khái niệm hết giờ hay nghỉ hưu, mà chỉ là đã hết việc hay chưa, thế nên giờ tan tầm của người Nhật thường là vào lúc… 10-11h đêm. Những người hết tuổi lao động theo quy định thì tìm những công việc như lái xe taxi, lao công, dọn dẹp tại các trung tâm thương mại, nhà hàng… 

Vì vậy, nếu có dịp đi taxi ở Nhật, bạn sẽ không bao giờ gặp được tài xế trẻ, vì công việc đó đã dường như mặc định dành cho người cao tuổi.

Một điểm thú vị, đó là người Nhật Bản gần như mặc đồng phục tới công sở. Cứ sáng sớm khi ra khỏi nhà, tất cả người Nhật đều mặc vest đen, đi giầy bóng lộn và tay xách catap hối hả đi bộ đến ga tàu điện ngầm. 

Nhiều người sẽ ngạc nhiên nghĩ Nhật Bản toàn giám đốc hay ông chủ, nhưng thực ra, phần lớn trong số đó là công nhân, thậm chí là lao công. Nhưng chiếc catap họ xách theo, trong đó chủ yếu đựng… cơm trưa.

Khi tới công sở, người quản lý, ông chủ mới vào phòng giám đốc, còn anh công nhân, lao công thì thay quần áo tạp vụ, khi xong việc, họ lại đóng vest chỉn chu và lặng lẽ ra tàu điện trở về nhà.

Ẩm thực

Ẩm thực Nhật Bản rất phong phú và đặc biệt, bao gồm sushi, trà đạo và các món khác như các loại bánh làm từ bột gạo. Nếu chú ý quan sát, bạn sẽ thấy Nhật Bản rất ít người béo phì, vì họ hay đi bộ và ăn rất ít thịt, chủ yếu ăn cá, và lượng thức ăn luôn không nhiều, nhưng đảm bảo calo để làm việc (tất nhiên trừ những người suốt ngày được “nhồi” ăn cho béo để chiến đấu như các võ sĩ Sumo). 

Cá có mặt trong tất cả các bữa ăn của người Nhật, kể cả bữa sáng. Người Nhật ít ăn thịt và chỉ ăn gà, bò, hay lợn, không bao giờ coi thú hoang là thức ăn. 

Thế nên, tại những tuyến đường chạy qua các tỉnh miền núi, chuyện hươu, nai băng qua đầu xe ôtô là chuyện thường. Để tránh tai nạn xảy ra cho các con thú, nhiều nơi, người ta đã phải làm cầu vượt cho muông thú qua đường là vì thế.

Ăn nhiều cá, nhưng người Nhật Bản chủ yếu ăn cá biển và phải cá đánh bắt xa bờ, vì cho rằng cá gần bờ và cá nước ngọt có thể nhiễm chì và kim loại nặng không tốt cho cơ thể. 

Tương tự, trái cây trồng trong vườn sẽ dành cho chim, còn người Nhật chọn mua hàng tại các siêu thị vì ở đó, hàng hóa đều đã được xử lý qua máy móc đảm bảo độ an toàn, đủ tiêu chuẩn “Made in Japan”.

Mà không phải chỉ nông sản hay thực phẩm, tất cả các mặt hàng khác của Nhật Bản từ nhu yếu phẩm cho đến hàng công nghệ, đều được đảm bảo bằng một thương hiệu duy nhất: thương hiệu Nhật Bản, chất lượng Nhật Bản. 

Người Nhật không cần quảng cáo, bởi vì sản phẩm của họ đã được chứng minh là quá tốt về chất lượng. Hơn nữa, cách quảng cáo của họ cũng có phần khác lạ. Tại các khách sạn, nhà nghỉ, đồ dùng của Nhật cực tốt, từ dầu gội đầu cho đến sữa tắm. 

Người Nhật quan niệm những người đi du lịch là những người có tiền, và đây là đối tượng họ nhắm đến để giới thiệu sản phẩm. Thế nên nếu đi du lịch Nhật Bản, bạn sẽ khỏi cần lích kích mang dầu gội, sữa tắm làm gì, vì đã có những sản phẩm tốt nhất dành sẵn cho bạn.

Hoa anh đào đẹp mong manh nhưng rực rỡ ở Nhật Bản.

Những góc khuất

Tuy nhiên, nhiều người Nhật không hạnh phúc và họ chịu nhiều áp lực. Cuộc sống công nghiệp với những áp lực về giờ giấc, công việc đã biến không ít người Nhật Bản thành những cỗ máy. Họ rất ít cười, và nếu để ý quan sát, nhiều người Nhật Bản mang vẻ mặt của sự chấp nhận. 

Vì cuộc sống áp lực và không hạnh phúc, tỷ lệ tự tử ở Nhật Bản, đặc biệt là người trẻ, rất cao. Một nghiên cứu của chính phủ Nhật Bản cho thấy gần 1/5 người Nhật Bản từng nghiêm túc nghĩ về việc tự sát vào một số thời điểm trong cuộc sống. Thậm chí ở đây còn có hẳn 1 khu rừng được gọi là khu rừng tự sát, nằm ngay trên con đường đi lên núi Phú Sĩ. 

Cùng với đó, phụ nữ Nhật Bản rất ngại sinh con. Nhật Bản đang bị già hóa dân số rất nhanh, và tỷ lệ người già cô đơn ở Nhật cũng tăng cao, kéo theo đó, hiện tượng người Nhật vi phạm pháp luật, trong đó có trộm cắp đang có xu hướng nhiều hơn ở nhóm người già, đặc biệt là phụ nữ. Họ trộm cắp, vì muốn được vào tù, để chạy trốn cuộc sống cô đơn, để được tiếp xúc với những người khác…

5 ngày ở Nhật Bản, trải nghiệm nơi đất nước Mặt trời mọc với những cảm nhận riêng quả thực là quá ngắn. Văn hóa Nhật Bản là một trong những nền văn hóa đặc sắc nhất thế giới, với một bề dày truyền thống, cái gì cũng “đạo” (trà đạo, hoa đạo, võ sĩ đạo…), có lẽ phải mất nhiều năm tìm hiểu mới có thể biết hết. 

Cả chuyến hành trình, ngoài vài người bán hàng, người Nhật Bản mà chúng tôi tiếp xúc nhiều nhất là bác tài xế - người khá thân thiện. Chúng tôi được học 2 câu chào hỏi cơ bản của người Nhật là Ô-hay-ô (xin chào) và A-ri-ga-tô (cảm ơn). Tuy nhiên, để cho dễ nhớ, chúng tôi đã phiên câu xin chào thành… “ôm 2 cô” và cảm ơn thành… A-ji-nô-mô-tô  (tên 1 loại bột ngọt). 

Thế mà bác tài hiểu. Có lẽ đi nhiều với những người Việt Nam, “bác tài” cũng đã nhiễm được ít văn hóa tếu táo của người Việt và vui vẻ đùa lại. Tiếc rằng những người thân thiện và có thể nở nụ cười như “bác tài” chúng tôi không được gặp nhiều.

Lệ Thúy
.
.
.