Những suy nghĩ nhìn từ đất nước Mặt trời mọc

Chủ Nhật, 07/02/2016, 14:37
Nhật Bản và Việt Nam có nhiều nét tương đồng về lịch sử và văn hóa. Tuy nhiên, bước vào những khúc quanh của lịch sử cận đại, Nhật Bản đã quyết tâm canh tân, bắt kịp “chuyến tàu lịch sử” và đưa đất nước phát triển nhanh chóng, trở thành một cường quốc ở châu Á và trên thế giới…

Lịch sử Nhật Bản tôn vinh Vua Minh Trị (1852 - 1912) như một minh quân có công lớn nhất trong lịch sử đã canh tân và đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hiện đại. Còn Fukuzawa Yukichi (1834 - 1901) là nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản cận đại. Hình ảnh của ông được in trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất, tờ 10 ngàn yên.

Năm 1868 ông thành lập trường Keio, tiền thân của trường đại học Keio nổi tiếng hiện nay tại Tokyo. Năm 1874 ông làm Viện trưởng Viện học sỹ Tokyo, tiền thân của Viện Hàn lâm Nhật Bản ngày nay. Ông viết nhiều tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng trong việc khai sáng xã hội Nhật Bản và trong đó tác phẩm “Khuyến học” viết vào năm 1872 – 1876. Trong tác phẩm này, ông chỉ ra những “căn bệnh” trong tư duy “học để làm quan”: “Kết quả của quan niệm giáo dục cố hữu ở nước ta “Làm quan là cách tốt nhất trong mọi cách để tiến thân”.

Trong suốt hàng ngàn năm qua, quan niệm đó đã thấm sâu vào máu thịt, đã thành nếp suy nghĩ của con người. Chính vì thế mà từ đời này qua đời khác người ta chỉ học để làm quan chứ có ai học để làm dân đâu. Làm quan trở thành cái đích trong cuộc đời. Trào lưu “Quyền lực là chìa khoá vạn năng” nhiễm sâu vào lòng người, nên dân ta ai cũng chỉ muốn làm trong công sở, chính quyền rồi tìm cách leo lên hàng quan chức chính phủ để có quyền hành và bổng lộc”.

Fukuzawa Yukichi phân tích: “Được cất nhắc vào chức vụ cao một chút, ngoài lương bổng, phụ cấp quy định ra, không hiểu tại sao tiền cứ vào như nước. Hoá ra kẻ trông coi việc xây cất thì luôn thúc giục chủ thầu phải cúng lễ. Kẻ trông coi ngân khố thì đòi thị dân phải biếu xén quà cáp mới cho vay tiền. Những chuyện như thế diễn ra như cơm bữa đến độ trở thành lệ”…

Nhưng với sự nỗ lực phi thường, những cải cách to lớn về mọi mặt, nhất là sự cải cách về giáo dục con người ngay từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành, xã hội Nhật Bản ngày nay đã hoàn toàn khác hẳn.

Bất cứ ai đến Nhật Bản cũng đều có ấn tượng tốt đẹp về môi trường sống, về không khí trong lành, đường phố sạch sẽ quy củ, mọi người đều tuân thủ giữ gìn được kỷ cương, nghiêm chỉnh trong sự nhộn nhịp, hối hả. Đến Tokyo hoặc các thành phố của Nhật, điều đầu tiên khiến du khách choáng ngợp là cơ sở hạ tầng hiện đại như hệ thống giao thông, đường tàu điện ngầm, đường cao tốc, sân bay, bến cảng, các toà nhà cao tầng, các công trình công cộng… đều được xây dựng chắc chắn, quy củ tưởng như vĩnh cửu; dù động đất  thường xuyên xảy ra nhưng ít xảy ra thiệt hại lớn. 

Mọi người thường nói là Nhật Bản đất chật người đông, nhưng ở Tokyo đường phố rộng rãi, có nhiều công viên lớn như công viên trong khu đền Minh Trị, công viên Koishikawa, khu vườn thú Ueno… rộng gấp nhiều lần công viên Thống Nhất (Hà Nội) và mỗi một khu dân cư đều có một công viên nhỏ để người già đến thư giãn, trẻ em vui chơi. Sở dĩ như vậy là vì người ta tuân thủ quy hoạch xây dựng rất nghiêm chỉnh. Hè phố cũng có những chỗ hẹp nhưng thoáng đãng, người đi bộ và đi xe đạp đều đi trên hè phố có hàng đinh để cho người khiếm thị dò đường, khi phải lên xuống bậc thang thì có đường cho người khuyết tật đi xe lăn. Sáng sáng trẻ em từ lớp 1 trở lên đều tự đi bộ đến trường với ba lô trên vai cũng có khi nặng trĩu và không được mang điện thoại di động đến trường.

Người Nhật có nhiều phẩm chất, tính cách tốt đẹp khiến cả thế giới ngưỡng mộ, khâm phục đó là ý chí kiên cường, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật cao, sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo và đoàn kết trong đau thương mất mát được thể hiện rõ nhất trong trận động đất mạnh 9 độ richte xảy ra vào cuối tháng 3-2011 ở vùng Fukushina. Không hề xảy ra nạn cướp bóc, hôi của, hỗn loạn mà chỉ thấy những hình ảnh hy sinh quên mình trong giá rét để khắc phục hậu quả của động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân; sự nhường nhịn, sẻ chia và xếp hàng có trật tự để nhận những khẩu phần ăn, nước uống… Mọi người cảm thấy tự xấu hổ nếu vi phạm những quy tắc như vậy.

Sự thông minh, sáng tạo của người Nhật thể hiện ngay trong việc sản xuất ra các mặt hàng tiêu dùng trong đời sống hằng ngày như: Các bà nội trợ chỉ cần dùng 1 cái cán có thể quặp được mọi loại xoong nồi không quai trong bếp. Khi sản xuất ra chai nước gội đầu và dầu xả thì người ta làm mấy cái vạch để phân biệt, để khi gội đầu nhắm mắt thì cũng có thể phân biệt được đâu là dầu gội, đâu là dầu xả. Các mặt hàng có bao bì bằng nhựa, nilon hoặc bìa cứng thì đều có hướng dẫn in rõ chỗ xé, bóc, mở bằng tay rất dễ mà không phải dùng đến dao, kéo. Họ có hẳn một Ủy ban chuyên nghiên cứu cải tiến mọi thứ đồ dùng và các phương tiện phục vụ cho cuộc sống được thuận lợi hơn.

Còn nói về dịch vụ phục vụ khách hàng của người Nhật thì thật là đáng để chúng ta phải nể trọng và học tập họ.

Người bán hàng dù ở trong các siêu thị hay các cửa hàng nhỏ lẻ đều luôn trong tư thế sẵn sàng phục vụ khách hàng. Thao tác nhân viên bán hàng nhanh nhẹn nhưng cẩn trọng, nâng niu hàng hoá của khách, xếp gọn gàng vào giỏ, hàng đông lạnh để một túi riêng, hàng cứng hàng mềm xếp sao tránh bị giập nát. Mỗi một món hàng được đưa vào máy tính tiền, nhân viên đọc to giá tiền trên máy tính để khách xác nhận trên màn hình trước mặt. Khi đón nhận tiền trả của khách đều bằng hai tay kèm theo câu: “Xin nhận tiền của quý khách”. Nhân viên trả lại tiền thừa cho khách cũng kèm theo câu: “Xin quý khách nhận hoá đơn cùng tiền thừa và xin kiểm tra lại”. Chắp hai tay trước bụng, kính cẩn cúi chào cùng lời cảm ơn với cách lịch sự nhất.

Đây là quy trình bắt buộc bất di bất dịch của bất cứ một nhân viên bán hàng nào ở các siêu thị, cửa hàng nhỏ lẻ. Mà với ai cũng một quy trình ấy, thái độ phục vụ ấy, dù mua nhiều hay mua ít, dù hàng thuộc loại đắt tiền hay rẻ tiền, không bao giờ có thái độ coi thường, bình phẩm về sự lựa chọn của khách hàng. Mặt lúc nào cũng tươi như hoa, lời nói lúc nào cũng lễ độ như đối với cha mẹ, người bao giờ cũng ở trong tư thế kính cẩn, tai lắng nghe, mắt nhìn chăm chú, tay không thừa một động tác nào.

Khi đi ôtô rẽ vào cửa hàng xăng để mua thì một nhân viên bán hàng chạy đến, quỳ gối bên cạnh người lái xe con, hỏi han về việc mua xăng. Sau đó chính nhân viên này nhanh nhẹn lấy khăn ướt lau các cửa kính xe cho khách, rồi lấy khăn khô lau lại kính xe một lần nữa, trong khi một nhân viên khác bơm xăng vào xe cho khách. Sau khi quỳ gối xuống đưa hoá đơn trả tiền xăng nhân viên bán hàng cảm ơn, cúi đầu chào và đứng lên làm xi nhan cho lái xe chạy ra đường đi tiếp. Đó là một hình ảnh khó quên đối với bất cứ lái xe ôtô nào vào mua xăng ở các trạm xăng ở Tokyo và có lẽ cũng chỉ có ở Nhật Bản mới có hình ảnh ấn tượng kể trên.

Khi khách vào khách sạn thì nhân viên chạy ra xách va ly cho khách, đưa khách vào phòng lễ tân làm thủ tục, rồi đưa khách lên nhận phòng. Nhân viên quỳ gối xuống sàn nhà giới thiệu phòng và các nội dung cần thiết, khi khách không có gì hỏi han nữa, nhân viên cúi chào rồi vừa đi giật lùi vừa cúi chào một lần nữa rất lễ độ với khách. Khi khách rời khỏi khách sạn thì các nhân viên lễ tân xếp hàng trước cửa, cúi chào tiễn khách lên xe ra về khiến cho khách rất hài lòng về sự phục vụ của nhân viên khách sạn.

Hầu như khi bắt tay vào công việc thì người Nhật chỉ có khái niệm mình là người phục vụ còn khách hàng là người được phục vụ hết mình và cảm giác được là thượng đế thực sự.

Từ một nước chậm tiến, ngày nay Nhật Bản đã trở thành một cường quốc giàu sang, văn minh, hiện đại đứng thứ hai trong nhiều năm và bây giờ là thứ ba về tổng sản phẩm quốc nội trên thế giới.

Sở dĩ xã hội Nhật Bản được như ngày nay là cả một quá trình cải cách, canh tân đất nước lâu dài, một quá trình giáo dục ngay từ lúc còn nhỏ và được rèn giũa trải qua nhiều thế hệ khiến cho bất cứ ai đến Nhật Bản cũng đều có những ấn tượng rất tốt đẹp về đất nước và con người ở xứ sở Mặt trời mọc.

Được cất nhắc vào chức vụ cao một chút, ngoài lương bổng, phụ cấp quy định ra, không hiểu tại sao tiền cứ vào như nước. Hoá ra kẻ trông coi việc xây cất thì luôn thúc giục chủ thầu phải cúng lễ. Kẻ trông coi ngân khố thì đòi thị dân phải biếu xén quà cáp mới cho vay tiền. Những chuyện như thế diễn ra như cơm bữa đến độ trở thành lệ”…

Fukuzawa Yukichi

Nhật Đăng
.
.
.