Thế giới 2020: Những điểm tựa sáng màu

Thứ Năm, 14/01/2021, 09:37
Năm 2020, trong khi phải oằn mình chống lại đại dịch COVID-19 hoành hành ở châu Âu, các nước EU và Anh đồng thời phải đối mặt với nguy cơ nước Anh sẽ rời EU theo phương cách “hạ cánh cứng”, nghĩa là hai bên sẽ không đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit và như vậy sẽ gây thiệt hại khôn lường cho cả hai bên...


Năm 2020 là một năm khó khăn với cả thế giới. Đại dịch COVID-19 phủ bóng đen tang tóc lên toàn cầu, người chết như rạ, kinh tế đình đốn, giao thương đứt gãy khiến cho thế giới nhuốm màu u ám. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hóa ra lại không kết thúc vào cuối ngày bầu cử 3-11 mà kéo dài lê thê với vô vàn các tranh cãi, hơn thế nữa lại còn chia rẽ nước Mỹ và cả thế giới ra làm 2 phần, một bên ủng hộ, một bên chống ông Trump, bên nào cũng quyết liệt. Các vụ cháy rừng ở California hay Australia, những siêu bão trên Đại Tây Dương, Thái Bình Dương khiến cho nhiều quốc gia đang oằn mình chống dịch lại phải hụt hơi khắc phục hậu quả thảm họa thiên nhiên. Thế giới trải qua một năm nóng nhất trong lịch sử đúng vào năm thứ 5 Hiệp định về chống biến đổi khí hậu được thông qua tại Paris...

Nhưng năm 2020 không chỉ có những gam màu u tối như thế! Vẫn có những sắc sáng trong một năm đầy biến động!

Cuộc đua chưa từng có

Bản thân đại dịch COVID-19 đã đẩy thế giới vào một năm hỗn loạn và buồn thảm nhưng công cuộc chống đại dịch lại cho thấy sức mạnh của con người trước nghịch cảnh. Kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, tiếp đó lan ra toàn cầu với mức độ thương vong tăng đến mức bi kịch, cũng bắt đầu một cuộc chạy đua với tốc độ chưa từng có nhằm tìm ra loại vaccine phòng chống loại virus quái ác này.

Cho dù tiến hành dưới áp lực chính trị hay vì mục đích sống còn của chính con người, các nghiên cứu phát triển vaccine chống COVID-19 đã được đồng thời tiến hành cùng lúc ở Trung Quốc, Nga, Mỹ, Australia và nhiều nước châu Âu, biến tiến trình phát triển vaccine phòng COVID-19 thành một cuộc đua gay cấn cả về chính trị cũng như y tế.

Mối quan hệ giữa Israel với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có bước cải thiện ngoạn mục nhờ thỏa thuận Abraham.

Ở Mỹ, tháng 5-2020, Tổng thống Donald Trump khởi động Operation Warp Speed, kêu gọi các công ty dược phẩm và cơ quan chính phủ nỗ lực rút ngắn thời gian điều chế thành công vaccine với mục tiêu làm ra 100 triệu liều trước cuối năm 2020. Các công ty dược phẩm lớn như Moderna, Pfizer, công ty sinh học BioTech tăng tốc thử nghiệm các loại vaccine tiềm năng.

Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên tiến hành nghiên cứu và phát triển vaccine theo 5 lộ trình kỹ thuật. Để giảm thời gian sản xuất, một số công ty dược phẩm Trung Quốc đã “đi tắt đón đầu”, bố trí nhà máy trước khi vaccine nghiên cứu được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Ngay trong ngày cuối cùng của năm 2020, Cục Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc đã cấp phép sử dụng đại trà cho một loại vaccine phòng COVID-19 đầu tiên được phát triển bởi chi nhánh của tập đoàn dược khổng lồ Sinopharm do nhà nước hậu thuẫn nhằm ngăn chặn nguy cơ virus lây lan trong mùa đông.

Tại Nga, các nhà khoa học đã phát triển thành công các nguyên mẫu vaccine ngừa COVID-19 dựa trên 6 nền tảng công nghệ khác nhau. Thậm chí, Nga còn đảo ngược quy trình, phê duyệt vaccine trước khi thử nghiệm! Tháng 8-2020, Nga là quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine COVID-19 dành cho người mang tên Sputnik-V và lập tức xúc tiến quá trình thử nghiệm trên người.

Tại Australia cũng như một số quốc gia có trình độ y tế tiên tiến ở châu Âu, quá trình thử nghiệm các loại vaccine cũng được xúc tiến với mục tiêu rút ngắn tối đa thời gian điều chế vaccine. Chỉ trong thời gian ngắn, đến giữa năm 2020, trên toàn thế giới đã có hơn 100 loại vaccine được nghiên cứu để điều chế và phát triển. Đến cuối năm 2020, những liều đầu tiên đã được tiêm trực tiếp trên người, biến vaccine ngừa COVID-19 trở thành loại vaccine được nghiên cứu và phát triển nhanh nhất trong lịch sử nhân loại.

Vaccine ngừa COVID-19 phát triển thành công đã kết thúc một năm 2020 khủng hoảng và chia rẽ bằng tia sáng của niềm hy vọng, rằng con người đã lần đầu tiên có khả năng chiến thắng đại dịch chết chóc này.

Những “chiếc van nồi hơi”

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 phủ cái bóng u ám của nó lên cả thế giới, năm 2020 còn đánh dấu những sự chia rẽ và căng thẳng trong các mối quan hệ quốc tế. Tình trạng xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên biên giới giữa hai nước, các cuộc tấn công nhằm vào những tướng lĩnh và nhà khoa học Iran có nguy cơ làm nổ bùng các đòn tấn công quân sự, chiến tranh khốc liệt giữa Armenia và Azerbaijan...

Trên cái nền xám xịt ấy, năm 2020 vẫn có một điểm sáng ở địa bàn ít ai ngờ tới: Trung Đông.

Chính xác hơn là mối quan hệ giữa Israel, nhà nước Do Thái nằm giữa trùng vây các nước Arab, với hàng loạt nước trước đấy bị coi là thù địch, đã có những bước cải thiện ngoạn mục trong năm 2020.

Dưới sự trung gian của Mỹ, ngày 13-8-2020, Israel và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã đạt được thỏa thuận hòa bình (gọi là Thỏa thuận Abraham), thiết lập quan hệ ngoại giao, chính thức khép lại quá khứ thù địch kéo dài hơn nửa thế kỷ, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước ở khu vực Trung Đông.

Theo thỏa thuận này, chính quyền Israel cam kết tạm ngừng tuyên bố chủ quyền đối với những khu vực chiếm đóng của các nước Arab trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967; nỗ lực cùng UAE tìm kiếm một giải pháp tổng thể, công bằng và bền vững cho vấn đề xung đột Israel - Palestine. Tiếp đó, vào cuối tháng 8-2020, Tổng thống UAE Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan đã ban hành sắc lệnh chấm dứt đạo luật năm 1972 (đạo luật cấm quan hệ đối với Israel). Hãng hàng không El Al của Israel đã thực hiện chuyến bay thương mại trực tiếp đầu tiên tới UAE...

Đây là kết quả những chính sách của cả hai nước nhằm đạt được những lợi ích chiến lược của cả Tel Aviv và Abu Dhabi cả về kinh tế, an ninh, ngoại giao. Israel có thể thâm nhập, khai thác thị trường vốn được coi là đa dạng và giàu tiềm năng của UAE; ngược lại, UAE có thể tranh thủ những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại của Israel để nâng cao chất lượng, năng suất sản xuất các ngành công nghiệp, nông nghiệp, khoa học - công nghệ của quốc gia. Hai nước cũng hóa giải thành công mối “nguy cơ” đe dọa đến an ninh quốc gia của mỗi nước và đem lại ổn định của khu vực từ nhiều thập niên qua; góp phần “tháo dỡ quả bom hẹn giờ” đe dọa tới giải pháp hai nhà nước trong cuộc xung đột Palestine - Israel.

Thỏa thuận hòa bình Israel-UAE đã có những tác động tích cực đối với cục diện ở Trung Đông. Sau Ai Cập năm 1979 và Jordan năm 1994, vậy là Israel đã ký được thỏa thuận hòa bình với một quốc gia Arab thứ ba, mở ra triển vọng tiếp tục ký các thỏa thuận khác nữa.

Những gì mà người ta chờ đợi diễn ra ngay sau đó. Ngày 18-10-2020, Tổng vụ trưởng Bộ Ngoại giao Israel, Alon Ushpiz và Ngoại trưởng Bahrain, Abdullatif bin Rashid Al-Zayani đã ký 8 thỏa thuận song phương, trong đó có tuyên bố chung về thiết lập quan hệ ngoại giao, hòa bình và hữu nghị.

Vài ngày sau, 23-10, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo, với sự trung gian của Mỹ, Sudan và Israel đã nhất trí bình thường hóa quan hệ; nhấn mạnh đây là tiến triển mới trong nỗ lực của Israel thúc đẩy quan hệ với các nước Arab Vùng Vịnh.

Đến ngày 22-12-2020, Maroc và Israel đã nhất trí ngay lập tức thiết lập các quan hệ ngoại giao đầy đủ. Như vậy Maroc là quốc gia thứ tư ở khu vực Trung Đông-châu Phi ký thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel trong năm 2020, mở ra một tương lai giảm bớt căng thẳng, hạn chế các mầm mống gây đụng độ vũ trang ở một địa bàn vốn thường xuyên là điểm nóng bậc nhất trên toàn cầu.

Các thỏa thuận này là những chiếc van xả bớt áp lực ở cái “nồi hơi Trung Đông”, giúp mang lại triển vọng hòa bình cho khu vực vốn chất chứa vô vàn mầm mống xung đột này.

“Thỏa thuận đã được chốt”!

Năm 2020, trong khi phải oằn mình chống lại đại dịch COVID-19 hoành hành ở châu Âu, các nước EU và Anh đồng thời phải đối mặt với nguy cơ nước Anh sẽ rời EU theo phương cách “hạ cánh cứng”, nghĩa là hai bên sẽ không đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit và như vậy sẽ gây thiệt hại khôn lường cho cả hai bên.

Sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý vào ngày 23-6-2016, Anh đã chính thức rời EU từ tháng 1-2020. Tuy nhiên, Anh sau đó vẫn tiếp tục tuân thủ các điều luật của EU cho đến cuối năm 2020 nhằm đạt được các điều khoản thương mại công bằng với 27 quốc gia thành viên.

Các cuộc đàm phán gay cấn đã bắt đầu được đẩy mạnh từ tháng 3-2020 nhằm thiết lập cơ chế hoạt động thương mại từ tháng 1-2021 trở đi. Hai bên liên tục tranh cãi dữ dội về vấn đề liên quan đến hạn ngạch đánh bắt hải sản trong vùng biển của Anh, chủ quyền, cũng như các điều khoản về cạnh tranh...

Ngỡ như các cuộc đàm phán hai bên lâm vào bế tắc không lối thoát thì chỉ một tuần lễ trước thời hạn cuối cùng, ngày 24-12-2020, Thủ tướng Anh Boris Johnson bất ngờ thông báo trên Twitter: “Thỏa thuận đã được chốt”, kèm theo bức ảnh ông vui mừng trước chiến thắng.

Cùng lúc, Chủ tịch Ủy ban EU, bà Ursula von der Leyen cũng tổ chức họp báo ca ngợi thỏa thuận vừa đạt được với London, gọi đây là “thỏa thuận công bằng, đúng đắn và đầy trách nhiệm cho cả hai bên”.

Mặc dù còn cần Quốc hội Anh và Nghị viện EU phê chuẩn nhưng thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU đã kịp thời hóa giải cơn khủng hoảng đang chực chờ bùng nổ giữa hai bên. Nó là tin tức tốt lành vào cuối năm đại dịch COVID.

Việc nhanh chóng tìm ra vaccine ngừa COVID-19, các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với một số nước Arab cũng như thỏa thuận thương mại Anh-EU cho thấy trong một năm 2020 buồn thảm và hỗn mang, vẫn có những điểm sáng le lói cho niềm hy vọng.

Thế giới bước vào cuộc vượt dốc gian nan hậu COVID-19 trong năm 2021 dựa trên những điểm tựa sáng màu như thế.
Yên Ba
.
.
.