Từ chuyện nhà báo bị đuổi việc vì xúc phạm bà Hillary Clinton

Thứ Hai, 19/09/2016, 08:08
Lâu nay, nhiều người vẫn mặc nhiên cho rằng, Mỹ là “thiên đường tự do” và khi nói về tự do báo chí, tự do ngôn luận thường so sánh chuyện ở ta với Mỹ. Một số “nhà dân chủ” tự xưng hùa theo quan điểm của những kẻ phản động hải ngoại, hễ khi thấy trong nước có việc báo này bị xử lý, nhà báo kia bị thu thẻ là lập tức lên trang cá nhân phê phán, chỉ trích.

Đầu tháng 9 vừa qua, báo chí tại Mỹ thông tin, tờ The Huffington Post đã đuổi việc một phóng viên vì người này đã viết bài nói về tình hình sức khỏe của ứng viên nữ Tổng thống Mỹ - bà Hillary Clinton. Vấn đề sức khỏe của bà Clinton bắt đầu nổi lên sau khi tại một cuộc họp báo, bà đột nhiên có những cử chỉ khác thường, có thông tin nói bà lên cơn động kinh.

Phóng viên David Seaman lập tức đưa lên tờ The Huffington Post hai bài báo đề cập sự việc trên và đặt câu hỏi về tình hình sức khỏe của nữ ứng viên Tổng thống. Tuy nhiên, ngay sau đó, tòa soạn báo đã vội vàng gỡ cả hai bài viết từ trang web. Báo chí tại Mỹ nói việc gỡ bài này “không hề có giải thích” và khóa tài khoản của Seaman.                     

Trước sự việc trên, phóng viên David Seaman viết lên trang cá nhân Twitter (ở Mỹ, người dùng Twitter phổ biến như Facebook ở ta), người này bày tỏ sự phẫn nộ trước việc làm của lãnh đạo Báo The Huffington Post.

Việc một nhà báo tại Mỹ viết bài rồi bị gỡ, bị xử lý đuổi việc có phải là chuyện lạ? Hãy nghe ý kiến nhà chính trị học Gevorg Mirzoyan, người chuyên viết cho tạp chí Ekxpert. Ông nói, ở Mỹ đó là chuyện quá đỗi bình thường. Không có phương tiện truyền thông nào là độc lập, tất cả đều phụ thuộc ở mức độ khác nhau vào các nhà tài trợ và chính sách biên tập.

Nói về trường hợp nhà báo David Seaman, nhà chính trị học Gevorg Mirzoyan phân tích: “Trong tình huống được mô tả trên đây, đứng sau bà Hillary còn là rất nhiều tiền. Cách đây một tháng rưỡi, trong quỹ vận động tranh cử của bà ấy có 330 triệu đôla (để so sánh với quỹ của ông Trump hơn 60 triệu). Ngoài ra, bà Clinton còn được chống lưng bởi toàn thể giới chóp bu đảng Dân chủ.

Thông tin về vấn đề sức khỏe của bà Clinton tất nhiên là một đòn rất lớn đánh vào chiến dịch tranh cử và đảng Dân chủ. Vì thế mà phóng viên đã bị sa thải. Tính xác thực của thông tin này không phải là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn để hiểu mức độ đúng sai của phóng viên”.

Ông Gevorg Mirzoyan cũng thừa nhận, tự do ngôn luận đối với người làm báo, trước hết là khả năng được bày tỏ ý kiến. Song nếu căn cứ vào chính sách biên tập thì việc sa thải nhà báo là hợp lý. 

Sự việc trên là điều chúng ta cần suy ngẫm. Lâu nay, nhiều người vẫn mặc nhiên cho rằng, Mỹ là “thiên đường tự do” và khi nói về tự do báo chí, tự do ngôn luận thường so sánh chuyện ở ta với Mỹ. Một số “nhà dân chủ” tự xưng hùa theo quan điểm của những kẻ phản động hải ngoại, hễ khi thấy trong nước có việc báo này bị xử lý, nhà báo kia bị thu thẻ là lập tức lên trang cá nhân phê phán, chỉ trích. Như việc gần đây Bộ Thông tin và Truyền thông có quyết định thu hồi thẻ nhà báo đối với 4 nhà báo công tác tại Báo điện tử Infonet và Báo điện tử Dân trí. Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quyết định thu hồi thẻ nhà báo của ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam; thu hồi thẻ nhà báo của ông Mai Phan Lợi, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh; ông Đỗ Hùng, Báo Thanh Niên…

Trong các quyết định thu hồi thẻ nhà báo, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện sau khi đã tiến hành kiểm tra, kết luận một cách khách quan chứ không phải “không rõ lý do” như một số thông tin. Chẳng hạn, việc thu hồi thẻ nhà báo của ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam là “do vi phạm quy định về hoạt động nghiệp vụ báo chí theo tiết c điểm 9.1, khoản 9, mục II, Thông tư số 07/2007/TT-BVHTT ngày 20-3-2007 của Bộ Văn hóa-Thông tin”. Ông Sơn với chức danh Phó Tổng Biên tập thường trực đã ký thay Tổng Biên tập phát hành thẻ phóng viên cho một cá nhân không làm việc tại tạp chí này.

Những người làm báo thường nói về công việc của mình là “nghề nguy hiểm” hay “bút sa, gà chết”.

Điều này đúng với tính chất, đặc thù công việc bút giấy, nhất là trong điều kiện phải chạy theo áp lực thông tin từng phút, từng giờ như hiện nay, nếu không thận trọng dễ sơ sẩy, vi phạm. Vì thế, đã là người làm báo, khi đồng nghiệp bị xử lý, những người làm báo không thể coi đó làm điều mừng, trái lại cần đúc rút cho mình bài học. Đối với những trường hợp vi phạm do lỗi vô ý, do bất cẩn, không có động cơ vụ lợi, không phải do phẩm chất đạo đức, chúng ta cần sự chia sẻ, khuyên bảo, nhắc nhở nhau để trưởng thành hơn. Đối với các vi phạm do cố ý, do suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm vì vụ lợi cá nhân, đe dọa, tống tiền…, cần nghiêm khắc nhìn nhận để coi đó là bài học đắt giá cho mỗi người làm báo.

Không nên vì tư tưởng đồng nghiệp, bạn bè hay theo một xu hướng, quan điểm ngoài luồng nào đó mà hùa theo phê phán, đả kích cơ quan chức năng, đả kích tòa soạn hay ở phạm vi rộng là nguyền rủa chế độ. Hành vi vi phạm phải soát xét, đánh giá theo đúng tính chất của hành vi đó dựa trên tổng thể các yếu tố, cả pháp luật và đạo đức, cả lý và tình chứ không phải đánh giá theo lối suy diễn, áp đặt chủ quan, từ một việc, một hành vi mà nguyền rủa cả một bộ máy, một thể chế.

Nhà báo là nghề nguy hiểm, đó là điều chúng ta chia sẻ và tự răn bảo nhau. Nhà báo với những tác phẩm của mình có vai trò thông tin, tuyên truyền và định hướng dư luận, tạo ra dư luận. Chính vì thế, nhà báo có những quyền mà trong thực tiễn, nếu bị lợi dụng vì các mục đích cá nhân sẽ gây ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền, lợi ích người khác.

Nếu cho rằng mình có quyền tạo ra dư luận để tìm cách lợi dụng, từ chính trị đến luật pháp, điều đó đều trái với tôn chỉ, mục đích. Khoản 3, Điều 25, Luật Báo chí năm 2016 quy định rõ, nhà báo có nghĩa vụ thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân, phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, tuyên truyền và bảo vệ nhân tố tích cực, đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm; không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật.

Từ vụ việc ở Mỹ, soi chiếu xứ mình, rõ ràng xứ Tây hay xứ ta, không thể “thích thì viết”, không thể bao biện quan điểm tự do báo chí, tự do ngôn luận cho hành vi sai lệch của mình. “Nghề ngôn luận” ở đâu cũng có hành lang pháp lý và nhà báo, người viết báo, biên tập, quản lý báo chí có nghĩa vụ phải tuân thủ theo hành lang đó.

Đăng Minh
.
.
.