Phơi bày thủ đoạn xuyên tạc việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương

Thứ Hai, 08/10/2018, 09:00
Tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận để ban hành “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.


Trong bài phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Nhờ có những chủ trương, quy định đúng đắn trước đây mà chúng ta đã đẩy lùi tình trạng suy thoái, tham nhũng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt chưa thật sự gương mẫu, còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Bởi vậy Hội nghị Trung ương lần này, thảo luận để thống nhất ban hành “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng” (Quy định về TNNG).

Theo Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương cơ bản thống nhất với các nội dung trong dự thảo Quy định, cho rằng dự thảo đã được chuẩn bị công phu, vừa có tính khái quát, vừa cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi; giao cho Bộ Chính trị tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp bằng văn bản của Trung ương để hoàn thiện và sớm ban hành Quy định. 

Trung ương nhấn mạnh, nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khoá XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện thì sẽ có sức lan toả rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Chủ trương ban hành Quy định về TNNG là hết sức đúng đắn, cần thiết nhằm ngăn chặn những tiêu cực trong Đảng, được dư luận xã hội đánh giá cao. 

Thế nhưng, những ngày vừa qua, các thế lực xấu đã tung ra nhiều bài viết xuyên tạc chủ trương ban hành Quy định về TNNG, cho rằng việc ban hành quy định “không phải là để nhắm vào những hành vi tham nhũng” mà nhằm “thanh trừng nội bộ” và “thâu tóm quyền lực”. 

Từ mục đích, yêu cầu khách quan của việc ban hành Quy định về TNNG, chúng xuyên tạc rằng, nêu gương “chỉ là hình thức, mị dân”, để che đậy hành vi tham ô, nhận hối lộ, vơ vét của cải..., từ đó cổ súy người dân “không nên tin”, “không nên bị lừa mị”...

Vậy tinh thần Quy định mới về TNNG là gì?

Trước hết, cần thấy rằng đây không phải là vấn đề mới mà thực tế là Đảng ta đã có các quy định liên quan. Quy định số 101-QÐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, đã được đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thay mặt Ban Bí thư ký ban hành ngày 7-6-2012. 

Việc ban hành Quy định về TNNG lần này là cụ thể hóa Quy định 101-QĐ/TW, trong đó xác định rõ các chủ thể trước hết phải nêu gương là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Qua thảo luận, cũng có một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng áp dụng quy định là các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Về nội dung, dự thảo văn bản này quy định TNNG một cách toàn diện, từ tư tưởng, chính trị, đến đạo đức lối sống, bao gồm: Trung thành tuyệt đối, kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; luôn luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc làm tối thượng; thực sự dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch và giữ vững nguyên tắc trong công tác cán bộ; minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.

Đặc biệt, theo dự thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín. Ngoài ra, dự thảo Quy định mới này còn yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải tránh “tư duy nhiệm kỳ”; không được tạo lập “sân sau”, thiết lập “lợi ích nhóm”; sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm giàu bất chính, vụ lợi…

Có thể nói, những vấn đề dự thảo Quy định TNNG đã đưa ra những quy định cụ thể, sát với tình hình chính trị, xã hội hiện nay, nhất là những biểu hiện mới của tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII. Dư luận xã hội đánh giá cao nội dung này của Trung ương. 

Thực tế cho thấy, đây không phải là lần đầu Đảng ta đưa ra những quy định nhằm ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong Đảng. 

Gần đây có thể lấy Quy định 102, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. 

Phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc của Quy định 102 là tất cả “đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định”. 

Nguyên tắc là “tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Đảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Đảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời”. 

Về hình thức xử lý kỷ luật có: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Đối với đảng viên dự bị: Khiển trách, cảnh cáo. Đối với đảng viên đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức và đã qua đời thì không xem xét kỷ luật…

Như vậy có thể nói Quy định 102 rộng hơn dự thảo Quy định TNNG về đối tượng áp dụng. Mặt khác, dự thảo Quy định về TNNG khuyến khích đối với cán bộ cấp cao “chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín”. Có thể nói đây là một quy định nhân văn, dựa trên nguyên tắc tự nguyện của cán bộ đảng viên. Thời gian qua, không ít cán bộ cấp cao của Đảng đã bị xử lý kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước.

Viết, tán phát bài, hình ảnh trên internet, mạng xã hội, tung thông tin sai trái, xuyên tạc sự thật nhằm chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước ta là thủ đoạn mà các thế lực thù địch, phản động đang triệt để lợi dụng. Nhưng tung tin xuyên tạc về Quy định TNNG là điều trơ trẽn, kiểu nói lấy được, không có bất cứ cơ sở nào. Trò xuyên tạc, chống phá đó rõ ràng không thể lừa bịp được ai mà chỉ tự phơi bày dã tâm của chúng.

TS. Cao Đức Thái
.
.
.