Lại chiêu trò "chọc gậy"
- Chiêu trò đánh tráo bản chất và bài học xử lý an ninh môi trường
- Tỉnh táo trước chiêu trò “bình phán nhân sự”
- Sự thất bại của những chiêu trò chống phá, hạ thấp vị trí Đại hội XII của Đảng
Trong lúc Nghị quyết nhận được sự hưởng ứng tích cực trong dư luận nhân dân, được tin tưởng sẽ tạo chuyển biến mới trong nhận thức và hành động thì trên một số trang báo mạng nước ngoài lại xuất hiện những “nhà bình luận” phê phán, chỉ trích Nghị quyết. Trên trang BBC đưa bài viết nói Nghị quyết thể hiện sự “bế tắc lý luận”, trích dẫn lời một số người mà họ cho là “nhà nghiên cứu” rằng khái niệm “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là “cực kỳ mơ hồ” và “hoang tưởng về ngôn từ”.
Ý kiến này lập luận, làm sao con người ta là không có tự diễn biến được bởi “nếu một cơ thể mà không tự chuyển biến, tự diễn biến, thì đó là một cơ thể chết. Xã hội cũng vậy, một xã hội muốn phát triển phải tự vận động và trong quá trình vận động đương nhiên phải có chuyển biến”...
Lập luận như vậy nghe qua tưởng như logic song thực tế đã hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai nội hàm của khái niệm “tự diễn biến, tự chuyển hoá”. Đó là cách nhìn thiếu thiện chí, thể hiện rõ tư tưởng “phá đám”, bằng các lập luận dưới danh nghĩa “khoa học” để đánh tráo khái niệm, làm người đọc hiểu sang hướng khác.
Thực tế, chiêu trò của các thế lực thù địch cũng thường mượn danh tiếng của một số trí thức ở Việt Nam, họ có quá khứ cống hiến và sự ảnh hưởng nhất định tới xã hội nhưng sau lại có quan điểm, tư tưởng trái với quan điểm, tư tưởng của Đảng. Khi mượn danh của những người này, họ đặt ra dưới dạng các bài viết, bài phỏng vấn, dẫn dắt vấn đề từ lý luận đến thực tiễn, cố ý lái sang hướng khác, cho rằng nghị quyết, đường lối của Đảng ta là sai lệch, là “bế tắc lý luận” như trường hợp nói trên.
Với một chuỗi hành động và quá trình đả kích có “thâm niên”, rõ ràng việc chỉ trích, phê phán là đã lường trước, nó có tính quy luật của bên xây và bên chống. Tuy nhiên, khi đã nói tới lý luận, nói tới khoa học thì nhất thiết phải có căn cứ, không thể vì mục đích “phá đám” nên tự nghĩ ra một lý luận cho riêng mình, một lý luận không giống ai, không có căn cứ khoa học nào để ngụy biện.
Trở lại vấn đề chúng ta đang đề cập ở đây: suy thoái tư tưởng chính trị và “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ không phải bây giờ, cũng không phải chỉ có ở Việt Nam mà có từ trong phong trào Cộng sản quốc tế và ở các nước XHCN khác. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống chính trị cũng như trong xã hội ở các nước XHCN thường xuất hiện khi mà tình hình thế giới diễn biến phức tạp, tình hình trong nước có nhiều khó khăn, thách thức.
Nói cách khác, khi mà cách mạng thế giới, cách mạng trong nước có những “khúc quanh lịch sử” thì trong nội bộ Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội sẽ xuất hiện những đối tượng cơ hội chính trị và nảy sinh vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Ngay từ cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa cơ hội, đối tượng cơ hội chính trị đã xuất hiện trong phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế theo khuynh hướng tư tưởng đối lập nhau như phái Latxan, phái Công Liên, phái Blongxki, phái Bruđông, phái Bacunin…
Những phần tử thuộc các trường phái đó không những không đi theo, không ủng hộ mà còn công khai, quyết liệt chống lại Học thuyết Mác về XHCN khoa học. Đó là những người cộng sản đã bị biến chất, thoái hóa về tư tưởng chính trị, họ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và trở thành những “con chiên ngoan đạo” của “Chủ nghĩa cơ hội tả khuynh” hay “Chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh”.
Còn nghĩa của “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” là gì? Theo Đại Từ điển tiếng Việt: “diễn biến là biến đổi theo chiều hướng nào đó”; “chuyển hóa là biến đổi từ dạng này, hình thái này sang dạng khác, hình thái khác”.
Trên cơ sở lý luận và thực tiễn của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ góc độ chính trị của Việt Nam cho thấy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là nói tới sự suy thoái, thay đổi quan điểm, lập trường tư tưởng - chính trị ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hay trong một tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, đoàn thể xã hội thuộc hệ thống chính trị của chế độ Nhà nước XHCN Việt Nam.
Như vậy, khái niệm “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có gốc nghĩa của nó và vấn đề này dù trước đây chúng ta có các cách gọi khác nhau song bản chất của nó đã có từ lâu (thế kỷ XIX) và không chỉ ở Việt Nam. Đối với Việt Nam hiện nay, đây là một thực tế đã và đang diễn ra trong nội bộ Đảng, trong nhân dân. Như vậy, không thể nói đây là khái niệm mơ hồ, hoang tưởng hay “bế tắc lý luận”. Ngay việc lý luận thực chất cũng phải luôn được bổ sung, hoàn thiện bởi lý luận phải bám sát thực tiễn, phải phù hợp thực tiễn chứ không phải xơ cứng.
Vấn đề suy thoái tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” nảy sinh từ lâu nhưng phải đến Đại hội XI của Đảng, điều này mới đề cập trong văn kiện đại hội là do sự biến chuyển của thực tiễn.
Cho tới Hội nghị Trung ương 4 (khoá XII), đây là lần đầu tiên Trung ương chỉ rõ nội hàm và 27 dấu hiệu nhận biết suy thoái tư tưởng chính trị, tự chuyển biến, tự chuyển hoá. Đây là một bước phát triển và cụ thể hoá vấn đề lý luận để áp dụng trong thực tiễn.
Tại sao vấn đề này được nhận thức từ lâu nhưng tới nay mới cụ thể hoá, mới đưa ra được các dấu hiệu nhận diện? Chính thực tiễn đổi mới đã đặt ra và hối thúc chúng ta phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy lý luận, tư duy phát triển, nâng cao năng lực sáng tạo để phát triển. Và đòi hỏi ấy càng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác lý luận thúc đẩy thực tiễn phát triển.
Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, dự báo chính xác và kịp thời có chủ trương, chính sách, xử lý hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn; giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở nước ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị 20 năm thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương, khẳng định: “Thực tiễn đã chứng minh rằng: Để vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước tiến lên phải đổi mới toàn diện, đồng bộ, đặc biệt là đổi mới tư duy lý luận. Chính nhờ đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận mà chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn trong những năm qua. Mặt khác, thực tiễn của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế cũng cho chúng ta bài học sâu sắc về đổi mới phải có nguyên tắc, đúng định hướng”.