Tỉnh táo trước chiêu trò “bình phán nhân sự”

Thứ Hai, 15/02/2016, 10:21
Xưa, chuyện những ông thầy bói xem voi, mỗi người bấu víu lấy một bộ phận trên thân voi mà phán con voi như con đỉa hay như… cột nhà. Nay, đánh vào tâm lý của người dân, không ít người tự nhận “chuyên gia”, bám víu lấy một lý lẽ, một viện dẫn nào đó để suy diễn chủ quan, tự cho mình quyền “phân tích, nhận định” bàn phán nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước rồi gài ý cá nhân, kích bác, bôi nhọ, chống phá đang là một vấn đề đáng quan ngại, nhất là mạng xã hội.

Đáng nói, những người tự nhận “chuyên gia” này được một số đài, báo  nước ngoài nhận làm bàn tròn bình luận trước, trong và sau Đại hội Đảng cũng lấy chuyện làm quà, chém gió trên màn hình y như học giả, trí thức thật.

Thực tình, đánh vào thị hiếu tò mò của người dân về chuyện nhân sự cấp cao, chẳng khó gì để đài, báo của các thế lực thù địch, phản động bỏ ra vài ba đồng bạc kéo các “chuyên gia” đến bàn luận. Mục đích là làm sao có nhiều thông tin hậu trường càng tốt, nhắm vào thị hiếu nhiều người. Song, thông tin, tài liệu thực thì ít mà phần lớn những trường hợp này cũng chỉ nghe hơi nồi chõ, thậm chí mù tịt thông tin nhưng đã trót nhận tiền của đài, báo đó nên cũng đến ngồi “bàn tròn nhân sự”, bình luận y như nhà thông thái rồi ra vẻ hiểu biết chuyện “quốc gia đại sự”, nói lấp lửng kiểu như “nguồn tin riêng”, “thông tin chưa tiết lộ”… Xem trên mạng thấy có ông mắt lõm má gồ tưởng cầm hơi khó qua nổi mùa rét, thế mà lại thì thào chuyện năm tới ông này lên thì Việt Nam thế này, thế giới thế kia…

Chuyện bình bàn nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước ta thì trên mạng, trên các bàn tròn đã bắt đầu khởi xướng cách thời điểm diễn ra Đại hội Đảng XII cả năm, thậm chí vài năm. Những cái tít hot như “ai là tổng bí thư, ai là thủ tướng” liên tục được đưa ra. Rồi đến lượt các vị “thánh phán” phân tích từng người mà họ cho là ứng cử viên, lần lượt bình luận ưu, khuyết từng ủy viên Bộ Chính trị khóa cũ, khóa mới. Những bình phán này có điểm khách quan, nhưng đa phần được các đối tượng thêm thắt, suy diễn chủ quan, gài lồng cả những thông tin, tài liệu chưa được kiểm chứng, tài liệu thật giả lẫn lộn, từ đó gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong dư luận. Đây là thủ đoạn lợi hại của các đối tượng.

Nếu nhìn lại hơn một năm qua, đọc các thông tin về “dự đoán nhân sự” mà các đối tượng đưa ra cho thấy, họ cũng chỉ bình phán thông tin kiểu “ếch ngồi đáy giếng”, hôm qua nói kiểu này, mai lại khác. Đến khi Đại hội XII công bố danh sách các ủy viên Trung ương và Trung ương XII bầu ra các ủy viên Bộ Chính trị, trên mạng lại xuất hiện những bài viết dưới dạng “nhận định các ủy viên”.

Ngày 4-2-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký Quyết định phân công 7 ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư khóa XII và sau đó diễn ra các lễ ra mắt, trao quyết định. Tức thì, các mạng rộ lên những bình phán về chuyện hay, dở của các ủy viên Bộ Chính trị trên cương vị mới. Ngoài một số nội dung khá rõ ràng như về lý lịch, về thâm niên công tác, về những việc đã làm được mà công luận biết đến, các bài viết còn lồng ghép, phân tích những vấn đề có tính suy diễn chủ quan như chuyện vùng miền, tính cách, khí phách, quan điểm của từng người, chuyện người này hợp ai, kỵ ai, từ đó có những bình luận mang tính quy chụp như “khó thành công”, “dễ thất bại” đối với đồng chí này, đồng chí kia. Thậm chí, những phân tích mang tính kích động, bôi nhọ chuyện phe, nhóm, cho rằng có sự thỏa hiệp, dàn xếp mang tính “lợi ích nhóm”, cục bộ trong nội bộ…

Thật ra, chuyện nhân sự thì ở bất kỳ cấp nào cũng gây sự tò mò. Ở cấp thôn, xã, ngay trước, trong, sau đại hội cũng ì xèo chuyện này, chuyện kia, người này nhóm này, người kia dây nọ và đương nhiên, trong những vấn đề đó cũng có thông tin đúng, thông tin sai, thông tin thật giả lẫn lộn. Trong ngõ thôn đã vậy thì ở tầm cấp cao của Đảng, Nhà nước, việc trọng đại ấy thu hút sự quan tâm của bàn dân thiên hạ cũng là lẽ thường. Việc bình luận, đánh giá khác nhau theo chủ ý của mỗi người cũng là điều dễ hiểu, theo cảm nhận và suy nghĩ riêng không ai giống ai. Đó là quan điểm và quyền của mỗi cá nhân. Song, khi một cá nhân lên diễn đàn, lên đài, báo, mạng xã hội bình luận có tính quy chụp rồi đưa các thông tin thật giả lẫn lộn, thông tin có tính bôi nhọ, kích bác, đả phá, kêu gọi hành động chống lại tổ chức lại là vấn đề khác. Đó là hành động chống phá hoặc cổ súy, tiếp tay chống phá, gây nguy hại không chỉ với chính cá nhân mà còn ảnh hưởng đến uy tín, đến vị thế của Đảng, của Nhà nước và quốc gia. Đó là sự nguy hại trong âm mưu, hành động “diễn biến hòa bình” mà chúng ta cần nhận thức để tẩy chay, không để những kẻ viện cớ bình phán nhân sự cấp cao “quăng lưới” khiến ta mắc bẫy về nhận thức và hành động, gây hại đất nước.

Đăng Trường
.
.
.