Phòng, chống “Diễn biến hòa bình”

Chiêu trò đánh tráo bản chất và bài học xử lý an ninh môi trường

Thứ Hai, 15/08/2016, 08:59
Sự việc xảy ra hôm 12-8-2016 tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, lực lượng Cảnh sát có mặt để giữ trật tự trước việc hàng trăm người dân trong khu vực tụ tập, trong đó nhiều người có hành vi quá khích, gây rối.

Nguyên do trước đó người dân thôn Ninh Ích đã chặn chiếc xe ben chở rác vào nhà máy xử lý chất thải nguy hại (CTNH) của Công ty CP Môi trường Khánh Hòa để xử lý thử nghiệm.

Hằng ngày, người dân cử người “canh gác” không cho công ty đưa xe đi, đồng thời yêu cầu nhà máy cam kết đóng cửa dời đi nơi khác thì mới thả xe cho công ty.

Sáng 12-8-2016, đại diện chính quyền địa phương và doanh nghiệp đến để đưa xe rác này ra thì hàng trăm người dân đã kéo đến ngăn cản.

Một số người treo băng rôn, khẩu hiệu yêu cầu doanh nghiệp, UBND thị xã phải viết cam kết không để xe chở rác chạy vào thôn, buộc nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại (đóng tại thôn Ninh Ích) ngưng hoạt động, di chuyển đi nơi khác.

Việc lực lượng Cảnh sát có mặt trong trường hợp đó là cần thiết nhằm giữ trật tự, ngăn chặn các hành vi quá khích, gây rối, không để hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra (tấn công gây thương tích, bắt giữ cán bộ, hủy hoại tài sản…).

Sự có mặt của Cảnh sát cũng chính là nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân, doanh nghiệp. Hiển nhiên, trong quá trình giữ trật tự, do phải ngăn cản một số người bị kích động nên không tránh khỏi những va chạm (một số người dân do bị kích động có hành vi tấn công lại Cảnh sát, cán bộ).

Tuy nhiên, sự việc này đã bị một số đối tượng lợi dụng, đưa hình ảnh tại hiện trường rồi vu cáo thành “Công an đàn áp người dân”. Một số trang mạng còn dựng chuyện, nói rằng hàng chục Cảnh sát cơ động, trật tự, CSGT Công an thị xã Ninh Hòa đã được điều động đến để “đánh đập phụ nữ, trẻ em và thanh niên”.

Bằng việc chộp lấy một số hình ảnh như Cảnh sát đang ngăn cản những người quá khích hay cảnh phụ nữ trong lúc chen lấn, xô đẩy bị ngã rồi vu cáo họ bị đánh đập, một số đối tượng lấy tên, hình ảnh người dân rồi bịa thành phỏng vấn, vu cáo Cảnh sát đàn áp, đánh đập “những người dân vô tội”…

Thực ra, đây chỉ là một trong các dẫn chứng cho thấy thủ đoạn biến không thành có, biến trắng thành đen của các đối tượng xấu.

Lâu nay, khi ở nơi nào đó xảy ra vụ việc khiến người dân bức xúc với doanh nghiệp, chính quyền, nhất là những sai phạm của cán bộ trong bộ máy chính quyền không được giải quyết thỏa đáng, các đối tượng xấu tìm cách tiếp cận, kích động người dân tụ tập, gây rối.

Khi chính quyền phải sử dụng Công an can thiệp, bảo vệ trật tự, lập tức chúng hô hào, kêu gọi người dân tấn công lại cán bộ, tấn công Cảnh sát, từ đó tung clip, hình ảnh để vu cáo “Công an đàn áp người dân”.

Các vụ tụ tập, tuần hành diễn ra vừa qua liên quan hiểm họa môi trường biển ở miền Trung, một số vụ liên quan cưỡng chế giải phóng mặt bằng… cho thấy rõ thủ đoạn này của các đối tượng phản động, đối tượng chống đối.

Trên thực tế, đối với các vụ việc phức tạp như cưỡng chế giải phóng mặt bằng, nếu không có lực lượng Công an, việc cưỡng chế sẽ không thành công trước hành vi côn đồ của một số đối tượng. Các vụ tụ tập, tuần hành của người dân dưới khẩu hiệu “bảo vệ môi trường” vừa qua cũng bị đối tượng xấu lợi dụng để kích động gây rối.

Nếu không có sự can thiệp kịp thời của lực lượng Công an thì trong nhiều trường hợp, sức khỏe người dân cũng khó đảm bảo an toàn, chưa kể tài sản của doanh nghiệp, nhà nước dễ bị kẻ xấu lợi dụng phá hoại.

Sự có mặt của Công an trong các trường hợp đó là cần thiết, cũng giống như việc Công an có mặt trong vụ hành trăm người tụ tập tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An.

Nhiệm vụ của Công an là giữ trật tự, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi phạm pháp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản cho người dân, doanh nghiệp, chính quyền. Từ “trấn áp” chỉ đặt ra trong trường hợp Công an tấn công tội phạm, nhất là tội phạm nguy hiểm.

Trong mọi trường hợp, không thể đánh tráo khái niệm Công an “đàn áp, trấn áp” tội phạm sang người dân. Đó là sự đánh tráo nhằm bôi nhọ và làm sai lệch bản chất của hành vi, sâu xa hơn là bản chất của lực lượng, của chế độ.

Từ vấn đề này cũng đặt ra nhiều bài học trong cách quản lý của chính quyền các cấp hiện nay. Bài học từ vụ Formosa xả thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân cũng là bài học đối với chính quyền các cấp khi tính toán cấp phép đầu tư với vấn đề môi trường.

Chúng ta không thể đặt an ninh môi trường phía sau lợi ích kinh tế do dự án mang lại. Lợi ích kinh tế có lớn đến mấy song khi an ninh môi trường bị đe dọa, đời sống người dân bị đảo lộn, tất yếu ảnh hưởng lớn đến an ninh chính trị, trật tự xã hội tại khu vực, địa bàn đó.

Được biết, nguyên do khiến người dân bức xúc trong vụ việc tại thôn Ninh Ích, xã Ninh An là do có sự hiện diện tại địa bàn này nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại với công suất 100 tấn/ngày, cách khu dân cư khoảng 1km.

Khi nhà máy chuẩn bị đi vào hoạt động đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân do môi trường trong khu vực dân cư bị ảnh hưởng.

Việc người dân bức xúc là điều dễ hiểu, vấn đề là phải ngăn chặn không để các đối tượng lợi dụng sự bức xúc của người dân để gây rối, hủy hoại tài sản doanh nghiệp, tấn công cán bộ.

Cảnh sát có mặt để ngăn chặn hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Còn về căn nguyên, rõ ràng chính quyền sở tại phải tính toán rõ, mọi dự án trên địa bàn phải đảm bảo an toàn về môi trường.

Cơ quan chức năng cần đối chiếu Luật Bảo vệ môi trường để rà soát, đánh giá đúng thực chất vấn đề môi trường của dự án nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty CP Môi trường Khánh Hòa xây dựng ở địa điểm trên? Phải khảo sát đúng hiện trạng nhà máy và môi trường tại địa bàn.

Nếu không đảm bảo đúng như phản ánh của người dân thì hướng xử lý ra sao và phải quy rõ trách nhiệm những cá nhân, tổ chức sai phạm để xử lý nghiêm khắc.

Có như vậy, sự bức xúc của người dân mới được giải tỏa, Công an không phải “căng mình” bảo vệ và bị đối tượng xấu lợi dụng vu cáo.

Đăng Trường
.
.
.