Đừng biến mình thành "quân cờ" làm hại đất nước:

Những “con rối” trong tay Việt Tân

Thứ Ba, 17/05/2016, 08:20
Nhìn lại lịch sử phát triển của Việt Tân, từ một tổ chức ô hợp được Hoàng Cơ Minh thành lập ở Ubon, Thái Lan năm 1983, Việt Tân đã thiết lập mạng lưới các chi hội trên khắp nước Mỹ. Sau khi nhận tiền quyên góp, Việt Tân đã tự tô vẽ thành“Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam” với mục đích lật đổ chính quyền Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử phát triển của Việt Tân, từ một tổ chức ô hợp được Hoàng Cơ Minh thành lập ở Ubon, Thái Lan năm 1983, Việt Tân đã thiết lập mạng lưới các chi hội trên khắp nước Mỹ. Sau khi nhận tiền quyên góp, Việt Tân đã tự tô vẽ thành“Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam” với mục đích lật đổ chính quyền Việt Nam. 

Gần đây, bộ phim tài liệu điều tra của FBI với tiêu đề “Khủng bố ở tiểu Sài Gòn” (Terror in Little Saigon) được chiếu trên truyền hình Frontline đã cung cấp thêm cứ liệu vạch rõ bản chất của cái gọi là “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam”. Đây là những căn cứ, tài liệu mà FBI thu thập được trong giai đoạn trước 1990, chưa đầy đủ song chừng đó cũng đã minh chứng rõ khuôn mặt của mặt trận Hoàng Cơ Minh, đảng Việt Tân.

Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua chính là thời điểm được Việt Tân lựa chọn làm cao điểm để chống phá. Chúng tung nhiều đối tượng vào khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình hòng kích động người dân tại đây xuống đường biểu tình, bao vây khu kinh tế Vũng Áng, đồng thời lên phương án chuẩn bị các phương tiện gây bạo động. 

Việt Tân đứng sau kích động lôi kéo người gây rối. Ảnh: Dân Việt

Thời điểm đó, Công an tỉnh Hà Tĩnh và Công an tỉnh Quảng Bình đã phát hiện, tạm giữ 2 đối tượng có hành vi thu thập thông tin, hình ảnh để tán phát trên mạng internet nhằm kích động người dân. Hai đối tượng bị tạm giữ là Trương Minh Tam (SN 1970, tại xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) có hộ khẩu thường trú ở thôn Nội Rối, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, là lao động tự do, trú tại tổ 35, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) và Chu Mạnh Sơn (SN 1989, tại Yên Thành, Nghệ An, hiện lao động tự do tại xã Phúc Thành, Yên Thành, Nghệ An).

Theo cơ quan điều tra, tháng 10-2013,  Trương Minh Tam bị TAND huyện Sóc Sơn tuyên phạt 12 tháng tù giam với tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trương Minh Tam khai nhận tại CQĐT đã tham gia phong trào “Con đường Việt Nam”, tiến hành thu thập thông tin các vụ việc liên quan chính trị, phỏng vấn số đối tượng có quan điểm, tư tưởng, hoạt động chống Đảng, Nhà nước Việt Nam để tán phát trên facebook nhằm tuyên truyền, đả kích chính sách pháp luật, hoạt động của các cơ quan chức năng... 

Theo đó, chiều ngày 26-4-2016, Tam vào khu công nghiệp Formosa, Hà Tĩnh, tiến hành quay phim, chụp hình, phỏng vấn ở xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Ý đồ của chúng nhằm biên tập phóng sự, tán phát lên các trang mạng xấu để kích động, biểu tình gây phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn. Quá trình đấu tranh, khai thác, tổ công tác thu giữ tài liệu liên quan đến hoạt động của đối tượng Tam. 

Trương Minh Tam thường xuyên được tổ chức “Con đường Việt Nam” hỗ trợ, trả lương (khoảng 400 USD/tháng) để phục vụ các hoạt động theo chỉ đạo của chúng. Tổ công tác đã thu giữ tài liệu phạm pháp số đối tượng phản động bên ngoài chuyển cho Trương Minh Tam và các thành viên phong trào “Con đường Việt Nam” với tổng số tiền khoảng 3.000USD.

Còn Chu Mạnh Sơn khai nhận, Sơn được nhiều cá nhân, tổ chức phản động trong ngoài nước liên hệ, trong đó tổ chức phản động Việt Tân tại Mỹ lôi kéo, đề nghị tham gia. Hiện Chu Mạnh Sơn là thành viên nhóm kín do Việt Tân lập ra trên mạng xã hội facebook. Ngày 30-4-2016, Chu Mạnh Sơn cùng một số đối tượng đón xe khách vào Quảng Bình thu thập thông tin, hình ảnh quần chúng nhân dân tụ tập gửi cho các đối tượng để tán phát trên các trang mạng phản động nhằm xuyên tạc, gây kích động trong quần chúng nhân dân.

Gần đây, Việt Tân cũng tìm cách móc nối đối tượng có tiền án, tiền sự, đối tượng quá khích để làm “quân cờ” cho chúng trong các vụ kích động biểu tình. Những đối tượng này khi xuống đường thường rất hung hãn, chửi bới lực lượng chức năng, thậm chí tìm cách khiêu khích, gây sự. Được biết, trong 2 ngày làm nhiệm vụ ngăn chặn các đối tượng gây rối (ngày 1 và 8-5 vừa qua), tại TP Hồ Chí Minh có 4 trật tự viên thanh niên xung phong bị các đối tượng gây thương tích. Có 1 thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bị một số đối tượng kéo đến tận nhà đập phá, uy hiếp. 

Theo điều tra của Công an TP Hồ Chí Minh, một số đối tượng có tiền án, tiền sự cũng đã được Việt Tân “tung chiêu” trong đợt vừa rồi như trường hợp Huỳnh Thành Phát (sinh năm 1999, quê An Giang). Đây là đối tượng sống lang thang tại TP Hồ Chí Minh, Phát đã có 2 tiền án về tội trộm cắp tài sản và được biết đến với thói côn đồ. Khi được tay chân của Việt Tân móc nối tham gia các cuộc gây rối, Phát nhận lời (mục đích cũng chỉ vì mấy đồng tiền nhận được để… uống bia). Khi tham gia, dù mới 17 tuổi song Phát tỏ ra rất manh động, hung hăng chống phá.

Trước ngày chủ nhật (15-5), cùng với lời kêu gọi xuống đường tuần hành, biểu tình, trên Internet, mạng xã hội facebook còn xuất hiện những lời hứa thưởng 5 triệu đồng cho ai cung cấp địa chỉ những người ngăn cản hoạt động của chúng; hứa thưởng 20 triệu đồng cho ai đánh gãy răng, gãy chân tay những người này.

Rõ ràng, lời kêu gọi tuần hành vì môi trường nhưng thực chất đứng sau đó là cả một kịch bản đã được dàn dựng sẵn nhằm kích động chống chính quyền nhân dân. Vẫn theo lối diễn cũ, sau khi tập trung lực lượng, chúng sẽ tiến hành biểu tình với hàng loạt biểu ngữ, băng rôn có nội dung chống đối chính quyền, đòi dân chủ, nhân quyền… dưới mác “bảo vệ môi trường”.

Những kẻ núp dưới danh nghĩa “ủng hộ ngư dân miền Trung” thông qua các cuộc biểu tình, chúng còn đánh bóng tên tuổi để tạo thuận lợi cho việc phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 22-5-2016 sắp tới. Hàng loạt các bản tuyên bố mang danh “tổ chức xã hội dân sự độc lập”, “nhân sỹ trí thức”, nhóm “green trees”, thỉnh nguyện thư đề nghị Tổng thống Mỹ can thiệp… đồng loạt ra đời. 

Nội dung những tuyên bố này là đổ lỗi, kết tội cho Chính phủ, thổi phồng thảm họa khiến người dân hoang mang. Cùng với đó, chúng vận động ký tên rầm rộ trên mạng. Điều đó cho thấy, đây là một chiến dịch quy mô, có sự liên kết với nhau chặt chẽ giữa đối tượng trong và ngoài nước để tận dụng cơ hội chống phá chính quyền. 

Có thể điểm qua một số thủ đoạn phổ biến của họ: Xuyên tạc bản chất vấn đề, sau đó kích động người dân xuống đường biểu tình dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường, phản đối Formosa, chung tay cùng người dân miền Trung để rồi biến thành bạo động, chuyển thành biểu tình chống chính quyền. Lợi dụng lòng tốt của người dân để trục lợi chính trị. (Còn nữa)

Nhóm PV
.
.
.