Cần có nhận thức đúng đắn về kinh tế tư nhân tại Việt Nam

Thứ Năm, 20/12/2018, 09:41
Nghị quyết Đại hội XII, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng là chủ trương, chính sách lớn tạo điều kiện để kinh tế tư nhân (KTTN) phát triển. Vai trò, vị trí của KTTN ngày càng được nhận thức đúng đắn, phù hợp điều kiện thực tiễn, là động lực phát triển nền kinh tế.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị không ngừng xuyên tạc đường lối phát triển đối với KTTN; đồng thời có nhận thức chưa đầy đủ về thành phần kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng này.

Dựa vào đường lối của Đảng về phát triển thành phần KTTN, trong thời gian vừa qua có những luận điệu cho rằng: “Việt Nam đang phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, ở Việt Nam hiện nay chủ nghĩa tư bản (CNTB) đang diễn ra một cách cuồng nhiệt”, phát triển KTTN là quay lại phát triển theo tư bản chủ nghĩa, mở đường cho “tư nhân hóa” lũng đoạn ở Việt Nam… 

Với những luận điệu như vậy, các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, trung tâm truyền thông nhiệt tình “tiền hô, hậu ủng”, mạnh mẽ tuyên truyền, nhằm phá hoại thực tiễn xây dựng và thành quả vĩ đại của cách mạng Việt Nam cũng như thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta.

Trước hết, có thể thấy rằng, không phải bây giờ mà từ khi đổi mới, phát triển KTTN là một vấn đề mang tính chiến lược lâu dài được Đảng và Nhà nước khẳng định, từng bước phát triển, hoàn thiện tư duy lý luận và thực tiễn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vị trí, vai trò của KTTN có một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, được bổ sung và hoàn thiện qua mỗi giai đoạn phát triển kinh tế đất nước.

Ngay từ năm 1986, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nền kinh tế nhiều thành phần chính thức được thừa nhận. Đại hội VI (12/1986) khẳng định, cần sửa đổi, bổ sung và công bố rộng rãi chính sách nhất quán đối với các thành phần kinh tế. 

Ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị khóa VI ban hành Nghị quyết số10-NQ/TW về “Chính sách kinh tế nhiều thành phần” tiếp tục khẳng định, nhất quán thực hiện và tạo bước khởi đầu quan trọng đối với KTTN ở Việt Nam, mở đường cho những bước đột phá sau này. 

Văn kiện Đại hội VII khẳng định: KTTN được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước và mọi người được tự do kinh doanh theo pháp luật, được bảo hộ quyền sở hữu và thu nhập hợp pháp. 

Văn kiện Đại hội VIII (tháng 6-1996) xác định, khuyến khích mọi doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước khai thác các tiềm năng, ra sức đầu tư phát triển; đối xử bình đẳng với mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, không phân biệt sở hữu và hình thức tổ chức kinh doanh, đồng thời tạo điều kiện kinh tế và pháp lý thuận lợi để các nhà kinh doanh tư nhân yên tâm đầu tư làm ăn lâu dài. 

Năm 2002, Hội nghị lần thứ năm, khóa IX thông qua Nghị quyết “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển KTTN” đây là lần đầu tiên Đảng ta có một Nghị quyết chuyên đề về KTTN.

Với nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và ý nghĩa chiến lược phát triển KTTN trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Đại hội XI (tháng 1-2011), Đảng tiếp tục xác định chủ trương là phải hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển KTTN trở thành một trong những động lực của nền kinh tế. 

Đại hội XII (tháng 12-2016), Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã phát triển lý luận, chính thức xác nhận: Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh KTTN ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Đây là sự khẳng định mạnh mẽ, dứt khoát hơn quan điểm của Đảng khi coi KTTN là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Như vậy, nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN đã có những bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực, đầy đủ hơn.

Xét về cơ sở lý luận, thành phần kinh tế được hình thành trên hình thức sở hữu tương ứng. Cơ sở của KTTN xuất phát từ hình thức sở hữu tư nhân. Trong lịch sử, sở hữu tư nhân xuất hiện ngay từ khi phương thức sản xuất Cộng sản nguyên thủy tan dã và xã hội Chiếm hữu nô lệ ra đời. 

Do vậy, sở hữu tư nhân, KTTN manh nha ra đời từ rất sớm và là khái niệm không đồng nhất với CNTB. CNTB có đặc trưng gắn liền với sở hữu và kinh tế tư bản tư tư nhân. Do vậy, luận điệu cho rằng phát triển KTTN ở Việt Nam để khẳng định Việt Nam đang phát triển theo con đường TBCN, ở Việt Nam hiện nay CNTB đang diễn ra một cách cuồng nhiệt”, “phát triển KTTN là quay lại phát triển theo tư bản chủ nghĩa”, “tư nhân hóa” nền kinh tế…là hoàn toàn không có cơ sở khoa học, mang tính suy diễn, xuyên tạc, để “diễn biến” đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; cố tình làm nhận thức sai lệch, hướng lái kinh tế đi theo quỹ đạo, chệch hướng XHCN.

Phát triển KTTN lành mạnh theo cơ chế thị trường là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam; là phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển. Để KTTN là động lực phát triển nền kinh tế cần thống nhất về mặt nhận thức quan điểm Đảng và Nhà nước những vấn đề sau đây:

Một là, KTTN là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với KTTN là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để KTTN phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao.

Hai là, xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN lành mạnh và đúng định hướng. Phát huy mặt tích cực, có lợi cho đất nước của KTTN, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, “quan hệ, lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi.

Ba là, KTTN được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo môi trường điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Khuyến khích các hình thức các tập đoàn KTTN đa sở hữu và tư nhân góp vốn và các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Bốn là, khuyến khích KTTN tham gia góp vốn, cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa hoặc Nhà nước thoái vốn. Thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa KTTN với các thành phần kinh tế khác, nhằm tiếp nhận, chuyển giao, tạo sự lan tỏa rộng rãi về công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, mở rộng thị trường.

Năm là, chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần tự lực, tự cường, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, gắn bó với lợi ích của đất nước và sự nghiệp xây dựng CNXH của các chủ doanh nghiệp. Phát triển đội ngũ Doanh nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh, có ý thức chấp hành phát luật, trách nhiệm với xã hội và kỹ năng lãnh đạo, quản lý, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức Doanh nhân. 


TS Lê Thế Cương (Học viện Chính trị CAND)
.
.
.