Yếu tố đảm bảo sự phục hồi bền vững và đồng đều của nền kinh tế toàn cầu

Thứ Tư, 14/04/2021, 10:23
Diễn ra từ ngày 5 đến 11/4 theo hình thức trực tuyến, Hội nghị mùa Xuân, do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức, xoay quanh những chủ đề như phân phối bình đẳng vaccine ngừa COVID-19, chính sách hỗ trợ các nước nghèo và đang phát triển, tác động của biến đổi khí hậu. "Phục hồi", "bình đẳng", "hỗ trợ" là những cụm từ liên tục được nhắc tới tại hội nghị.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ, song không đồng đều do tác động của đại dịch COVID-19 và tiến độ tiêm vaccine ở các nước, các nhà hoạch định chính sách đã có nhận định và cam kết quan trọng, qua đó đưa ra các giải pháp chính sách khôi phục kinh tế, giải quyết các khoản nợ toàn cầu, cũng như tháo gỡ khó khăn cho các nước nghèo. Ngay tại phiên khai mạc, IMF đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 6%, cao hơn mức 5,5% mà định chế tài chính này đưa ra hồi tháng 1 và cao gần gấp đôi so với dự báo vào tháng 10/2020.

Dự báo này phản ánh tâm lý lạc quan đối với bức tranh kinh tế toàn cầu vốn đang dần được tô điểm bằng những gam màu tươi sáng, sau một năm rơi vào cuộc suy thoái được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II.

Triển vọng phục hồi kinh tế tích cực cũng được phản ánh qua nhận định của Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva: "Đã thấy ánh sáng ở cuối đường hầm": "Chúng tôi có tin tốt là sau cuộc suy thoái toàn cầu tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, kinh tế thế giới đã thấy "ánh sáng cuối đường hầm", tiến trình phục hồi đang diễn ra. Chúng tôi đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên 6% cho năm nay và 4,4% cho năm 2022". Tuy nhiên, bà cảnh báo điều này không đồng nghĩa là đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng kinh tế đã kết thúc.

Tranh minh họa: Thế giới cần chung tay để cùng phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, tiến trình phục hồi kinh tế vẫn chưa chắc chắn, không đồng đều giữa các quốc gia và ngay trong từng quốc gia. Hai yếu tố khiến triển vọng kinh tế toàn cầu chưa bền vững và đồng đều, đó là khả năng tiếp cận vaccine giữa các nước và ngày càng xuất hiện nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Với chiến dịch tiêm chủng thần tốc, Mỹ tới nay đã sử dụng khoảng 183 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 các loại.

Còn tại Vương quốc Anh, hơn 39 triệu người trong tổng số 66,6 triệu dân đã được tiêm vaccine. Các nước châu Âu khác ở mức trung bình với 12% dân số, trong khi hầu hết các nước đang phát triển bị tụt lại, thậm chí một số quốc gia còn chưa được nhận bất kỳ loại vaccine nào. Tiến độ tiêm chủng phụ thuộc phần lớn vào tình hình phân bổ vaccine trên toàn cầu, nếu như các nước giàu đang nắm giữ lượng lớn vaccine ngừa COVID-19, thì chế phẩm này trở thành mặt hàng "xa xỉ" với các nước nghèo.

 Nhà kinh tế trưởng của IMF, bà Gina Gopinath, chỉ rõ sự phục hồi đa tốc độ đang diễn ra trong tất cả các khu vực và các nhóm thu nhập, tùy thuộc vào tốc độ tiêm chủng phòng dịch, quy mô các chính sách hỗ trợ kinh tế...

Để tháo gỡ khó khăn này, Chủ tịch WB David Malpass cho biết trọng tâm của hội nghị là đánh giá và tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới. Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí lùi thời hạn thanh toán lãi suất nợ công với các quốc gia nghèo nhất thế giới thêm 6 tháng, đến tháng 12/2021. Góp sức cho các biện pháp hỗ trợ, Tổng Giám đốc IMF và toàn bộ 24 thành viên Ủy ban Tài chính và tiền tệ quốc tế (IMFC) - bộ phận hoạch định chính sách của IMF - đã thông qua việc phân bổ mới 650 tỷ USD quyền rút vốn đặc biệt (SDR) nhằm giúp các nước có thu nhập trung bình tăng cường nguồn lực tài chính trong khi vẫn phải "gồng mình" phòng dịch.

Ngoài ra, một ý tưởng mới thu hút sự chú ý tại Hội nghị mùa Xuân lần này, là việc xóa nợ cho các nước nghèo đổi lấy các dự án "đầu tư xanh" và dự kiến những đề xuất cụ thể sẽ được công bố vào dịp diễn ra Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), dự kiến vào cuối năm nay tại thành phố Glasgow (Anh).

Dù không mang tính đột phá, song những quyết định và ý tưởng trên được xem là động lực tiếp sức cho các nước nghèo. Trong bối cảnh tỷ lệ nghèo đói toàn cầu lần đầu tiên có xu hướng tăng trong 20 năm qua, các nước nghèo và thu nhập thấp đang có nguy cơ tụt lại phía sau khi kinh tế toàn cầu phục hồi không đồng đều sau đại dịch COVID-19.

Theo Báo cáo tổng quan về tình hình nhân đạo toàn cầu của Liên hợp quốc, cứ 33 người thì sẽ có 1 người cần viện trợ để đáp ứng nhu cầu cơ bản vào năm 2021, tăng 40% so với năm 2020 -năm ghi nhận tỷ lệ người cần viện trợ là 1/45 người, cao nhất trong nhiều thập niên qua. Báo cáo này còn chỉ rõ toàn thế giới sẽ có 235 triệu người cần viện trợ nhân đạo, tập trung chủ yếu tại Syria, Yemen, Afghanistan, CHDC Congo và Ethiopia.

Trong bối cảnh đó, bằng cách giảm gánh nặng nợ nần cho các nước thu nhập thấp - vốn ở mức kỷ lục vào thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng dịch bệnh - các nước nghèo có cơ hội để phục hồi, qua đó đóng góp vào sự phục hồi bền vững của thế giới nói chung. Trong vấn đề vaccine, bên cạnh chương trình tiếp cận công bằng vaccine được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng ngay từ năm 2020, tại hội nghị năm nay, WB đã cam kết tài trợ 2 tỷ USD để cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 40 nước đang phát triển vào cuối tháng 4 này và dự kiến tăng khoản hỗ trợ tài chính lên 4 tỷ USD.

Sự hỗ trợ kịp thời này được kỳ vọng sẽ phần nào thu hẹp khoảng cách trong tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 giữa các nước, qua đó tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Hơn một năm qua kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các nước từ phát triển đến thu nhập thấp đã nếm trải "vị cay đắng" của cuộc khủng hoảng y tế, chứng kiến tình trạng bấp bênh do kinh tế suy giảm. Do vậy, để bớt đi những gánh nặng, nhanh chóng phục hồi và quay trở lại đà tăng trưởng sớm, các quốc gia trên thế giới cần chung tay và đoàn kết, đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận vaccine cũng như các nguồn hỗ trợ tài chính. Đây được xem là những yếu tố cần và đủ để đảm bảo sự phục hồi bền vững và đồng đều của nền kinh tế toàn cầu trong giai đoạn hậu COVID-19.

K.H (tổng hợp)
.
.
.