G20 cam kết sẽ làm mọi cách để giảm thiểu nguy cơ kinh tế thế giới “trượt dốc”

Thứ Hai, 20/07/2020, 09:02
Kết thúc cuộc họp trực tuyến do Saudi Arabia chủ trì, Bộ trưởng Tài chính Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 19/7 đã ra tuyên bố chung, trong đó nhận định kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cam kết nhóm sẽ làm tất cả những gì có thể để giảm thiểu những nguy cơ kinh tế “trượt dốc”.


Tuyên bố chung nêu rõ G20 sẽ tiếp tục sử dụng tất cả công cụ chính sách sẵn có để bảo vệ cuộc sống, việc làm, thu nhập của người dân; hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu và tăng cường hệ thống tài chính, dù triển vọng kinh tế “vẫn không chắc chắn”. 

Về chương trình giãn nợ của G20 hỗ trợ các nước chống COVID-19, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các ngân hàng trung ương của nhóm cho biết đã nhận được yêu cầu giãn nợ đối với các khoản vay tổng cộng 5,3 tỷ USD từ 42 nước đang phát triển. 

Để hỗ trợ các nước đang phát triển triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong cuộc họp trực tuyến hồi tháng 4 vừa qua, G20 và các nước Câu lạc bộ Paris đã thống nhất giãn nợ cho những nước trong diện nghèo nhất từ ngày 1-5 đến hết năm nay. 

Tại cuộc họp trực tuyến lần này, G20 nhấn mạnh cả phía vay và cho vay cần thực hiện sáng kiến này một cách đầy đủ và minh bạch. 

Các dự báo đều nhận định, kinh tế thế giới sẽ giảm mạnh trong năm 2020.

Cũng tại hội nghị lần này, những người đứng đầu ngành tài chính của G20 đã thảo luận các quy định thuế quốc tế mới đối với các công ty công nghệ lớn như: Google, Facebook, Apple và Amazon, trong bối cảnh nhiều ý kiến phản ánh các công ty này không nộp mức thuế công bằng. G20 cam kết sẽ tiếp tục thương lượng về quy định thuế nhằm thu hẹp bất đồng và duy trì hợp tác hướng tới một hệ thống thuế quốc tế hiện đại, công bằng và bền vững. 

Hội nghị G20 diễn ra trong bối cảnh thế giới quan ngại về khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu do dịch COVID-19 khi số bệnh nhân đến nay đã lên tới hơn 14 triệu ca và vẫn tiếp tục gia tăng. Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới mới nhất, IMF cho biết các lệnh phong tỏa và việc đóng cửa biên giới thời gian qua đã khiến kinh doanh trên toàn cầu bị đình trệ, hàng trăm triệu việc làm biến mất. 

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 4,9% trong năm nay, nghiêm trọng hơn nhiều so với mức 3% được đưa ra vào tháng 4 vừa qua và là mức sụt giảm lớn nhất kể từ Thế chiến II. Ước tính 12.000 tỷ USD sẽ "bốc hơi" trong vòng hai năm. Những cập nhật này hoàn hoàn tương đồng với những dự báo kinh tế gần đây. Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) còn bi quan hơn với dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm ở mức 5,2% trong năm nay.

Theo IMF, Mỹ - quốc gia có số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới hiện nay, sẽ ghi nhận tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm tới 8%, thay vì mức dự báo 5,9% được đưa ra trước đó. 

Đây sẽ là mức giảm sâu nhất kể từ khi sau năm 1945. IMF dự báo nền kinh tế số một thế giới sẽ phục hồi ở mức 4,5% trong năm tới, song những rủi ro hiện nay cùng tác động sâu rộng của COVID-19 sẽ khiến kinh tế Mỹ phải mất thời gian dài mới có thể thực sự phục hồi trở lại như trước khi đại dịch bùng phát. 

Tại Mỹ Latinh, nơi hiện đang là tâm dịch của thế giới, tăng trưởng kinh tế có nguy cơ giảm 9,4% trong năm nay, trước khi phục hồi 3,7% năm tiếp theo. IMF cũng hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) từ âm 8% xuống âm 10,7% trong năm 2020. 

Dù chính phủ các nước châu Âu đã chi hàng trăm tỷ euro để vực dậy nền kinh tế, song theo cơ quan bảo hiểm - tín dụng Coface, số doanh nghiệp phá sản sẽ tăng mạnh từ nay đến hết năm 2021, với tỷ lệ 21% tại Pháp, 22% ở Tây Ban Nha, 37% đối với Anh và Italy, 36% tại Hà Lan. 

Để giải quyết khủng hoảng, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất thành lập quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro (843 tỷ USD), song vấn đề này đang vấp phải sự chia rẽ của nhiều nước, đặc biệt trong việc phân bổ khoản ngân sách. Trong khi đó, việc giá dầu lao dốc khiến các nước sản xuất dầu mỏ rơi vào suy thoái nghiêm trọng, Nga và Saudi Arabia được dự báo tăng trưởng âm 6,6% và 6,8% trong năm nay.

Những con số trên đã thể hiện bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, bất kể là những nước đang ở tâm dịch hay những quốc gia đang dần nới lỏng phong tỏa sau khi ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan thành công. 

Hoạt động giao thương và xã hội đình trệ do các lệnh phong tỏa đã đẩy kinh tế rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ cuộc đại suy thoái thập niên 30 của thế kỷ trước.

Dù nhiều nền kinh tế đã bắt đầu mở lại, song việc áp dụng phong tỏa và giãn cách xã hội đã tác động mạnh đến đầu tư và tiêu dùng, dẫn đến cú sốc về nhu cầu và gây gián đoạn nguồn cung. 

Rủi ro lớn hơn, theo nhà kinh tế trưởng IMF Gita Gopinath, hơn 75% các quốc gia mở cửa trở lại đúng thời điểm dịch bệnh đang lan rộng tại các thị trường mới nổi và nền kinh tế phát triển. Triển vọng phục hồi sau dịch bệnh rất bất trắc vì không thể dự báo hướng phát triển của virus. 

Ước tính thu nhập trên đầu người của hơn 90% các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi đều sẽ giảm trong năm nay, qua đó đảo ngược những tiến bộ quan trọng đạt được trong việc giảm đói nghèo trên toàn cầu kể từ năm 1990. 

Với hàng trăm triệu việc làm biến mất trong quý II, chính phủ các nước đã thành lập loạt quỹ hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Tuy nhiên, IMF cảnh báo các nước không nên ngừng hỗ trợ quá sớm hoặc không đúng mục tiêu, dẫn tới gia tăng thiệt hại kinh tế.

Tình hình kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai, hay việc áp dụng rộng rãi các biện pháp hạn chế thương mại có thể khiến tăng trưởng thương mại không được như dự báo. 

Những vấn đề này đòi hỏi cách tiếp cận phối hợp toàn cầu để có thể vừa giải quyết cuộc khủng hoảng y tế vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế thông qua ổn định thị trường, khôi phục lòng tin, khởi động lại thương mại và chuỗi cung ứng. 

So với các lục địa khác, châu Á vượt qua khủng hoảng dịch bệnh sớm hơn, đang trên đà phục hồi. Thông qua hợp tác đa phương, cùng với ảnh hưởng tiềm năng của khu vực này, châu Á được kỳ vọng có thể đóng vai trò trung tâm, đưa thế giới ra khỏi đại dịch và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế toàn cầu phục hồi. 

Theo kế hoạch, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng G20 lần kế tiếp sẽ diễn ra tại Mỹ trong 2 ngày 15 – 16/10 tới, bên lề hội nghị thường niên của IMF và WB.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.