Xung đột nội bộ “phủ bóng” Hội nghị Thượng đỉnh NATO
Trong buổi họp báo tiến hành cùng Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng những từ ngữ rất nặng nề để chỉ trích việc người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron cách đây không lâu đã có những nhận xét tiêu cực về NATO.
Theo ông, các nhận xét của ông Emmanuel Macron như “NATO đang chết não” là những từ ngữ hết sức xấu xí và xúc phạm đến các thành viên NATO. Tổng thống Mỹ cũng nhân đó chê bai thành tích điều hành kinh tế yếu kém của chính phủ Pháp và tuyên bố nước Pháp có thể rời khỏi NATO nếu cảm thấy không thích hợp.
Ngay sau các phát biểu gay gắt nhằm vào ông Emmanuel Macron, hai Tổng thống Mỹ và Pháp cũng đã có một cuộc gặp bên lề và thể hiện sự bất đồng công khai trước sự hiện diện của báo chí, dù với những lời lẽ bớt gay gắt hơn. Trong khi người đứng đầu Nhà Trắng nhấn mạnh đến việc các nước thành viên NATO, trong đó có cả nước Pháp, cần phải chi trả một số tiền xứng đáng hơn cho liên minh quân sự thì Tổng thống Pháp lại nêu vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ và cho rằng NATO cần phải đối thoại thẳng thắn với Thổ Nhĩ Kỳ để gạt bỏ những mập mờ hiện nay trong các chính sách đối ngoại và an ninh của Ankara. Tuy nhiên, ý định này của Pháp đã vấp phải những cảnh báo gay gắt từ phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu ngay trước khi khởi hành từ Ankara đến London, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định nếu NATO không coi lực lượng dân quân người Kurd ở miền Bắc Syria là khủng bố thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chống lại bất cứ nhân tố nào đe dọa đến lợi ích của nước này.
Ngoài ra, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng tuyên bố rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ không thể sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình là điều không thể chấp nhận được; và còn đe dọa sẽ “mở cửa” biên giới để hơn 3,6 triệu người tị nạn Syria tràn sang châu Âu nếu các nước châu Âu không đồng ý với sự dàn xếp của Ankara tại quốc gia Trung Đông này.
Cờ NATO và các quốc gia thành viên. Ảnh: Reuters. |
Ngay sau tuyên bố này, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cho biết, ông đang nỗ lực để giải quyết tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới các kế hoạch của NATO nhằm bảo vệ các nước Baltic. Khi được hỏi liệu vấn đề này có thể được giải quyết trước khi kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh hay không, ông Jens Stoltenberg nêu rõ: “Tôi sẽ không hứa trước nhưng điều mà tôi có thể nói là chúng tôi đang tìm cách giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên không có nghĩa là NATO không có một kế hoạch bảo vệ các nước Baltic”.
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte cùng ngày đã bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Pháp và Đức về cải tổ NATO. Theo ông Justin Trudo, cải tổ là cần thiết khi NATO đã trải qua 70 hoạt động. Về phần mình, nhà lãnh đạo Hà Lan cho rằng cần thiết lập một nhóm chuyên gia bao gồm “những người sáng suốt” để cân nhắc cách thức cải cách NATO về mặt chính trị sau khi nổi lên những sự chia rẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Mỹ.
Riêng Thủ tướng Đức Angela Merkel thì khẳng định bà tới dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO với tinh thần lạc quan bất chấp những bất đồng giữa các thành viên trong liên minh về sức mạnh của khối. Theo bà, các nước thành viên NATO cần tháo gỡ những bất đồng và bàn về tương lai của NATO với những lợi ích chiến lược chung. Theo giới quan sát, trước những nguy cơ bùng nổ mâu thuẫn giữa các bên tại Thượng đỉnh NATO, nước chủ nhà Anh đã hạn chế đến mức tối đa không gian tranh luận giữa các bên.
Có một điểm khác biệt tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm nay so với các cuộc họp trước đây. Đó là lần đầu tiên Trung Quốc xuất hiện trong chương trình nghị sự của khối quân sự này. Tổng thư ký Jens Stoltenberg nói rằng NATO cần tìm “cách cân bằng” để phản ứng lại thách thức từ Trung Quốc, đồng thời khẳng định NATO không muốn tạo đối thủ mới và chỉ cần các đồng minh NATO sát cánh thì khối quân sự này vẫn mạnh mẽ và an toàn.
Ngoài ra, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết chưa có kế hoạch thành lập “Hội đồng NATO-Trung Quốc”, tương tự như Hội đồng NATO-Nga (NRC) được thành lập năm 2002 để cải thiện đối thoại và hợp tác giữa khối quân sự này với Nga.
Ông Jens Stoltenberg nhận định: “Điều chúng ta thấy là sự lớn mạnh của Trung Quốc đang thay đổi cán cân sức mạnh toàn cầu. Sự phát triển của Trung Quốc về quân sự và kinh tế đem đến cơ hội nhưng cũng kéo theo thách thức nghiêm trọng. Chúng ta phải thừa nhận thực tế là Trung Quốc đang tiến sát gần đến chúng ta, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng tại châu Phi, Bắc Cực, không gian mạng và Trung Quốc hiện còn là quốc gia có ngân sách dành cho quốc phòng lớn thứ hai thế giới”.
Theo ước tính của NATO, Trung Quốc sở hữu ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới trong năm 2018. Tháng 3 năm nay, Trung Quốc đặt chỉ tiêu chi tiêu quốc phòng 2019 tăng 7,5% so với năm trước, lên mức 1,19 nghìn tỷ nhân dân tệ. Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison cho biết khối quân sự này đang theo dõi sát sao động thái quân sự Trung Quốc do tình hình phát triển nhanh chóng của lực lượng này.