Vụ kiện Biển Đông trước giờ phán quyết

Thứ Ba, 12/07/2016, 06:29
Hôm nay 12-7, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyền về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Bầu không khí trong khu vực trước giờ phán quyết ngày càng trở nên nóng bỏng...


Bầu không khí trong khu vực trước giờ phán quyết ngày càng trở nên nóng bỏng nhất là khi Trung Quốc tiếp tục đưa ra những lời đề nghị mới với Philippines và các quốc gia trong khu vực, trong đó có việc không được đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEAM) diễn ra tại Mông Cổ vào cuối tuần này.

Hãng tin Reuters dẫn lời của Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu cho biết, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ tham gia sự kiện này và Trung Quốc muốn rằng vấn đề Biển Đông không được “chào đón” tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM.

Ông Khổng Huyễn Hựu nói: “Hội nghị ASEM không phải là nơi phù hợp để thảo luận vấn đề Biển Đông. Trung Quốc không có kế hoạch bàn về Biển Đông tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM và vấn đề này không nên được đưa ra trong nghị trình của hội nghị”.

Cũng theo Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc, nếu có bất cứ căng thẳng nào trên Biển Đông thì đó là do một số nước ngoài khu vực can thiệp vào vấn đề này. Trong khi đó, các quốc gia tham dự Hội nghị đều cho rằng, Biển Đông sẽ là một trong những nội dung cần được bàn thảo nhất là khi Hội nghị được diễn ra chỉ vài ngày sau khi tòa PCA đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông.

Tàu hải giám của Trung Quốc chặn trước mũi tàu cá của Philippines ở gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trên Biển Đông hồi năm ngoái. Ảnh: AP

Được tổ chức 2 năm một lần, Hội nghị Thượng đỉnh ASEM được thiết kế để thảo luận các vấn đề giữa châu Á và châu Âu. Lần nay, Mông Cổ đứng ra đăng cai tổ chức hội nghị. Theo một số nhà ngoại giao ở khu vực châu Âu, các quốc gia châu Âu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEM cũng rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông, nhất là trong tình hình hiện nay, khi Trung Quốc gia tăng hoạt động xây đắp đảo nhân tạo, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường biển và hệ sinh thái biển ở Biển Đông.

Thêm vào đó, một số quốc gia ở châu Âu còn cho rằng, những động thái gần đây của Trung Quốc như tuyên bố không công nhận phán quyết của tòa PCA vì cho rằng tòa không đủ thẩm quyền, đe dọa các quốc gia láng giềng… đều làm gia tăng căng thẳng và khiến cho vụ việc trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM, các quốc gia châu Âu còn dự định sẽ kêu gọi các nước trong khu vực châu Á và trên thế giới tôn trọng phán quyết của tòa án và cùng nhau đối thoại để giải quyết các mâu thuẫn.

Theo lịch trình, ngày 12-7, tòa PCA sẽ công bố chính thức phán quyết về vụ kiện của Philippines nhằm vào Trung Quốc. Đến nay, các học giả, các nhà phân tích và bình luận trên thế giới đều dự đoán rằng, phán quyết của phiên tòa sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích còn dự đoán rằng Bắc Kinh sẽ có những phản ứng mạnh sau khi phán quyết được tuyên bố.

Philippines kiện Trung Quốc “yêu sách thái quá” đối với hầu như toàn bộ Biển Đông, thông qua cái gọi là bản đồ "đường lưỡi bò" cực kỳ vô lý.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng khẳng định, Bắc Kinh “sẽ không ngại rắc rối” và kiên trì lập trường rằng “tiếp nhận cũng không và tham gia cũng không” đối với phán quyết của tòa án. Mới đây, bên cạnh việc tuyên bố bắn tên lửa thật trong cuộc tập trận ở Biển Đông, Trung Quốc còn gia tăng giọng điệu chỉ trích, cáo buộc truyền thông Mỹ và phương Tây thổi phồng các dự án cải tạo đất và hành động quân sự hóa của nước này.

Thậm chí, Trung Quốc còn tỏ ý nghi ngờ về thái độ trung lập của các thẩm phán được chỉ định trong vụ kiện, nhất là thẩm phán mang quốc tịch Nhật Bản Shunji Yanai, người đã chỉ định các thẩm phán của tòa trọng tài. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân còn viết một bài trên báo chí chất vấn về “sự công bằng về mặt thủ tục” trong việc bổ nhiệm và hoạt động của tòa PCA…

Trong khi đó, Philippines lại thể hiện sự không thống nhất trong quan điểm của mình thời kỳ sau vụ kiện.

Hôm 10-7, tân Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã rút lại tuyên bố rằng Manila sẵn sàng chia sẻ tài nguyên ở khu vực chồng lấn chủ quyền với Bắc Kinh.

Tờ Japan Times của Nhật Bản cho hay, trong một tuyên bố đăng trên website của Bộ Ngoại giao Philippines, ông Perfecto Yasay đã nhấn mạnh: “Những gì tôi nói đó là chúng tôi phải chờ phán quyết, nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng. Nếu phán quyết không giải quyết được vấn đề chủ quyền, phân định biên giới, đến một thời điểm nhất định nào đó trong tương lai, các nước có tranh chấp chủ quyền có thể cân nhắc các thỏa thuận như khai thác, sử dụng chung các tài nguyên ở vùng tranh chấp mà không làm tổn hại đến tuyên bố chủ quyền và phân định biên giới của các bên theo Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”.

Trước đó, vào hôm 9-7, khi trả lời báo giới, tân Ngoại trưởng Philippines vẫn khẳng định rằng, dù phán quyết có thế nào thì nước này vẫn sẵn sàng đám phán trực tiếp với Trung Quốc. Nội dung các cuộc đàm phán này, theo ông Perfecto Yasay là sẽ tập trung vào việc hai nước cùng khai thác nguồn dữ trữ khí đốt tự nhiên dưới biển và khu vực đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. 

Hạ viện Mỹ lại điều trần về Biển Đông

Tại cuộc điều trần kéo dài 1 ngày này, Uỷ ban Quân lực và Uỷ ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ đã mời Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Abraham Denmark và Phó trợ lý Ngoại trưởng Colin Willett tham dự.

Ông Abraham Denmark cho rằng, các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết của tòa PCA, coi phán quyết là cơ hội để xác định tương lại châu Á-Thái Bình Dương. Còn bà Colin Willet thì khẳng định, Mỹ sẽ không ngần ngại bảo vệ lợi ích quốc gia và các cam kết của mình với các đồng minh và đối tác tại châu Á- Thái Bình Dương.

Gia Nam

Phan Hiển
.
.
.