Tình hình tại Myanmar ngày một phức tạp

Thứ Ba, 02/03/2021, 08:38
Tròn một tháng Myanmar rơi vào bất ổn kể từ khi quân đội giành lại quyền lực và bắt cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức chính phủ dân sự. Những cuộc biểu tình nhằm phản đối việc chính quyền quân sự tiếp quản đất nước liên tiếp nổ ra và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại bất chấp hành động trấn áp đẫm máu của cảnh sát khiến tình hình tại quốc gia Đông Nam Á ngày càng thêm phức tạp.


Ngày biểu tình đẫm máu

The Guardian đưa tin, đạn thật, lựu đạn gây choáng và hơi cay đã được dùng để bắn vào những người biểu tình ở các thành phố lớn như Yangon, Mandalay và một số địa phương khác khi cảnh sát cố gắng trấn áp các cuộc biểu tình đang ngày càng lan rộng trên toàn Myanmar vào cuối tuần qua.

Theo thống kê của văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc, ít nhất 18 người được cho là đã thiệt mạng và 30 người bị thương chỉ riêng trong ngày 28/2. Các trường hợp tử vong được cho là do bị đạn thật bắn được ghi nhận tại Yangon, Dawei, Mandalay, Myeik, Bago và Pakokku. Một ủy ban đại diện các nghị sĩ được bầu tháng 11/2020 cho biết ít nhất 26 người đã thiệt mạng trong "ngày đẫm máu" 28/2.

Tại Myanmar, người biểu tình vẫn đổ ra đường phản đối bất chấp nguy cơ bị trấn áp bằng bạo lực. (Ảnh: Reuters)

Bất chấp hành động trấn áp đẫm máu của cảnh sát một ngày trước, người biểu tình Myanmar hôm 1/3 vẫn tiếp tục xuống đường phản đối đảo chính, kêu gọi dân chủ. Tại thị trấn Kale, tây bắc Myanmar, những người biểu tình tuần hành giơ cao ảnh của bà Suu Kyi và hô vang "dân chủ, chính nghĩa của chúng ta".

Trong video được phát trực tiếp trên Facebook cho thấy nhiều người đội mũ bảo hộ lao động tụ tập trên một con phố ở Lashio, bang Shan, hô vang khẩu hiệu khi cảnh sát tiến về phía họ. Một số người biểu tình khác kêu gọi phá hủy các máy quay giám sát được chính quyền lắp đặt trên đường phố, đồng thời chia sẻ công thức chế tạo bình xịt hơi cay trên mạng xã hội, theo Reuters.

Trong một diễn biến liên quan, Tòa án Myanmar ngày 1/3 đã đệ trình cáo buộc mới chống lại bà Suu Kyi và bà đã tham gia phiên tòa này thông qua hình thức trực tuyến ở thủ đô Naypyitaw. Bà Suu Kyi dường như vẫn giữ được tình trạng sức khỏe tốt và yêu cầu được gặp đội pháp lý riêng của mình, luật sư Min Min Soe cho biết.

Bà Suu Kyi đang đối mặt với các cáo buộc nhập khẩu bộ đàm trái phép và vi phạm các biện pháp hạn chế ngăn COVID-19 theo Luật Quản lý Thiên tai khi tổ chức sự kiện vận động tranh cử năm ngoái. Trong phiên xét xử hôm 1/3, tòa án bổ sung thêm hai cáo buộc mới đối với bà Suu Kyi là vi phạm luật truyền thông về công bố thông tin "gây sợ hãi, hoảng loạn" và "kích động bất ổn công cộng", theo một phần bộ luật hình sự thời thuộc địa. Phiên điều trần tiếp theo sẽ diễn ra ngày 15/3.

"Thế giới cần phải hành động"

Trong tuyên bố chính thức được đưa ra ngày 28/2, Bộ Ngoại giao Indonesia bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc" về tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng ở Myanmar và kêu gọi lực lượng an ninh nước này kiềm chế tối đa, không sử dụng vũ lực để tránh gây thêm thương vong và làm xấu tình hình.

Chính phủ Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình nhiều dân thường trong các cuộc biểu tình trên khắp Myanmar bị thương hoặc thiệt mạng do sử dụng vũ lực, bao gồm cả các vụ xả súng của lực lượng an ninh Myanmar và nhiều người khác đã bị giam giữ. Chính phủ Nhật Bản một lần nữa lên án mạnh mẽ tình trạng bạo lực và kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho những người đang bị giam giữ bao gồm cả cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhanh chóng khôi phục hệ thống chính trị dân chủ của Myanmar.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken viết trên Twitter ngày 28/2:  "Chúng tôi lên án hành động bạo lực của các lực lượng an ninh Myanmar đối với người dân và sẽ tiếp tục thúc đẩy trách nhiệm đối với những người phải chịu trách nhiệm". Ngoại trưởng Blinken khẳng định Mỹ sẽ sát cánh cùng "nhân dân Myanmar dũng cảm" và kêu gọi tất cả các nước khác "cùng lên tiếng ủng hộ" nguyện vọng của người dân Myanmar.

Theo cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới để buộc những người đứng sau đảo chính và bạo lực tại Myanmar phải chịu trách nhiệm.

"Chúng tôi đang chuẩn bị các hành động bổ sung để buộc những kẻ chịu trách nhiệm phải trả giá vì vụ bạo lực mới nhất và cuộc đảo chính gần đây. Chúng tôi sẽ công bố trong vài ngày tới", Cố vấn an ninh của Tổng thống Joe Biden cho biết.

Tom Andrews, đặc phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền ở Myanmar, cho biết, rõ ràng rằng hành vi sử dụng bạo lực của chính quyền quân đội sẽ tiếp tục, vì vậy cộng đồng quốc tế nên phối hợp phản ứng trước các động thái này.

Ông đề xuất lệnh cấm vận vũ khí toàn cầu, thêm nhiều biện pháp trừng phạt từ nhiều quốc gia hơn đối với những người đứng sau đảo chính tại Myanmar, và trừng phạt các doanh nghiệp quân đội và đưa sự việc lên Tòa Hình sự quốc tế. "Những lời lẽ lên án là đáng hoan nghênh, song chưa đủ. Cơn ác mộng ở Myanmar đang hiện ra trước mắt chúng ta và sẽ trở nên tồi tệ hơn. Thế giới cần phải hành động", ông nhấn mạnh.

Dù cho cộng đồng quốc tế đã lên án cuộc đảo chính quân sự và tuyên bố áp trừng phạt nhắm vào quân đội Myanmar, nhưng giới chuyên gia nhận định các giải pháp này mang lại hiệu quả hạn chế và khó có thể làm chấm dứt tình trạng bất ổn ở quốc gia Đông Nam Á, hơn nữa còn sẽ đẩy Myanmar rơi vào cảnh khó khăn hơn.

Tiến sĩ Ted Gover, chuyên gia về chính sách đối ngoại và là giám đốc Chương trình Quản trị cho người Mỹ bản địa thuộc Đại học Claremont Graduate ở California cho rằng để có thể chấm dứt tình trạng bất ổn hiện nay tại Myanmar, một là làn sóng biểu tình tự chấm dứt hoặc quân đội sẽ đàm phán một thỏa thuận nào đó với người biểu tình. Nhưng ở giai đoạn này, ông Gover nói cả hai khả năng "đều khó có thể xảy ra". 

Trong khi đó, một số chuyên gia khác cho rằng, hiện tại vẫn rất cần cộng đồng quốc tế tiếp tục duy trì kêu gọi kiềm chế bạo lực, đặc biệt là sự tích cực vào cuộc của ASEAN nhằm thể hiện vai trò của khối, để từ đó hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng của quốc gia thành viên. Được biết, các ngoại trưởng ASEAN sẽ tổ chức cuộc họp đặc biệt vào ngày 2/3 để thảo luận tình hình Myanmar.

Cao Trung (Tổng hợp)
.
.
.