Tiềm ẩn hậu quả nghiêm trọng từ "chính sách pháo hạm" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp

Thứ Tư, 26/08/2020, 17:48

Euronews ngày 26/8 đưa tin, mối quan hệ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp mới đây đã bị đẩy lên một nấc thang mới, khi cả hai nước đều công bố kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận riêng tại phía Đông Địa Trung Hải. Giới quan sát đánh giá, động thái trên từ hai bên không đơn thuần là hành động đáp trả lẫn nhau liên quan tới hoạt động khảo sát dầu khí ở vùng biển tranh chấp, mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sâu sắc tới quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ankara, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Lâu nay, cuộc đua giành nguồn dự trữ dầu mỏ và khí đốt được coi là nguyên nhân chính châm ngòi căng thẳng trong mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, hai nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngày 26/8 (giờ Việt Nam), hai nước đồng minh này lại tiếp tục thổi bùng ngọn lửa mâu thuẫn bằng việc công bố kế hoạch ngoại giao pháo hạm tại phía Đông Địa Trung Hải. 

Kế hoạch trên được đưa ra sau khi Ankara tuyên bố sẽ kéo dài thời gian tiến hành hoạt động thăm dò địa chất ở vùng biển tranh chấp, mà ban đầu dự kiến kết thúc vào hôm 24/8, trong một thông báo phát đi trên hệ thống thông tin hàng hải quốc tế (NAVTEX). 

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp hiện đang cùng áp dụng chính sách pháo hạm tại vùng biển phía Đông Địa Trung Hải. Nguồn: CNN. 

Được biết, một nghiên cứu năm 2010 của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ ước tính có khoảng 3,5 nghìn tỷ mét khối khí đốt tự nhiên và 1,7 tỷ thùng dầu thô chưa được khai thác ở vùng Levant Basin, phía Đông Địa Trung Hải. 

Theo Euronews, giới quan sát đánh giá, cả Ankara và Athens vẫn chưa sẵn sàng để hạ nhiệt những bất đồng hiện tại. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Tayyip Erdogan khẳng định, hải quân nước này sẽ không nhượng bộ Hy Lạp, đồng thời nhấn mạnh Athens không có quyền triển khai hệ thống NAVTEX tại các khu vực mà Ankara tuyên bố chủ quyền. 

Trong khi đó, phát ngôn viên Chính phủ Hy Lạp Stelios Petsas cho hay, Athens đang phản ứng một cách bình tĩnh nhưng sẵn sàng hành động cứng rắn để bảo vệ quyền chủ quyền của mình. 

Lý do khác nữa để khẳng định rằng căng thẳng giữa Ankara và Athens chưa thể dịu đi chính là việc những nỗ lực hòa giải thực hiện bởi Đức - quốc gia hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU đã "tan thành mây khói". Dù Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã sắp xếp thăm cả Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp nhằm thúc đẩy đàm phán, nhưng hai bên vẫn quyết tiến hành tập trận hải quân riêng rẽ tại cùng một vùng biển phía Nam đảo Crete, phía Đông của Địa Trung Hải.

Ngoại trưởng Đức thăm Hy Lạp hôm 25/8 nhằm kêu gọi giảm căng thẳng tại phía Đông Địa Trung Hải. Ảnh: AP. 

Tuy nhiên, ông Heiko Maas vẫn kiên trì với sứ mệnh hòa giải, kêu gọi các bên kiềm chế và mở rộng cánh cửa đối thoại, bởi chính sách ngoại giao pháo hạm mà Ankara và Athens đang áp dụng có nguy cơ cuốn thêm nhiều quốc gia khác vào vòng xoáy xung đột. 

CNN dẫn lời ông Michael Tanchum, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu An ninh và Châu Âu của Áo cho biết: “Tranh chấp lãnh thổ giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp đã âm ỉ trong khu vực suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc phát hiện các nguồn khí đốt tự nhiên ngoài khơi đã làm thay đổi mọi thứ ở phía Đông Địa Trung Hải, biến nó thành một chiến trường quan trọng, với những rạn nứt về địa chính trị liên quan đến cả EU, Trung Đông và Bắc Phi”. 

Đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là "nắm đằng chuôi" trong vấn đề di cư gây nhức nhối cho các quốc gia châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên đe dọa châu Âu rằng Ankara sẽ để hàng triệu di dân tràn vào EU qua cửa ngõ Hy Lạp, nhất là trong bối cảnh làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 ngày càng trở nên nghiêm trọng. Chính vì thế, việc trở thành trung gian hòa giải trong trong mẫu thuẫn này cực kỳ quan trọng với EU. 

“Các cánh cửa đối thoại giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cần được mở rộng hơn chứ không phải đóng lại. Thay vì thực hiện những hành động khiêu khích mới, chúng ta cần phải thực hiện các bước giảm căng thẳng và xúc tiến các cuộc thảo luận trực tiếp”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đăng tải trên trang cá nhân Twitter, trong một nỗ lực đưa hai quốc gia nói trên trở lại bàn đàm phán. 

Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tạm ngừng các hoạt động thăm dò dầu khí khi ông Heiko Maas tới thăm nước này. Ảnh: Anadolu Agency.  

Đồng thời, ông Heiko Maas  khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là hai đồng minh NATO, nên các biện pháp giải quyết tranh chấp ở phía Đông Địa Trung Hải cần được thực hiện dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Dự kiến, các ngoại trưởng EU sẽ tổ chức một cuộc họp không chính thức trong hai ngày 27/8 và 28/8 tại Berlin đề cập đến những vấn đề liên quan tới mối quan hệ của khối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Quan hệ giữa Ankara và Athens bắt đầu nóng lên hơn bao giờ hết khi hai nước liên tục có những hành động đáp trả lẫn nhau. Ngày 10/8, Thổ Nhĩ Kỳ điều các tàu hải quân hộ tống tàu nghiên cứu địa chất tới vùng biển tranh chấp tại phía Đông Địa Trung Hải. 

Trước động thái này, Hy Lạp đã triển khai một số tàu chiến giám sát. Đến ngày 12/8, một vụ va chạm xảy ra giữa tàu khu trục của hai nước thành viên NATO khiến cho căng thẳng giữa hai quốc gia tiếp tục leo thang. 

Từ ngày 25/8, lực lượng hải quân và không quân của Hy Lạp cùng các quốc gia như Pháp, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Cộng hòa Cyprus tiến hành một cuộc tập trận quân sự chung trong ba ngày ở phía Đông Nam đảo Crete. 

Động thái này của Hy Lạp được cho là nhằm đáp trả quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ khi tiếp tục thực hiện hoạt động thăm dò địa chất trên vùng biển tranh chấp ở Địa Trung Hải.


Linh Đan (TH)
.
.
.