Sóng dậy ở Địa Trung Hải

Chủ Nhật, 16/08/2020, 07:31
Địa Trung Hải đang gia tăng căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cảnh cáo đáp trả Hy Lạp và cáo buộc Pháp có hành vi “bắt nạt”. Điều này đã khiến Liên minh châu Âu (EU) phải “ra mặt” giải quyết.


Địa Trung Hải dậy sóng

Căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp nảy sinh tuần này sau khi Thổ Nhĩ Kỳ điều một tàu khảo sát được các tàu chiến hộ tống để vẽ bản đồ lãnh hải phục vụ khoan thăm dò dầu khí ở khu vực cả Ankara và Athens đều tuyên bố quyền tài phán.

Cụ thể, tàu khảo sát Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ di chuyển giữa Cyprus và đảo Crete của Hy Lạp, trong khi một số tàu khu trục nhỏ của Hy Lạp theo dõi hoạt động di chuyển này. Ngày 12/8, tàu khu trục Limnos của Hy Lạp đến gần tàu khảo sát Oruc Reis khi tàu Limnos cắt ngang đường đi của một tàu hộ tống của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ là tàu Kemal Reis.

Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hy Lạp, tàu khu trục Hy Lạp đã bẻ lái tránh va chạm trực diện và trong quá trình này, mũi tàu khu trục Hy Lạp chạm vào đuôi tàu khu trục Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn tin nêu rõ đây là một tai nạn và tàu Limnos không bị hư hại. Tàu này sau đó tham gia cuộc tập trận chung với Pháp ở ngoài khơi bờ biển Crete ngày 13-8. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ chưa bình luận gì về vụ việc trên.

Tuy nhiên, phát biểu trước các thành viên của Đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền tại Thủ đô Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nhấn mạnh bất kỳ hành động tấn công nào vào tàu Thổ Nhĩ Kỳ đang thăm dò dầu khí trong vùng biển tranh chấp trên Địa Trung Hải “sẽ phải trả giá đắt”. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời nêu rõ: “Nếu điều này tiếp diễn, họ sẽ nhận được câu trả lời. Chúng tôi sẽ không bỏ qua ngay cả cuộc tấn công nhỏ nhất này”.

Ông cũng tuyên bố rằng, giải pháp duy nhất cho tranh chấp giữa nước này với Hy Lạp liên quan tới hoạt động thăm dò năng lượng ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải là đối thoại và đàm phán, đồng thời khẳng định Ankara không theo đuổi bất kỳ “cuộc phiêu lưu” nào trong khu vực.

Tàu quân sự Pháp và Hy Lạp tại phía Đông Địa Trung Hải.

Ông nêu rõ: “Con đường hướng tới một giải pháp ở Đông Địa Trung Hải là thông qua đối thoại và đàm phán. Chúng ta có thể tìm ra giải pháp cùng thắng, đáp ứng lợi ích của nhau. Chúng tôi không theo đuổi bất kỳ cuộc phiêu lưu không cần thiết hay tìm cách gây căng thẳng”.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết sẽ hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel để tháo gỡ căng thẳng với Hy Lạp liên quan tới hoạt động thăm dò năng lượng tại phía Đông Địa Trung Hải.

Trong khi đó, hôm 13/8, Pháp thông báo đang “tăng cường tạm thời” sự hiện diện quân sự ở phía Đông Địa Trung Hải trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, hai nước láng giềng của Pháp liên quan tới hoạt động thăm dò năng lượng tại khu vực này. Quân đội Pháp sẽ điều hai máy bay chiến đấu Rafale và khinh hạm hải quân Lafayette tới khu vực phía Đông Địa Trung Hải.

Trong một tuyên bố, quân đội Pháp cho biết mục tiêu của sự hiện diện quân sự này là tăng cường đánh giá về tình hình và khẳng định cam kết của Pháp về tự do đi lại, an ninh hàng hải tại Địa Trung Hải và tôn trọng luật quốc tế. Điều này góp phần khiến căng thẳng giữa Paris và Ankara gia tăng khi hai nước đã bất đồng từ trước về Libya và Trung Đông.

Một ngày sau đó, phát biểu tại một buổi họp báo chung với người đồng cấp Thụy Sĩ Ignazio Cassis ở Bern, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói rằng: “Pháp nên tránh những động thái gây leo thang căng thẳng. Họ không thể đi đến đâu nếu hành động như những kẻ bắt nạt, dù đó là Libya, Đông Bắc Syria, tại Iraq hay Địa Trung Hải”.

Ngoại trưởng Melvut Cavusoglu khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm giải pháp hòa bình cho khủng hoảng hiện nay: “Chúng tôi luôn đứng về phía đối thoại hòa bình”. Ông cũng cho hay, Thụy Sĩ đã đề nghị làm trung gian trong cuộc tranh cãi ở phía Đông Địa Trung Hải và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý về mặt nguyên tắc. Ngoài ra, ông nhấn mạnh Hy Lạp sẽ phải đối mặt với một sự đáp trả nếu Athens khiêu khích tàu khảo sát Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

EU phải “ra mặt” giải quyết

Trước bối cảnh trên, ngày 14/8, các quốc gia thành viên EU đã nhất trí chuẩn bị các biện pháp chống Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đáp trả những hoạt động hải quân của Ankara ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải. Sau hội nghị khẩn cấp do Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell triệu tập, ngoại trưởng 27 quốc gia thành viên cho rằng những động thái huy động hải quân gần đây của Ankara sẽ “dẫn đến tình trạng đối kháng và ngờ vực nghiêm trọng hơn”.

Các ngoại trưởng EU đã nhắc lại sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho ông Josep Borrell nhằm tái khởi động đối thoại và tạo điều kiện cho quá trình can dự trở lại với Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo Hội đồng EU, ông Josep Borrell cũng sẽ chuẩn bị “các lựa chọn về những biện pháp thích đáng tiếp theo trong trường hợp căng thẳng không hạ nhiệt”. Nhấn mạnh đến quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đang xấu đi nghiêm trọng, kéo theo những hậu quả chiến lược sâu rộng đối với toàn bộ EU, các ngoại trưởng cho biết một cuộc thảo luận sâu hơn về các mối quan hệ với Ankara sẽ được tổ chức trong tháng này.

Cùng ngày, lãnh đạo Mỹ và Pháp đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến tại Địa Trung Hải với quan hệ căng thẳng giữa hai nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Một người phát ngôn Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm ngày 14-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron “đã bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng căng thẳng giữa các đồng minh NATO là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trong khi đó, một người phát ngôn Chính phủ Đức ngày 13/8 xác nhận Thủ tướng nước này Angela Merkel trong ngày đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nhằm tìm cách hạ nhiệt căng thẳng giữa hai quốc gia vùng Địa Trung Hải này.

Người phát ngôn trên cho hay Thủ tướng Angela Merkel muốn làm trung gian để hòa giải căng thẳng hiện nay giữa Ankara và Athens. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh chủ trương muốn giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.