Thỏa thuận hạt nhân Iran sắp được “hồi sinh”?

Chủ Nhật, 09/05/2021, 07:59
Ngày 7/5 (giờ địa phương), các bên tham gia đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã nối lại đàm phán tại một khách sạn ở Thủ đô Vienna của Austria.

Việc cả Mỹ và Iran cùng thừa nhận rằng đối phương đang nghiêm túc đàm phán được đánh giá là tín hiệu tích cực cứu vãn thỏa thuận JCPOA.

Phát biểu sau khi kết thúc cuộc đàm phán, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Mikhail Ulyanov nhấn mạnh "các bên tham gia đã nhất trí về sự cần thiết phải thúc đẩy tiến trình này" và các phái đoàn dường như sẵn sàng lưu lại Vienna chừng nào cần thiết để đạt được mục tiêu trên.

Đồng quan điểm, Trưởng đoàn đàm phán của Iran - Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi cho biết, trong cuộc làm việc, các bên đã nhắc lại cam kết về nỗ lực đạt được thỏa thuận trong tương lai gần và sẽ tiếp tục thảo luận để đạt được điều này.

Theo ông, Washington đã sẵn sàng dỡ bỏ phần lớn lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran, song các cuộc đàm phán vẫn sẽ tiếp tục bởi điều Iran muốn nhiều hơn thế. Ông Abbas Araqchi cũng thừa nhận Mỹ đang nghiêm túc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân. Trước đó, Chánh Văn phòng Tổng thống Iran Mahmoud Vaezi cũng cho biết cuộc thương lượng nhằm khôi phục JCPOA tại Vienna đạt "những bước đi rất tốt".

Đã xuất hiện những tín hiệu tích cực cho thấy khả năng JCPOA sắp được “hồi sinh”. Ảnh: BBC.

Ông Mahmoud Vaezi nêu rõ, dù nội dung thảo luận phức tạp nhưng những gì đã làm được đến nay đầy hứa hẹn và cuộc đàm phán đạt được những bước đi rất tốt. Trong khuôn khổ các nguyên tắc của Iran, các bên đã đạt được đồng thuận về nhiều vấn đề quan trọng.

Ông nhấn mạnh: "Việc dỡ bỏ sớm nhất các lệnh trừng phạt Iran có lợi cho tất cả mọi người, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta đang vội vàng". Ông lưu ý, chính sách của Chính phủ Iran trong các cuộc đàm phán tại Vienna là không vội vàng song cũng không lãng phí các cơ hội.

Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho biết, Iran đang nghiêm túc đàm phán, song chưa rõ mức độ này là bao nhiêu và hành động của Tehran sau đó là gì.

Ông vẫn đang kỳ vọng nhiều vào kết quả sẽ đạt được sau đàm phán. Một quan chức Mỹ cho rằng, nhiều khả năng các bên sẽ đạt được thỏa thuận này trong những tuần tới, trước cuộc bầu cử Tổng thống của Iran, dự kiến diễn ra vào ngày 18/6. 

Tuy nhiên, quan chức này Washington và Tehran hiện còn bất đồng về các bước đi cần thiết để từng bên trở lại tuân thủ điều khoản có trong thỏa thuận năm 2015. Điểm mấu chốt nhất vẫn là yêu cầu đặt ra với Mỹ về dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế, đổi lại Iran giảm quy mô chương trình hạt nhân.

Trong khi đó, phát biểu khi ở thăm Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo, Iran không nên mong đợi những nhượng bộ lớn mới từ Mỹ khi vòng đàm phán hạt nhân gián tiếp mới giữa các bên được nối lại. 

Ông cho biết, Mỹ đã đưa ra những nhượng bộ để tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Theo đó, thành công hay thất bại giờ phụ thuộc vào việc Iran có đưa ra quyết định chính trị để chấp nhận những nhượng bộ đó và quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hay không.

"Chúng tôi đã tham gia các cuộc đàm phán ở Vienna được vài tuần với các đối tác châu Âu, với Nga, Trung Quốc và gián tiếp với Iran. Chúng tôi đã thể hiện mục đích rất nghiêm túc của mình khi muốn quay trở lại JCPOA. Điều chúng tôi chưa biết là liệu Iran có chuẩn bị để đưa ra quyết định tương tự hay không", Ngoại trưởng Mỹ nói.

Các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận JCPOA - mà Mỹ đơn phương rút khỏi vào năm 2018 dưới thời của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đã được nối lại từ ngày 6/4 tại Vienna. Việc ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ đã làm hồi sinh hy vọng cho các nỗ lực cứu vãn thỏa thuận trên khi ông bày tỏ mong muốn tham gia lại JCPOA.

Trong khi các bên còn lại tham gia thảo luận trực tiếp ở Vienna, phái đoàn Mỹ tham gia gián tiếp và các nhà ngoại giao EU đóng vai trò trung gian. Các cuộc đàm phán này nhằm tìm cách dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt đối với Iran và Tehran cũng phải tuân thủ lại các điều khoản trong JCPOA về hoạt động hạt nhân.

Bên cạnh cuộc bầu cử tổng thống, một áp lực về thời gian khác đang đè nặng lên các cuộc đàm phán này - đó là việc một thỏa thuận giữa Iran và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) kéo dài 3 tháng sắp hết hạn. 

Thỏa thuận này được công bố hồi tháng 2 vừa qua, cho phép IAEA duy trì mức giám sát đối với các cơ sở hạt nhân của Iran cho dù Tehran đình chỉ một số hoạt động thanh sát của cơ quan này.

Cũng theo thỏa thuận trên, Iran cam kết sẽ báo cáo một số hoạt động và chuyển cho IAEA khi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Hôm 6/5, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cũng đã gặp Trưởng đoàn đàm phán của Iran Vienna. 

Trả lời phỏng vấn tuần trước với kênh truyền hình Bloomberg, ông Rafael Grossi cho biết nếu không đạt được thỏa thuận, Iran có thể hủy các dữ liệu của máy quay. 

Theo quan chức IAEA, nếu thỏa thuận hồi tháng 2 hết hạn và các cuộc đàm phán ngoại giao vẫn bế tắc, ông sẽ trở lại Tehran để dàn xếp một thỏa thuận khác.

Khổng Hà
.
.
.