Thế giới phản ứng trái ngược với kết luận vụ bắn hạ máy bay MH17
- Thủ tướng Malaysia gọi kết luận điều tra vụ MH17 là "nực cười"
- Phương Tây đồng loạt "chĩa mũi dùi" vào Nga sau kết luận vụ MH17
- Nga bác bỏ toàn diện cáo buộc bắn rơi báy bay MH17
Ba người Nga vướng cáo buộc
Nhóm Điều tra chung (JIT) do Hà Lan dẫn đầu ngày 19-6 bất ngờ phát lệnh bắt giữ và truy tố ba công dân Nga có tên Igor Girkin, Sergey Dubinskiy, Oleg Pulatov cùng một người Ukraine là Leonid Kharchenko với cáo buộc có liên quan trực tiếp đến vụ máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine cách đây 5 năm, Reuters đưa tin.
Theo thông báo của JIT, các công dân Nga vướng cáo buộc trên đều từng phục vụ quân đội Nga và sau đó giữ các vị trí cấp cao trong lực lượng ly khai ở Đông Ukraine vào thời điểm vụ bắn rơi máy bay MH17 xảy ra.
Đại diện JIT công bố hình ảnh các nghi phạm liên quan vụ bắn rơi máy bay MH17. Ảnh: AP. |
JIT kết luận những người này “phải chịu trách nhiệm vì đã đưa vũ khí gây ra thảm kịch, hệ thống tên lửa Buk Telar, vào miền Đông Ukraine”, song không nói rõ ai là người khai hỏa vũ khí này nhằm vào máy bay MH17 cũng như động cơ, nguyên nhân đằng sau.
Cùng ngày, truyền thông phương Tây dẫn thông báo của người nhà nạn nhân trên máy bay MH17 nói rằng phiên xét xử các nghi phạm sẽ diễn ra vào tháng 3-2020 ở Hà Lan. Tuy nhiên, chưa rõ có ai trong số những người vướng cáo buộc xuất hiện tại phiên tòa hay không bởi Hiến pháp Nga không cho phép dẫn độ công dân ra nước ngoài xét xử.
Máy bay mang số hiệu MH17 (dòng máy bay Boeing 777) đang bay từ thành phố Amsterdam của Hà Lan đến thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia thì bị bắn rơi vào ngày 17-7-2014 trên bầu trời khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine. Vụ việc làm chết toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn. Nạn nhân của thảm họa đến từ 10 quốc gia, trong đó phần lớn là người Hà Lan.
Chính quyền Ukraine và lực lượng ly khai ở miền Đông khi đó cáo buộc nhau về vụ bắn rơi chiếc máy bay xấu số này. Liên minh châu Âu (EU) thì cho rằng lực lượng ly khai ở Đông Ukraine đã bắn nhầm máy bay và áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga vì cho rằng Moscow hậu thuẫn lực lượng này.
Hồi tháng 5 năm ngoái, Hà Lan và Australia cáo buộc tên lửa bắn vào MH17 được phóng đi từ vũ khí phòng không thuộc về một đơn vị quân đội Nga, song không nêu rõ chứng cứ. Vào thời điểm đó, Moscow đã cung cấp các bằng chứng khẳng định không liên quan đến vụ việc và đưa ra giả thuyết Ukraine bắn rơi MH17 nhưng không được ghi nhận.
Thế giới phản ứng trái chiều
Sau khi JIT công bố cáo buộc, phía Nga lập tức lên tiếng tái khẳng định không liên quan đến vụ việc. “Một lần nữa, những cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ đang được đưa ra chống lại Nga, nhằm làm mất uy tín của Nga trong mắt cộng đồng quốc tế”, Bộ Ngoại giao Nga ngày 19-6 nhấn mạnh. Theo Bộ Ngoại giao Nga, “tương tự các cuộc họp báo trước đây của JIT, cuộc họp báo lần này một lần nữa không đưa ra bằng chứng cụ thể để chứng minh cho các tuyên bố vô lý”.
Phía Nga cũng khẳng định, trong nhiều năm qua, họ luôn sẵn sàng hỗ trợ toàn diện cho cuộc điều tra nhưng đã bị phớt lờ. “Các bạn biết thái độ của chúng tôi đối với cuộc điều tra này. Nga không có cơ hội tham gia vào nó mặc dù đã giúp sức rất nhiều”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày nói với các phóng viên.
Trước đó, công dân Nga Igor Girkin, một trong bốn người bị JIT truy tố, đã phủ nhận trách nhiệm và nói rằng lực lượng ly khai không liên quan tới vụ bắn hạ MH17, hãng tin Interfax cho hay.
Trong một phát ngôn có thể gây sức ép lên Nga, Mỹ lại cho rằng Nga phải đảm bảo những người bị buộc tội phải chịu trách nhiệm.
“Chúng tôi kêu gọi Nga đảm bảo rằng bất kỳ cá nhân nào bị truy tố đang ở Nga đều phải đối mặt với công lý”, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong thông báo ngày 19-6, đề cập đến các nghi phạm người Nga bị cáo buộc liên quan đến vụ bắn máy bay MH17.
Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng việc đưa ra các cáo buộc liên quan đến vụ bắn rơi máy bay cách đây 5 năm đã đánh dấu một “cột mốc quan trọng trong nỗ lực khám phá sự thật đầy đủ và đảm bảo rằng công lý phải được thực thi”. Từ phía London, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt cho rằng Nga “phải hợp tác đầy đủ với cơ quan công tố và cung cấp mọi hỗ trợ mà họ yêu cầu”.
Còn ở phía Ukraine, tân Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky cũng bày tỏ hoan nghênh kết luận của cuộc điều tra do Hà Lan dẫn đầu, đồng thời cho rằng những người có trách nhiệm trong vụ rơi máy bay phải bị xét xử.
Tuy vậy, Malaysia, quốc gia sở hữu và vận hành máy bay MH17 lại có quan điểm khác hẳn. TASS ngày 20-6 dẫn lời Thủ tướng Malaysia Mohamed Mahathir nhấn mạnh nước này không hài lòng với kết luận và quyết định của JIT, cho rằng cáo buộc nhằm vào Nga là hành động sai trái, chính trị hóa vấn đề MH17.
“Chúng tôi rất không hài lòng. Ngay từ đầu, nó đã trở thành một vấn đề chính trị liên quan đến cách buộc tội Nga”, ông Mahathir nói. “Ngay cả trước khi họ điều tra vụ việc, họ đã tuyên bố rằng (việc bắn hạ MH17) là do Nga thực hiện”.
Thủ tướng Malaysia cũng cho biết nước này đã nhiều lần kêu gọi cung cấp các bằng chứng cụ thể, song thứ mà họ nhận được chỉ là “tin đồn”. “Đó là một điều vô lý. Ai đó đã bắn tên lửa, bạn không nhìn thấy ai cả nhưng rồi bạn lại nói là bạn biết ai đã bắn”, Thủ tướng Malaysia thể hiện sự bất bình.