Quốc tế hoan nghênh Mỹ-Nga gia hạn Hiệp ước START Mới
- Hiệp ước New START được gia hạn, Trung Quốc lập tức lên tiếng
- Tổng thống Putin: "New START sụp đổ không ảnh hưởng đến Nga"
Mỹ và Nga ngày 3/2 đã đạt được đồng thuận về việc hoàn thành các thủ tục nội bộ cần thiết để gia hạn Hiệp ước START Mới, theo đó, hiệp ước này được gia hạn không sửa đổi và bổ sung trong 5 năm, cho đến ngày 5/2/2026, Sputnik đưa tin. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, việc gia hạn sẽ đóng vai trò đảm bảo rằng Mỹ có "các giới hạn có thể xác minh được" đối với kho vũ khí hạt nhân của Nga, như tên lửa liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết rằng việc gia hạn hiệp ước với Nga là bước khởi đầu cho những nỗ lực giải quyết các mối quan ngại về hạt nhân và chiến lược.
Trước đó, ngày 27/1, Hội đồng Liên bang và Duma Quốc gia Nga đã thông qua việc gia hạn New START sau khi được Tổng thống Putin đệ trình. Ông Putin ngày 29/1 ký luật gia hạn Hiệp ước START Mới thêm 5 năm.
Nga phô diễn tên lửa RS-24 Yars tại một sự kiện ở Moscow, ngày 24/6/2020. Ảnh AP. |
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, việc gia hạn START Mới sẽ giúp khắc phục xu hướng phá vỡ các cơ chế kiểm soát vũ khí, đồng thời bày tỏ sẵn sàng làm việc với Mỹ để củng cố sự ổn định chiến lược toàn cầu. "Chúng tôi kỳ vọng rằng sự hiểu biết, đạt được với Washington về tương lai của START Mới sẽ là một nền tảng của an ninh quốc tế, cho phép bỏ lại xu hướng dỡ bỏ các cơ chế kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí, rất phổ biến trong những năm gần đây", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố. Cũng theo Bộ này, sẽ cần có những nỗ lực đáng kể để đưa đối thoại Nga-Mỹ trong lĩnh vực này "trở lại quỹ đạo ổn định hơn, đạt được những kết quả quan trọng mới nhằm củng cố an ninh quốc gia và ổn định chiến lược toàn cầu".
Liên Hợp Quốc ngày 3/2 đã hoan nghênh Mỹ và Nga gia hạn START Mới thêm 5 năm, gọi đây là phương tiện quan trọng để duy trì các giới hạn có thể xác minh được đối với kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Phát biểu trước báo giới, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng, việc gia hạn Hiệp ước START Mới là bước khởi đầu để thế giới có thể củng cố lại chế độ kiểm soát vũ khí hạt nhân. Ông nhấn mạnh mong muốn của Liên Hợp Quốc rằng trong 5 năm sắp tới, Washington và Moscow sẽ đàm phán để cắt giảm hơn nữa số lượng vũ khí hạt nhân mà hai nước đang sở hữu, đồng thời đạt được những thỏa thuận mới để có thể giải quyết những thách thức mới nổi trong vấn đề vũ khí hạt nhân và đảm bảo thế giới có thể sống trong hòa bình.
Cùng ngày, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuyên bố, các đồng minh NATO tin rằng Hiệp ước START Mới sẽ đóng góp vào sự ổn định quốc tế và một lần nữa bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc tiếp tục thực hiện hiệp ước, cũng như những cuộc đối thoại tích cực trong tương lai gần về các biện pháp cải thiện ổn định chiến lược". NATO cũng nhấn mạnh rằng "việc gia hạn hiệp ước là sự khởi đầu chứ không phải kết thúc của nỗ lực giải quyết các mối đe dọa hạt nhân và những thách thức mới và đang nổi lên đối với sự ổn định chiến lược".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/2 nhận định, hiệp ước này sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định quốc tế đồng thời hối thúc Mỹ và Nga cần hoàn thành trách nhiệm giải trừ hạt nhân. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng, đây là một sự kiện quan trọng vào thời điểm bắt đầu một năm then chốt của việc giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí.
"Năm 2021 là một năm quan trọng để thực thi giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí. Trong những năm gần đây, Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung và Hiệp ước bầu trời mở đều thất bại. Chính vì vậy, việc Mỹ và Nga gia hạn Hiệp ước START Mới nhằm hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược thực sự có lợi cho an ninh thế giới cũng như cho châu Âu".
Hiệp ước START Mới chính thức có hiệu lực từ năm 2011, vốn dĩ sẽ hết hạn vào ngày 5-2 nếu không được gia hạn. Đây là thỏa thuận ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí giữa hai quốc gia sở hữu kho hạt nhân lớn nhất thế giới. Hiệp ước được đưa ra dựa trên đề xuất rằng mỗi bên cuối cùng sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình xuống còn tổng cộng 700 tên lửa, 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng. Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đây đã tìm cách soạn thảo một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới bao gồm cả Trung Quốc hoặc sửa đổi hiệp ước hiện có bao gồm một số điều khoản mới.
Không lâu sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã điện đàm với người đồng cấp Nga hôm 26/1 và hai bên đã đạt thỏa thuận về việc kéo dài Hiệp ước START Mới. Tổng thống Biden đã nhấn mạnh rằng, việc gia hạn START Mới chỉ là bước khởi đầu trong nỗ lực của Mỹ nhằm giải quyết các thách thức an ninh của thế kỷ 21. Mỹ được cho là sẽ sử dụng quãng thời gian gia hạn hiệp ước để cùng Nga cân nhắc về cơ chế kiểm soát hạt nhân mới.