Quan hệ Mỹ - Trung “bị tác động bởi một số nhân tố tiêu cực”

Thứ Ba, 04/07/2017, 08:04
Trong cuộc điện đàm ngày 3-7 với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, quan hệ hai nước Trung Quốc – Mỹ “đã đạt được những thành quả quan trọng” kể từ khi hai ông gặp nhau tại Florida hồi tháng 4 vừa qua.


Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh mối quan hệ này “đã bị tác động bởi một số nhân tố tiêu cực”, sau khi Washington có hàng loạt hành động khiến Bắc Kinh tức giận.

Trong một loạt thông báo khiến Bắc Kinh nổi giận, chính quyền của Tổng thống Trump dường như đang đảo ngược chính sách đối với Trung Quốc khiến mối quan hệ giữa 2 cường quốc trở nên lạnh nhạt.

Chỉ cách đây vài ngày, Mỹ đã hoàn tất thương vụ bán vũ khí trị giá 1,42 tỉ USD cho Đài Loan (Trung Quốc), áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một ngân hàng Trung Quốc làm ăn với CHDCND Triều Tiên.

Tổng thống Donald Trump (phải) và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Liên quan tới thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan (Trung Quốc), Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ hi vọng người đứng đầu Nhà Trắng sẽ “giải quyết thỏa đáng” các vấn đề liên quan tới Đài Loan (Trung Quốc) phù hợp với nguyên tắc “một Trung Quốc”.

Trước đó, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã kêu gọi Washington ngay lập tức “rút lại quyết định sai lầm” và ngừng thương vụ vũ khí trên. Đại sứ quán Trung Quốc nêu rõ “chính quyền và người dân Trung Quốc có quyền cảm thấy bị xúc phạm” và thương vụ giữa Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) này sẽ gửi tới các lực lượng “độc lập Đài Loan” một thông điệp rất sai lầm.

Nhận định về thương vụ bán vũ khí này, Giáo sư khoa học chính trị Zhang Baohui tại Đại học Lĩnh Nam (Lingnan), Hong Kong cho rằng lô vũ khí này được khởi động ban đầu dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, có quy mô nhỏ hơn so với thương vụ vũ khí gần đây nhất của Washington cho Đài Loan.

Trong khi đó, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế tại Viện Nghiên cứu Lowy (Sydney) Euan Graham nhận định, các loại vũ khí trong thương vụ mới được thông qua cho Đài Loan (Trung Quốc) không mang tính gây hấn.

Trong một diễn biến cùng ngày, trả lời phỏng vấn của truyền thông Nga, Chủ tịch Trung Quốc cho rằng, việc lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ ở Hàn Quốc sẽ làm phương hại các lợi ích an ninh chiến lược của Trung Quốc, Nga và các nước khác trong khu vực, đồng thời không giúp gì cho việc giải giáp hạt nhân bán đảo Triều Tiên và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định: “Cả Bắc Kinh và Moskva đều phản đối việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc và chính thức đề nghị các quốc gia có liên quan dừng ngay việc triển khai này” và cảnh báo, Trung Quốc và Nga có thể sẽ tiến hành “các biện pháp cần thiết” một cách riêng rẽ hoặc cùng với nhau để bảo vệ các lợi ích của mình.

Những tưởng Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có mối quan hệ nồng ấm sau cuộc gặp song phương ở Florida, nhưng sau đó không lâu, hôm 21-6, thông qua mạng xã hội Twitter, tân chủ nhân Nhà Trắng viết rằng, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm kiềm chế CHDCND Triều Tiên đã “không có hiệu quả”.

Nhận định về quan điểm này, ông Graham chỉ ra thời kỳ trăng mật sau cuộc gặp thượng đỉnh ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago đã chấm dứt và nhất là dòng tweet đó cho thấy một tín hiệu rõ ràng là sẽ có một sự thay đổi và nguội lạnh trong mối quan hệ Mỹ-Trung.

Trong khi đó, chuyên gia về Triều Tiên và hiện là nghiên cứu viên tại Quỹ Bảo vệ các nền dân chủ, ông Anthony Ruggiero nói: “Ngay từ đầu, Tổng thống Trump đã gộp tất cả các vấn đề Mỹ-Trung này lại với nhau, hy vọng Bắc Kinh hợp tác về vấn đề CHDCND Triều Tiên để đổi lấy sự hợp tác từ phía Mỹ trong các vấn đề khác”.

Điều này đã được bà Susan Thornton, Quyền trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề về Đông Á và Thái Bình Dương, đưa ra trong buổi họp báo xung quanh Đối thoại ngoại giao và an ninh Mỹ - Trung.

Cụ thể, bà Thornton nhấn mạnh, Washington đặt ưu tiên hàng đầu cho vấn đề CHDCND Triều Tiên trong thảo luận của mình, nhắm tới đẩy mạnh hợp tác cụ thể với Trung Quốc về một giải pháp hòa bình cho mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Mỹ tiếp tục cam kết buộc CHDCND Triều Tiên phải có trách nhiệm vì nhiều lần coi thường các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) mà tuyệt đối cấm các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này.

Washington tiếp tục thúc giục Bắc Kinh áp dụng tác động đòn bẩy “độc nhất vô nhị” của mình với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng, trong đó có việc thực hiện đầy đủ tất cả các biện pháp trừng phạt của HĐBA LHQ.

Bên cạnh đó, bà Thornton cũng khẳng định, Mỹ đang tiếp tục theo đuổi một mối quan hệ mang tính xây dựng và hướng về kết quả với Trung Quốc, có lợi cho người dân Mỹ, trung thành với các đồng minh của Washington, đồng thời thúc giục Bắc Kinh tuân thủ các quy tắc và quy chuẩn quốc tế khi đóng góp cho an ninh toàn cầu.

Khổng Hà
.
.
.