Quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc lại đứng trước nguy cơ sứt mẻ?

Thứ Năm, 18/06/2020, 18:00

Cuộc giao tranh căng thẳng giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại khu vực biên giới hôm 15/6 được xem là nghiêm trọng nhất trong vòng hơn 4 thập kỷ qua. Mặc dù hai nước ngày 17/6 đồng ý sớm hạ nhiệt căng thẳng, nhưng những lo lắng về nguy cơ gia tăng đụng độ vẫn còn tồn tại.

Ngày 17/6 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp phía Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã có cuộc điện đàm xoay quanh vụ động độ xảy ra giữa binh lính hai bên 2 ngày trước đó tại khu vực thung lũng Galwan. Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng, nguyên nhân vụ đụng độ là do phía Ấn Độ đã phá vỡ những nhận thức chung giữa quân đội hai bên. 

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng yêu cầu Ấn Độ không đánh giá sai lệch về tình hình hiện nay, cũng như không được đánh giá thấp ý chí của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình. Ông Vương Nghị nhấn mạnh, việc tôn trọng và ủng hộ lẫn nhau sẽ phù hợp lợi ích lâu dài giữa Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi đó đố kỵ và tranh chấp sẽ đi ngược lại nguyện vọng căn bản của người dân hai bên. 

Dù không có tiếng súng vang lên, song cuộc giao tranh ngày 15/6 đã để lại tổn thất lớn về người cho cả Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: PTI

Về phần mình, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã truyền đạt ý kiến phản đối mạnh mẽ của phía chính quyền New Delhi về vụ đụng độ. Ông cũng khẳng định lập trường của nước này về vụ việc, đồng thời cho rằng, hai bên cần xuất phát từ đại cụ, thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, hòa hoãn cục diện căng thẳng hiện nay. 

Mặc dù vậy, trong cuộc điện đàm, hai bên nhất trí sẽ xử lý những mâu thuẫn tại biên giới một cách có trách nhiệm. Hai bên cam kết sẽ không có bất kỳ hành động leo thang nào, thay vào đó sẽ đảm bảo hòa bình theo các thỏa thuận và nghị định thư song phương.

Nỗi đau không tiếng súng

Cuộc điện đàm của Ngoại trưởng hai nước diễn ra chỉ 2 ngày sau khi vụ đụng độ giữa lính Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra vào tối 15/6 tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả Ấn Độ và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền. 

Ấn Độ cáo buộc một lượng đáng kể lính biên phòng Trung Quốc đã vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), vốn được coi là biên giới Trung - Ấn, và xâm nhập khu vực do nước này kiểm soát. Trong khi đó, Trung Quốc cáo buộc lính Ấn Độ đã vượt biên rồi tấn công binh sĩ nước này. 

Trên thực tế, xung đột biên giới Trung - Ấn bắt đầu từ hàng chục năm trước và từng leo thang thành một cuộc chiến tranh ngắn vào năm 1962. Kể từ sau cuộc chiến năm 1962, khu vực này đã chứng kiến nhiều cuộc giao tranh rời rạc, nhỏ lẻ giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai bên. Thế nhưng, căng thẳng trở lại tại khu vực biên giới sau một loạt cuộc đụng độ đầu tháng 5 vừa qua giữa binh lính hai bên ở Đông Ladakh gần hồ Pangong. 

Cuộc giao tranh căng thẳng giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc dọc LAC hôm 15/6 được xem là tồi tệ nhất từ năm 1975 tới nay, khi không một viên đạn nào được bắn ra, nhưng để lại con số thương vong lớn cho cả hai bên. Vụ việc ngày 15/6 cũng là vụ đụng độ lớn đầu tiên dọc LAC kể từ cuộc đối đầu 73 ngày tại Doklam năm 2017. Quân đội Ấn Độ cho biết ít nhất 20 binh sĩ Lục quân nước này đã thiệt mạng trong vụ đụng độ. 

Trung Quốc và Ấn Độ cam kết sẽ không có bất kỳ hành động leo thang nào, thay vào đó sẽ đảm bảo hòa bình theo các thỏa thuận và nghị định thư song phương. Ảnh: The Quint

Lời qua tiếng lại

Ngày 17/6 (giờ địa phương), phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố: “Tôi cam đoan rằng sự hy sinh của các binh sỹ Ấn Độ sẽ không vô ích. Đối với chúng ta, đoàn kết và sự toàn vẹn của đất nước là quan trọng nhất. Ấn Độ muốn hòa bình nhưng chúng ta có thể đáp trả nếu bị khiêu khích. Chúng ta không bao giờ khiêu khích bất kỳ ai. Có một điều chắc chắn là Ấn Độ muốn hòa bình, nhưng nếu bị khiêu khích, chúng ta sẽ đáp trả thích đáng”. 

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cùng ngày nêu rõ: “Trung Quốc đã trao các bản kháng nghị mạnh mẽ và nghiêm khắc với phía Ấn Độ. Chúng tôi một lần nữa đề nghị phía Ấn Độ hành động trên cơ sở đồng thuận, quy định nghiêm khắc các binh sỹ ở tiền tuyến không được vượt qua ranh giới, không thực hiện các hành động khiêu khích và đơn phương có thể làm phức tạp tình hình”.

Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia có quy mô dân số lớn nhất thế giới, đều đang tích cực tham gia cuộc đua trở thành “siêu cường” trong khu vực. Bất cứ động thái của New Delhi trong khu vực đều có thể đe dọa mục tiêu địa chiến lược của Bắc Kinh ở Trung Á, Happymon Jacob, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm chính trị quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru, nhận định. Ngược lại, Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng công khai phản đối sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh, cho rằng dự án này xâm phạm vào lãnh thổ của Ấn Độ. 

Theo bà Kelsey Broderick, chuyên gia phân tích về Trung Quốc tại Eurasia Group, trong thời gian tới, Ấn Độ và Trung Quốc sẽ có thể nối lại các động thái giảm thiểu căng thẳng, nhưng quá trình này sẽ cần nhiều thời gian. Và nếu đàm phán ở cấp quân sự và ngoại giao thất bại, một cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi sẽ có thể ngăn xung đột lan rộng.

Lam Ninh (T.H)
.
.
.