Phép thử với chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Thứ Sáu, 11/06/2021, 07:11
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 10/6 đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, chuyến đi nhằm cải thiện quan hệ với các đồng minh châu Âu cũng như cuộc gặp được mong đợi với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Trong chuyến công du châu Âu 8 ngày, Tổng thống Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo nhóm G7 tại Cornwall, Anh và gặp gỡ lãnh đạo NATO và Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ. 

Ngay sau khi đặt chân xuống Anh tại Căn cứ Không quân Hoàng gia Mildenhall, ông Biden đã có bài phát biểu trước các quân nhân Mỹ, tiếp tục nhấn mạnh rằng trong cuộc gặp với người đồng cấp Nga sắp tới, “Washington không tìm kiếm xung đột với Moscow” mà “muốn có một mối quan hệ ổn định, có thể đoán trước được”.

Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng, Mỹ và Nga có “những trách nhiệm lớn lao”, trong đó có “bảo đảm ổn định chiến lược và duy trì các thỏa thuận kiểm soát vũ khí”. Tuy nhiên, đây sẽ không phải mục đích duy nhất trong chuyến công du kéo dài 8 ngày của Tổng thống Mỹ. 

Ông đến châu Âu với sứ mệnh nặng nề, đó là chứng minh sự trở lại của Mỹ trên trường thế giới, tái khẳng định sự ủng hộ với NATO và củng cố đa phương hóa trong việc giải quyết các vấn đề lớn hàng đầu thế giới hiện nay, từ đại dịch COVID-19 đến nóng lên toàn cầu, từ đối phó với Nga đến Trung Quốc.

Sự kiện được mong đợi nhất trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Biden sẽ là hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại đó, Tổng thống Mỹ dự định đề cập đến một loạt vấn đề. 

“Trong các cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, tôi đã nói rõ ràng và trực tiếp. Mỹ không tìm kiếm xung đột. Chúng tôi muốn có một mối quan hệ ổn định và dễ đoán, để chúng tôi có thể làm việc với Nga về các vấn đề như ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí”, ông Biden từng cho biết. 

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh đến các biện pháp trả đũa khốc liệt đối với các hành vi xâm phạm đến chủ quyền của Mỹ, như can thiệp vào bầu cử hay tấn công mạng. 

Trước đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhận định rằng những nội dung chính trong cuộc gặp giữa hai tổng thống sẽ bao gồm các cuộc tấn công mạng và sử dụng mã độc, bị Mỹ coi là do các thực thể có liên quan đến Nga tiến hành, cũng như các động thái của Nga tại Ukraine.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước binh sĩ đóng quân tại Căn cứ Không quân Hoàng gia Mildenhall. Ảnh Reuters.

Một nội dụng quan trọng khác trong chuyến thăm của ông Biden chính là cam kết của Mỹ trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19. 

Theo ABC News, Anh, nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay đang rất lo lắng về một đợt bùng phát dịch thứ 3 trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng đang chậm lại. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được mời tham dự hội nghị G7, tuy vậy, đã phải từ chối vì cuộc khủng hoảng y tế tại nước nhà.

Ông Biden đã và đang chịu nhiều áp lực về chia sẻ vaccine COVID-19 từ các đồng minh và đối tác. Trước đó, Mỹ từng cam kết cung cấp 80 triệu liều vaccine cho nhiều nước trên thế giới vào cuối tháng 6 và thực tế đã công bố những nước sẽ nhận được 25 triệu liều đầu tiên. 

Đáng chú ý, trước khi lên máy bay sang Anh, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc chia sẻ vaccine, ông Biden cho biết ông “có một kế hoạch chuẩn bị công bố”. 

Theo một số hãng tin, chính quyền Biden đã đạt được thỏa thuận với các nhà sản xuất vaccine, theo đó, Mỹ sẽ trả giá “phi lợi nhuận” cho Pfizer và BioNTech cho nguồn cung cấp vaccine với 200 triệu liều sẽ được phân phối trong năm nay và 300 triệu liều nữa vào giữa năm sau. 

Các liều vaccine COVID-19 sẽ được chính phủ Mỹ mua và sau đó tặng cho 92 quốc gia có thu nhập thấp hơn và Liên minh châu Phi trong năm tới, Reuters đưa tin.

Ngoài ra, chuyến thăm của ông Biden cũng có mục đích cải thiện quan hệ với các đồng minh NATO, vốn bị rạn nứt dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump. 

“Trong thời điểm bất ổn toàn cầu này, khi thế giới phải vật lộn với đại dịch kéo dài, chuyến đi nhằm hiện thực hóa cam kết của Mỹ với các đồng minh và đối tác, đồng thời thể hiện năng lực trong việc ứng phó với các thách thức và ngăn chặn các mối đe dọa trong thời đại mới”, ông Biden cho biết. 

Ông Biden cũng tái khẳng định “cam kết kiên định của Mỹ trong đảm bảo liên minh vững mạnh trước mọi thách thức, bao gồm mối đe dọa tấn công mạng hay cơ sở hạ tầng quan trọng”.

Mặc dù Tổng thống Biden sẽ không gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc trong chuyến đi này, Bắc Kinh sẽ là một trong những chủ đề chính tại các cuộc thảo luận của lãnh đạo nhóm G7, NATO và EU. 

Lãnh đạo các nước thành viên nhóm G7 dự kiến sẽ công bố một sáng kiến tài chính cho cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển nhằm làm đối trọng với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Lãnh đạo các nước châu Âu cũng sẽ thảo luận các biện pháp ứng phó với các hoạt động kinh tế của Trung Quốc. 

Dự kiến, ông Biden sẽ đề cập đến Trung Quốc trong các cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ngoài ra, hội nghị thượng đỉnh G7 cũng sẽ là một cơ hội cho Tổng thống Mỹ tái tập trung vào “mối quan hệ đặc biệt” giữa Washington và London. Ông Biden sẽ là Tổng thống Mỹ thứ 12 diện kiến Nữ hoàng Anh Elizabeth.

Giới quan sát nhận định, ông Biden là một trong những Tổng thống Mỹ có nhiều kinh nghiệm nhất về đối ngoại. Ông trở thành thượng nghị sĩ từ năm 1973, từng giữ chức Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, đồng thời đóng vai trò quyết định hàng loạt vấn đề toàn cầu then chốt khi giữ chức phó tổng thống Mỹ dưới thời ông Barack Obama. 

Tuy vậy, chuyến thăm này vẫn là một thách thức đối với ông, bởi thế giới, đặc biệt là quan hệ của Mỹ với các nước khác, đã thay đổi rất nhiều trong quãng thời gian 4 năm tại vị của ông Donald Trump.

Duy Tiến
.
.
.