Dấu ấn trong 100 ngày nắm quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Thứ Hai, 26/04/2021, 15:08
Trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tập trung vào cuộc chiến chống COVID-19 và có vẻ những nỗ lực của ông đã được đền đáp, hầu hết những lời hứa trong chiến dịch đã hoàn thành dù còn một số điều vẫn dang dở.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh Getty Images. 

Ông Biden đã thực hiện một số lời hứa từ chiến dịch tranh cử, tập trung vào biến đổi khí hậu và vực dậy nền kinh tế. Dù vậy, vẫn còn khó khăn trong một số vấn đề như nhập cư, khi số trẻ vị thành niên không có người lớn đi cùng vượt biên gia tăng. Ngoài ra, nhiều lời hứa trong chiến dịch của ông vẫn chưa qua được cửa Quốc hội.

Trong hơn 3 tháng đầu, ông chủ Nhà Trắng đã hoàn thành việc đưa ra dự luật cải cách nhập cư lên Quốc hội Mỹ, chấm dứt cái gọi là lệnh cấm đối với những người đến từ một số nước theo Đạo Hồi, đảo ngược một sắc lệnh từ thời người tiền nhiệm theo đó mở rộng tiêu chuẩn trục xuất người nhập cư và quay trở lại nguyên tắc từ thời Obama là ưu tiên trục xuất đối với những người nhập cư có nguy cơ gây ra đe dọa về an ninh quốc gia, an ninh biên giới và y tế. Thêm nữa, tân Tổng thống Mỹ cũng cắt viện trợ và việc xây dựng bức tường biên giới gây tranh cãi.

Một số chính sách đối nội, đối ngoại của ông Biden cũng đã được thực hiện ngay trong 100 ngày đầu này. Phải kể đến việc đảo ngược lệnh cấm người chuyển giới tham gia quân đội, tái tham gia các thỏa thuận và tổ chức quốc tế như WHO, đảm bảo 100 triệu liều vaccine COVID-19 và nâng con số này lên mức ấn tượng 200 triệu, tăng cường năng lực xét nghiệm và thành lập ủy ban xét nghiệm chống dịch, đưa ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng. Đáng chú ý, ông Biden đã đưa ra gói cứu trợ COVID-19 trị giá hàng nghìn tỷ USD, thanh toán trực tiếp 2.000 USD cho mỗi người dân Mỹ đủ điều kiện, ngoài ra, ông cũng tạm dừng các khoản nợ sinh viên.

Ông Biden dành nhiều nỗ lực trong phòng chống đại dịch COVID-19. Ảnh AP. 

Chính quyền Biden đã hủy giấy phép đường ống dẫn dầu Keystone XL, bảo vệ Khu bảo tồn hoang dã cấp quốc gia ở Bắc Cực, tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và chấp nhận Bản sửa đổi Kigali đối với Nghị định thư Montreal để giảm lượng khí thải HFC có hại. Ngoài ra, chính quyền Mỹ đã tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh thế giới về biến đổi khi hậu và thuyết phục các quốc gia đưa ra cam kết về phát thải tham vọng hơn, áp lệnh cấm vô thời hạn đối với các hợp đồng thuê địa điểm khai thác dầu khi tại nhiều vùng đất và biển liên bang.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chính sách của ông Biden chưa hoàn thành hoặc bị đình trệ. Hồi tháng 2/2021, Tổng thống Mỹ ký một lệnh hành pháp chỉ đạo các quan chức xây dựng một chiến lược tị nạn với lời hứa đưa ra một “hệ thống tị nạn nhân đạo” mới. Tuy vậy, cả ông và các phụ tá đều không tính đến thời gian và cũng không đưa ra chi tiết cụ thể. Dù đã loại bỏ một số chính sách từ thời ông Trump, như yêu cầu những người xin tị nạn phải đợi ở Mexico, nhưng vẫn giữ lại quy định gây tranh cãi, theo đó cho phép Cơ quan Hải quan và Biên giới Mỹ trục xuất những người di cư không có giấy tờ hợp pháp để tránh lây lan COVID-19. 

Cũng liên quan đến vấn đề di cư, chính quyền Biden chưa thể nâng giới hạn các trại tị nạn lên 125.000 người như từng công bố. Dù đã tăng các nguồn lực nhân đạo đến biên giới và khuyến khích các đối tác công tư cùng giải quyết vấn đề người tị nạn đang gia tăng, nhưng nhiều chuyên gia vẫn cho rằng như vậy là chưa đủ.

Chính quyền Biden vẫn đang trong quá trình hợp lý hóa và cải thiện quy trình nhập quốc tịch cho những người có thẻ xanh. Ngoài ra, chính quyền của ông vẫn chưa thể tiến hành một hội nghị cấp khu vực, với lãnh đạo từ El Salvador, Guatemala, Honduras, Mexico và Canada, nhằm giải quyết các nguyên nhân dẫn đến di cư và đề xuất một giải pháp cấp khu vực cho vấn đề này. Phó Tổng thống Kamala Harris, người được ông Biden giao trọng trách giải quyết gốc rễ vấn đề di cư, đã có cuộc nói chuyện với lãnh đạo Mexico và Guatemala, tuy nhiên, trước mắt vẫn chưa thể tổ chức một hội nghị cấp khu vực.

Chính quyền Biden đang chứng tỏ vị thế dẫn đầu của Mỹ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ảnh AP. 

Một số cải cách lĩnh vực thực thi pháp luật, vốn được coi là bức thiết tại Mỹ trong thời gian qua, cũng bị bỏ ngỏ. Ông Biden trước đây từng hứa sẽ thành lập một ban giám sát lực lượng hành pháp, tuy nhiên, sau đó chính quyền cho biết đã hủy kế hoạch này sau khi tham vấn với các nhóm dân quyền và liên minh cảnh sát, với lý do kế hoạch sẽ phản tác dụng. 

Dù được mong đợi từ lâu, tuy nhiên, Tổng chưởng lý của Mỹ vẫn chưa đưa ra danh sách các đề xuất cải tổ Cơ quan quản lý Rượu, Thuốc lá và Súng đạn Mỹ cũn như các cơ quan của Bộ Tư pháp nhằm thực hiện luật súng đạn hiệu quả hơn. Giám đốc FBI đến nay chưa đưa ra báo cáo về sự trì hoãn “kiểm tra lai lịch” đối với người mua súng. Trong khi đó, các luật chống bạo lực với phụ nữ hay luật bình đẳng vẫn chưa qua được cửa Quốc hội.

Đến nay, một số chính sách ngoại giao của ông Biden vẫn đang trong quá trình, đáng chú ý là chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan và sự can dự của Mỹ vào cuộc nội chiến ở Yemen. Ông Biden đã thông báo rằng việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan sẽ bắt đầu vào ngày 1/5 và dự kiến hoàn thành vào ngày 11/9, đúng dịp kỷ niệm 20 năm vụ tấn công khủng bố tại New York và Washington DC. 

Ông Biden cũng đang nỗ lực cải thiện quan hệ với các đồng minh, vốn gặp nhiều sóng gió dưới thời ông Trump, như với Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Đồng thời, chính quyền Biden đang nỗ lực quay trở lại đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran dù đến nay, Tehran vẫn từ chối đàm phán trực tiếp.

Duy Tiến (Theo AP)
.
.
.