Những trắc trở trong quan hệ ngoại giao liên Triều

Thứ Sáu, 19/01/2018, 08:14
CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc trong những ngày gần đây liên tục chứng kiến nhiều bước đột phá chưa từng thấy, cũng là những dấu hiệu cho thấy sự “tan băng” trong quan hệ giữa hai miền kể từ sau khi nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un để ngỏ khả năng đối thoại với Hàn Quốc trong thông điệp Năm mới 2018. Tuy nhiên, Seoul và các đồng minh vẫn giữ thái độ thận trọng đối với Bình Nhưỡng.


Ngày 18-1, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã hoan nghênh kết quả đối thoại liên Triều diễn ra trước đó một ngày về việc CHDCND Triều Tiên tham dự Thế vận hội (Olympic) mùa Đông PyeongChang 2018 diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 9 đến 25-2 tới, đánh giá cao kết quả này và coi đây là một cơ hội để giảm căng thẳng giữa hai miền.

Phủ Tổng thống Hàn Quốc cũng bác bỏ những ý kiến cho rằng việc Bình Nhưỡng tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 chỉ để tránh tác động của các biện pháp trừng phạt từ cộng đồng quốc tế, khẳng định việc CHDCND Triều Tiên tham gia có thể góp phần đảm bảo thành công và an toàn của Olympic.

CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí thành lập đội khúc côn cầu nữ chung.

Tổng thống Moon Jae-in cho rằng, việc Bình Nhưỡng tham gia Olympic mùa Đông tạo cơ hội để cải thiện liên Triều cũng như có thể dẫn tới khả năng nối lại đối thoại về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Trước đó, hôm 17-1, hai miền Triều Tiên đã nhất trí thành lập một đội khúc côn cầu trên băng của nữ cho Olympic mùa Đông và các vận động viên cùng quan chức của hai nước sẽ diễu hành chung dưới một “lá cờ thống nhất” trong lễ khai mạc.

Lá cờ được sử dụng tại lễ khai mạc sẽ là biểu tượng cho sự toàn vẹn của bán đảo Triều Tiên. Đây được đánh giá sẽ là một hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng cao cho thấy sự xích lại gần nhau giữa hai miền. Tổng thống Moon Jae-in tin rằng, người dân 2 miền Triều Tiên cũng như trên khắp thế giới sẽ rất cảm động khi được chứng kiến cảnh này, và hy vọng đây sẽ là bước khởi đầu thuận lợi để cải thiện quan hệ Hàn Quốc – CHDCND Triều Tiên trong thời gian tới.

Và không chỉ tham gia Olympic PyeongChang, Bình Nhưỡng cũng sẽ cử đoàn tham gia Thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic vào tháng 3 sau đó. Theo Giáo sư Yang Moo-Jin, Đại học Triều Tiên học, không chỉ Bình Nhưỡng mà cả phía Seoul sẽ nhận được lợi ích qua Olympic PyeongChang.

Sự tin tưởng giữa hai miền sẽ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán 4 bên hoặc 6 bên, và điều này có thể tạo ảnh hưởng tích cực lên việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như tạo nền tảng cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Tuy nhiên, bất chấp đột phá chưa từng thấy giữa hai miền Triều Tiên, Hàn Quốc và các đồng minh vẫn giữ thái độ thận trọng đối với CHDCND Triều Tiên. Seoul cho biết sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán cấp cao với Bình Nhưỡng với “con mắt tinh tường” trong bối cảnh có những đồn đoán cho thấy, CHDCND Triều Tiên đang “câu giờ” để tiếp tục các chương trình hạt nhân của nước này.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi trang mạng 38 North chuyên theo dõi tình hình CHDCND Triều Tiên của Viện Nghiên cứu Mỹ-Triều Tiên thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ) công bố ảnh chụp từ vệ tinh mới đây cho thấy có hoạt động đang diễn ra tại bãi thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) thứ hai của Bình Nhưỡng ngoài khơi bờ biển phía Tây nước này.

Cùng chung quan điểm với Hàn Quốc, Mỹ và đồng minh Nhật Bản cũng tuyên bố sẽ gia tăng áp lực với CHDCND Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bày tỏ tin tưởng, việc gia tăng áp lực sẽ thực sự buộc Bình Nhưỡng phải ngồi vào bàn đàm phán về chương trình hạt nhân và tên lửa. Ông Tillerson cũng cho biết, các biện pháp trừng phạt đang thực sự gây áp lực cho CHDCND Triều Tiên: “Chúng tôi có nhiều bằng chứng cho thấy, các biện pháp trừng phạt đang thực sự gây tổn thương với Triều Tiên”. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nói rằng, giờ chưa phải là lúc giảm áp lực hoặc “chìa cành ô liu” với CHDCND Triều Tiên. Thực tế là Bình Nhưỡng đang cam kết đối thoại. Đây là bằng chứng cho thấy, các biện pháp trừng phạt đang phát huy tác dụng.

Chưa hết, hôm 16-1 vừa qua, theo sáng kiến của Mỹ, đại diện khoảng 20 nước, đều là những nước hỗ trợ Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) đã nhóm họp tại Vancouver (Canada) và thảo luận khả năng tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng nhằm buộc nước này phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, cuộc gặp không có sự góp mặt của Nga và Trung Quốc.

Cuộc họp tại Vancouver đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của CHDCND Triều Tiên, Nga và Trung Quốc. Bình Nhưỡng ngày 18-1 nhấn mạnh, cuộc họp này là nguy hiểm và không có lợi cho hòa bình và an ninh, cũng như các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc nhằm tạo ra một bầu không khí hòa bình, giảm căng thẳng và thúc đẩy hòa giải giữa hai miền. Bình Nhưỡng quyết tâm làm mọi điều có thể để chống lại những biện pháp trừng phạt.

Trong khi đó, theo phía Nga, cuộc họp này chỉ góp phần làm trầm trọng hơn tình hình và làm suy yếu quyền lực của Liên hợp quốc (LHQ).

Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Điều này thật không thể chấp nhận đối với 17 quốc gia thành viên hiện đang đóng vai trò quan trọng trong Hội đồng Bảo an LHQ. Những sự kiện như vậy diễn ra quá vội vàng và gây tổn hại đến mối quan hệ đa phương, không góp phần bình thường hóa tình hình căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên hiện tại mà thậm chí còn làm suy yếu và đi ngược lại mong muốn của cộng đồng quốc tế”.

Còn Trung Quốc thì đánh giá hội nghị này không chính đáng khi không có sự tham dự của tất cả các bên có vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề. Cả Moscow và Bắc Kinh đều cho rằng, điều này sẽ gây ảnh hưởng tới những tín hiệu tích cực mới chỉ nhen nhóm trên bán đảo Triều Tiên trong những ngày vừa qua.

Khổng Hà
.
.
.