Những nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột Nagorno-Karabakh
- Giao tranh ở Nagorno-Karabakh khiến 5 nghìn người thiệt mạng
- Armenia - Azerbaijan đồng ý ngừng bắn tại Nagorno-Karabakh
- Lính đánh thuê ở Nagorno-Karabakh: Họ là ai?
Cũng giống như các cuộc gặp diễn ra hồi tuần trước ở Thủ đô Moscow (Nga), cả Armenia và Azerbaijan đều từ chối gặp trực tiếp. Theo đó, Ngoại trưởng Azerbaijan Jeyhun Bayramov đã gặp ông Mike Pompeo trong 40 phút. Một lúc sau khi Ngoại trưởng Azerbaijan rời đi, Ngoại trưởng Armenia đã đến gặp người đồng cấp Mỹ.
Trong cả hai cuộc gặp, Ngoại trưởng Mike Pompeo đều nhấn mạnh “sự cần thiết phải chấm dứt bạo lực và bảo vệ dân thường”, đồng thời nhắc lại lập trường của Mỹ rằng xung đột cần được giải quyết trên các nguyên tắc “không sử dụng hoặc đe dọa vũ lực, toàn vẹn lãnh thổ, quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc”.
Ngoại trưởng Mike Pompeo (phải) và người đồng cấp Jeyhun Bayramov tại cuộc gặp ở Thủ đô Washington hôm 23/10. |
Trong khi đó, Ngoại trưởng Jeyhun Bayramov cho biết ông đã từng nói rằng “sự chiếm đóng của người Armenia phải chấm dứt” ở Nagorno-Karabakh, một khu vực biên giới được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan, được kiểm soát bởi quân ly khai Armenia do Yerevan hậu thuẫn. “Chúng tôi cam kết tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột và sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán thực chất ngay lập tức”, ông Jeyhun Bayramov nói trong một tuyên bố sau cuộc hội đàm, “Armenia phải ngừng né tránh các cuộc đàm phán có ý nghĩa và chọn hòa bình lâu dài”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Armenia nhấn mạnh “hành động gây hấn này của phía Azerbaijan diễn ra với sự can dự trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ, được thể hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật quân sự trực tiếp, với việc chiêu mộ quân khủng bố từ khu vực”. Phát biểu với báo chí trước thềm cuộc gặp, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cho thấy sự thận trọng khi nhấn mạnh, hai lệnh ngừng bắn trước đó đã không được các bên tôn trọng. Ông thừa nhận, đây là một tình huống ngoại giao phức tạp.
Trong khi Ngoại trưởng Mỹ đưa ra phát biểu này thì giao tranh ác liệt vẫn nổ ra tại Nagorno-Karabakh. Hai bên không ngừng đổ lỗi cho nhau pháo kích vào các khu dân cư. Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây cảnh báo mức độ nghiêm trọng của cuộc xung đột khi nhấn mạnh tổng số người chết sau gần 4 tuần giao tranh đã lên tới gần 5.000 người, cao hơn đáng kể so với báo cáo chính thức của các bên tham chiến.
“Tôi vẫn liên lạc chặt chẽ với các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan. Tôi nói chuyện với họ qua điện thoại nhiều lần trong ngày. Các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, người đứng đầu cơ quan tình báo của chúng tôi luôn liên lạc với nhau. Có rất nhiều thương vong cho cả hai bên và theo số liệu của chúng tôi là hơn 2.000 người mỗi bên, tức là con số thương vong chung là gần 5.000”, nhà lãnh đạo Nga cho hay. Người đứng đầu Điện Kremlin cũng cho biết đang nỗ lực hết sức để đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài, đồng thời bày tỏ hi vọng về một vai trò tích cực hơn của Mỹ nhằm giúp chấm dứt các hành động thù địch, cũng như làm trung gian cho một giải pháp chính trị.
Trong cuộc điện đàm hôm 20/10, Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã cùng nhất trí rằng, Armenia và Azerbaijan nên khởi động lại các cuộc đàm phán quan trọng. Thông báo của Điện Kremlin nêu rõ: “Các diễn biến trong khu vực xung đột tại Nagorny-Karabakh đã được thảo luận chi tiết. Tổng thống Vladimir Putin nói về các bước được thực hiện để ngăn chặn sự leo thang hơn nữa chiến sự và nhanh chóng nối lại các cuộc đàm phán để đạt được một dàn xếp chính trị và ngoại giao cho Nagorny-Karabakh”.
Hai nhà lãnh đạo Nga và Pháp cùng nhấn mạnh sẵn sàng tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ Nhóm Minsk - thuộc Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) - do Nga, Pháp và Mỹ làm đồng chủ tịch, vốn tập trung vào vấn đề Nagorny - Karabakh và trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mà hai nước là ủy viên thường trực. Hiện Nga, Mỹ và các cường quốc trên thế giới đang tìm cách thuyết phục các bên xung đột tại Nagorny-Karabakh ngừng cuộc giao tranh vốn đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Các nhà lãnh đạo trên thế giới đều nhiều lần khẳng định chỉ có giải pháp ngoại giao mới được chấp nhận trong cuộc xung đột này.
Tuy vậy, chỉ riêng Thổ Nhĩ Kỳ không ngần ngại công khai sự ủng hộ của mình với Azerbaijan, khẳng định vấn đề Nagorno-Karabakh có thể giải quyết bằng vũ lực, tức quân sự. Ankara hôm 21/10 nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với Azerbaijan và sẵn sàng hỗ trợ nước này cả trên bàn đàm phán lẫn trên chiến trường. Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay tuyên bố Ankara sẵn sàng triển khai binh sĩ tới Azerbaijan để hỗ trợ nước này trong cuộc xung đột với Armenia tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.
“Tổng thống của chúng tôi (Recep Tayyip Erdogan) đã thông báo điều này ngay từ ngày đầu tiên (kể từ khi xung đột bùng phát hôm 27-9). Thổ Nhĩ Kỳ không ngần ngại và Tổng thống của chúng tôi cũng không do dự”, ông Oktay trả lời phỏng vấn đài CNN.
Đáp lại, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan nhấn mạnh các quốc gia trong khu vực phải thể hiện thái độ nghiêm túc hơn đối với những người ông mô tả là “lính đánh thuê khủng bố” ở Nagorno-Karabakh. Ông Nikol Pashinyan cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đưa lính đánh thuê khủng bố từ Syria tới Nagorno-Karabakh để hỗ trợ Azerbaijan. Theo ông, điều này đặt ra mối đe dọa lớn cho khu vực.
“Đáng tiếc, những quốc gia trong khu vực không đủ nghiêm túc khi phản ứng với thực tế này. Chắc chắn sự hiện diện của những kẻ khủng bố nước ngoài sẽ đặt ra đe dọa cho khu vực trong tương lai. Những quốc gia trong khu vực phải giải quyết vấn đề này nghiêm túc hơn”, ông nói. Chính phủ Armenia nhiều lần cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ trực tiếp can dự vào cuộc xung đột Nagorno-Karabakh. Giới lãnh đạo Armenia tin rằng Ankara không chỉ triển khai binh sĩ của họ tới giúp Azerbaijan mà còn đưa lính đánh thuê thuộc các nhóm khủng bố mà nước này kiểm soát ở Syria tới khu vực.