Những điều chưa biết về 9 ứng viên tranh cử Tổng Giám đốc UNESCO

Thứ Tư, 22/03/2017, 09:38
Trung tuần tháng 3, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã chấp nhận hồ sơ và công bố danh sách 9 ứng cử viên chung cuộc tranh cử cho chức vụ Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa hoc và Văn hóa của LHQ (UNESCO). Việt Nam lần đầu tiên có ứng viên tham gia là Đại sứ Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao. 


Theo Hiến chương của UNESCO, vị trí Tổng Giám đốc - người điều hành cao nhất của UNESCO sẽ do Hội đồng điều hành đề cử và được Đại hội đồng bổ nhiệm với nhiệm kỳ là 4 năm. Vị trí này có thể được bổ nhiệm thêm một nhiệm kỳ và chỉ được bầu nhiều nhất là 2 nhiệm kỳ. 

Thông thường, Chủ tịch Hội đồng điều hành mời các nước thành viên nộp danh sách các ứng cử viên có thể phù hợp với vị trí Tổng Giám đốc rồi sau đó công bố danh sách các ứng viên được đề cử. Hôm 17-3 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng điều hành của UNESCO Michael Vorbs đã thông báo chính thức tên của 9 ứng cử viên vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO, trong đó có Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Phạm Sanh Châu.

Trụ sở UNESCO. Ảnh: Azernews

Năm nay 55 tuổi, Đại sứ Phạm Sanh Châu là nhà ngoại giao Việt Nam đầu tiên được đề cử làm ứng viên cho vị trí Tổng Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021. Lễ công bố đề cử này của Đại sứ Phạm Sanh Châu đã được Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức hồi tháng 7 năm ngoái tại Đà Nẵng với sự hiện diện của một số tổ chức LHQ và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Đại sứ Phạm Sanh Châu thành thạo 2 ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Pháp, từng phiên dịch cho nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam trong giai đoạn 1986-1996 và từng là Đại sứ Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2011 đến năm 2014. 

Năm 1999, trên cương vị Đại sứ cạnh UNESCO, Đại sứ Phạm Sanh Châu từng tham gia vận động để UNESCO công nhận và trao danh hiệu “Thành phố vì hoà bình” cho Thủ đô Hà Nội. Từ năm 1999-2003, Đại sứ Phạm Sanh Châu là Trưởng Phái đoàn Đại diện Việt Nam tại UNESCO. 

Trong thời kỳ đảm nhiệm vị trí Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) kiêm Tổng thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Đại sứ là người đã có nhiều năm gắn bó với các hoạt động văn hóa, di sản và UNESCO. 

Đặc biệt, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã giới thiệu và vận động thành công các di sản của Việt Nam như Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ca trù, quan họ Bắc Ninh, Hoàng thành Thăng Long và Hội Gióng ở Phù Đổng, Sóc Sơn, Hà Nội trở thành di sản thế giới được UNESCO công nhận. 

Tại kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 38 năm 2015, Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng có nhiều đóng góp thiết thực trong việc Ủy ban Khoa học Tự nhiên trực thuộc UNESCO nhất trí đưa 2 Trung tâm quốc tế về Toán học, Vật lý của Việt Nam là Trung tâm dạng 2 được UNESCO công nhận và bảo trợ. 

Các Trung tâm dạng 2 được UNESCO bảo trợ có tầm nhìn, sứ mệnh nghiên cứu, đào tạo trong chuyên ngành cho khu vực và quốc tế, phù hợp với chính sách, chiến lược của UNESCO. Hiện UNESCO đã công nhận và bảo trợ 98 Trung tâm Khoa học dạng 2, trong đó có 49 Trung tâm thuộc lĩnh vực Khoa học Tự nhiên. Riêng trong khu vực ASEAN, UNESCO đã công nhận và bảo trợ 2 Trung tâm Khoa học của Malaysia và 1 Trung tâm Khoa học của Indonesia.

Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng từng được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm và Huân chương Danh dự, Đại Hoàng gia hạng nhất của Vương quốc Bỉ vì đã góp phần tăng cường, thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Bỉ trên nhiều mặt như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, công tác cộng đồng... vì lợi ích chung của hai nước.

Đại sứ Phạm Sanh Châu, ứng viên của Việt Nam tranh cử vị trí Tổng Giám đốc UNESCO.

Hãng tin AP cho biết, 9 ứng cử viên lần này đến từ 4 châu lục và 5 nhóm bầu cử, những người đã vượt qua vòng loại đầu tiên để tham gia vào sự kiện 8 năm mới có một lần và diễn ra trong vòng 8 tháng nhằm chọn ra Tổng Giám đốc mới cho UNESCO. Cuộc bỏ phiếu kín bầu tân Tổng Giám đốc UNESCO sẽ được tiến hành vào tháng 11 năm nay tại Đại hội của UNESCO và tân Tổng Giám đốc UNESCO sẽ quản lý ngân sách 676 triệu USD, 2.500 nhân sự thuộc 200 quốc tịch và gần 70 văn phòng, trung tâm thuộc UNESCO. 

Ngoài đại diện của Việt Nam là Đại sứ Phạm Sanh Châu, 8 ứng viên còn lại gồm: Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập, nguyên Bộ trưởng Y tế, đại diện cho châu Phi Moushira Khattab; Cố vấn cao cấp của Quốc vương Qatar, nguyên Bộ trưởng Văn hoá, Nghệ thuật và Di sản Hamad bin Abdulaziz al-Kawari; nguyên Bộ trưởng Y tế Iraq Saleh al-Hasnawi; Cố vấn Cao cấp Bộ Văn hoá Lebanon Vera el-Khoury Lacoeuilhe; nguyên Phó Tổng thống Guatemala Juan Alfonso Fuentes Soria đại diện cho châu Mỹ; nguyên Bộ trưởng Văn hoá Azerbaijan Polad Bulbuloglu, đại diện nhóm Đông Âu; Trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO, phụ trách Giáo dục Qian Tang; Bộ trưởng Văn hoá Pháp Audrey Azoulay.

Trong số 8 ứng viên này thì có hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Polad Bulbuloglu và Moushira Khattab. Ứng cử viên đại diện cho nhóm Đông Âu, ông Polad Bulbuloglu là một ca sĩ, diễn viên, nhà chính trị và nhà ngoại giao Liên Xô (cũ) và Azerbaijan. Ông đã trở nên nổi tiếng ở Liên Xô (cũ) với việc sáng tác các bài hát nhạc jazz có ảnh hưởng đến cảm xúc dân gian Azeri bằng tiếng Nga và tiếng Azerbaijan. 

Nguyên Bộ trưởng Văn hoá Azerbaijan được gắn ngôi sao tại Quảng trường Người biểu diễn Moskva khánh thành năm 2000 và đã nhận bằng Tiến sĩ về Lịch sử nghệ thuật của Học viện Văn hóa quốc gia Azerbaijan và là GS danh sự của Đại học Văn hóa và nghệ thuật Azerbaijan. 

Trong khi đó, Đại sứ Moushira Khattab là một nhà hoạt động nhân quyền của Ai Cập và là nhà hoạt động vì quyền con người ủng hộ quyền của trẻ em và phụ nữ, đồng thời là cựu Chủ tịch của Ủy ban LHQ về Quyền của trẻ em đặt trụ sở chính tại LHQ tại Geneva, Thụy Sĩ. Bà Moushira Khattab cũng là thành viên của một số hiệp hội như Hội đồng Lãnh đạo Phụ nữ để chống lại nạn buôn người bao gồm trẻ em, UNGIFT- Vienna 2008.

Bà đã chỉ đạo nhóm chuyên gia liên chính phủ của LHQ xây dựng Hướng dẫn của LHQ về công lý cho các vấn đề liên quan đến trẻ em. Đặc biệt, Đại sứ Moushira Khattab là người nhận được nhiều giải thưởng và trật tự quốc tế khác nhau để ghi nhận công việc của bà trong cả ngoại giao quốc tế và phát triển xã hội, con người.

Năm 2010, bà được Tổng thống Italia trao tặng Knight Grand Cross của nước Cộng hòa Italia. Năm 2008, Bộ Ngoại giao Mỹ trao tặng bà Giải thưởng Nữ quyền can đảm quốc tế. Trước đó một năm, bà được nhận Huân chương Tư lệnh Cộng hòa Italia. Năm 1999, bà được Tổng thống Nam Phi trao tặng Huân chương Hy vọng tốt, thứ tự cao nhất có thể được trao cho người nước ngoài ở Nam Phi.

Châu Anh (tổng hợp)
.
.
.