Nhật Bản – Hàn Quốc lún sâu vào vòng xoáy căng thẳng

Thứ Năm, 29/08/2019, 08:00
Nhật Bản ngày 28-8 chính thức bãi bỏ quy chế đối tác thương mại ưu đãi đối với Hàn Quốc, kéo theo những động thái đáp trả cứng rắn từ phía Seoul. Giới quan sát lo ngại các bước đi này có thể đẩy hai nước vào sâu trong vòng xoáy căng thẳng mới vì những mẫu thuẫn cũ.

Trong tuyên bố được đưa ra tại cuộc họp nội các sau khi Nhật Bản sáng 28-8 chính thức thực thi quyết định loại Hàn Quốc khỏi danh sách các đối tác thương mại ưu tiên, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon khẳng định Chính phủ Hàn Quốc sẽ xúc tiến “không chậm trễ” việc khiếu kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về “sự trả đũa kinh tế không công bằng” của Nhật Bản. 

Ông Lee Nak-yeon cũng thông báo đã triệu Đại sứ Nhật Bản ở nước này tới để phản đối. Bằng một thái độ cứng rắn, ông Lee nhấn mạnh, Seoul yêu cầu Tokyo ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết bất đồng. “Chúng tôi một lần nữa đề nghị Nhật Bản kiềm chế, không làm xấu thêm tình hình và phản hồi chân thành lời đề nghị đối thoại của chúng tôi để khôi phục quan hệ”, Thủ tướng Hàn Quốc nói, theo Reuters.

Thủ tướng Lee Nak-yeon trong ngày 28-8 cũng đích thân chủ trì một hội nghị ở cấp bộ trưởng để bàn về biện pháp ứng phó. Seoul theo đó quyết định chi 5.000 tỷ won (4,1 tỷ USD) trong 3 năm, từ năm 2020, hỗ trợ phát triển công nghệ lõi cho các ngành công nghiệp chủ lực nhằm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, chấm dứt sự phụ thuộc vào các mặt hàng của Nhật Bản, đồng thời tìm cách thức đa dạng nguồn cung từ các đối tác khác trên thế giới. 

Chính phủ Hàn Quốc thậm chí thành lập một “Ủy ban đặc biệt về công nghệ vật liệu, linh kiện, trang thiết bị” gồm quan chức các ban, ngành hữu quan và chuyên gia hàng đầu đất nước phục vụ nỗ lực trên. 

Tuy nhiên, Seoul cũng thừa nhận việc này sẽ tốn kém nhiều thời gian và tiền bạc, bởi các mặt hàng được nhập khẩu từ Nhật Bản đa phần là các linh kiện công nghệ cao do người Nhật độc quyền sản xuất. Cho đến khi các biện pháp trên mang lại hiệu quả tích cực, doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ phải tự “gồng gánh” thiệt hại kinh tế từ bước đi của Nhật Bản.

Những tấm biển tuyên bố không mua bán hàng hóa Nhật Bản tràn ngập siêu thị ở Hàn Quốc vì tình hình căng thẳng giữa hai nước. Ảnh: AP

Trước đó, từ ngày 12-8, phía Hàn Quốc tuyên bố sẽ loại Tokyo khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy của nước này để trả đũa. Seoul cho biết, các công ty Hàn Quốc xuất khẩu sang Nhật Bản sẽ phải xin xét duyệt với từng trường hợp. 

Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Sung Yun-mo thông tin, thay đổi trên sẽ có hiệu lực ngay trong tháng 9 này. Hiện vẫn chưa rõ lệnh thắt chặt xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ ảnh hưởng đến Nhật Bản ở mức độ nào, nhưng doanh nghiệp Nhật ở Hàn Quốc gần đây cảm nhận rõ thiệt hại khi họ vấp phải phong trào tẩy chay hàng hóa từ người tiêu dùng. 

Ngành Du lịch của Nhật Bản cũng hứng thiệt hại không nhỏ khi Hãng hàng không Hàn Quốc Korean Air cách đây một tuần tuyên bố ngừng bay tới một số thành phố của Nhật Bản do lượng khách sụt giảm kỳ lục.

Hàn Quốc vốn nằm trong “danh sách trắng” của Nhật Bản gồm 27 quốc gia không cần bị áp dụng các thủ tục kiểm tra nghiêm ngặt khi nhập khẩu từ Nhật Bản 1.100 “mặt hàng chiến lược” được sử dụng cho mục đích dân sự và quân sự. 

Đối với những nước không thuộc danh sách này, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản sẽ xem xét phê duyệt từng lô hàng trước khi xuất khẩu. Việc Seoul bị loại khỏi “danh sách trắng” khiến doanh nghiệp Hàn Quốc không thể chủ động được nguồn cung linh kiện cho các sản phẩm công nghệ cốt lõi, vốn đóng vai trò chủ đạo trong nền công nghiệp của nước này.

Quyết định loại Seoul khỏi danh sách trên được nội các Nhật Bản thông qua ngày 2-8, gần 4 tuần sau một quyết định khác của Tokyo hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao cần thiết với các hãng sản xuất chất bán dẫn và màn hình của Hàn Quốc. 

Nhật Bản thông báo việc siết chặt quy định xuất khẩu là để duy trì an ninh quốc gia còn Seoul cho đây là biện pháp trả đũa việc các tòa án Hàn Quốc cuối năm 2018 phán quyết một số công ty Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong thời chiến. 

Nhật Bản từ lâu khẳng định vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn thực hiện phán quyết của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản, khiến Tokyo nổi giận.

Sau các động thái leo thang căng thẳng đầu tiên hồi tháng 7, giới chức hai nước tiến hành không ít cuộc tiếp xúc để giải quyết bất đồng nhưng bất thành. 

Trong hai cuộc gặp diễn ra hôm 1-8 bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần 52 ở Bangkok và cuộc gặp tại Bắc Kinh hôm 21-8 nhân dịp dự tọa đàm ba bên Hàn-Nhật-Trung, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Nhật Kono Taro tiếp tục thất bại trong việc thu hẹp khác biệt. 

Ở cấp cao nhất, truyền thông Nhật Bản nói rằng Thủ tướng Shinzo Abe không có kế hoạch gặp mặt Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhân cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở Mỹ vào tháng 9 tới.

Ngoài diễn biến xấu đi trong lĩnh vực hợp tác thương mại, quan hệ Hàn Quốc và Nhật Bản đang chứng kiến căng thẳng leo thang trong lĩnh vực chính trị và an ninh. 

Tuần trước, Hàn Quốc bất ngờ tuyên bố hủy bỏ GSOMIA (Thỏa thuận an ninh chung về Thông tin Quân sự) mà Seoul và Tokyo ký kết năm 2016. Đây là cơ chế chia sẻ thông tin tình báo rất quan trọng giữa hai đồng minh Đông Bắc Á của Mỹ. 

Phía Nhật lập tức tỏ ra bất bình với động thái này. Ngoài ra, tranh cãi giữa hai bên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ tại nhóm đảo Dokdo/Takeshima gần đây cũng có dấu hiệu nóng lên, khiến tình hình thêm phức tạp. 

Những tuần qua, với tư cách là đồng minh của cả hai, Washington đã thúc giục Hàn Quốc và Nhật Bản tìm kiếm “những giải pháp sáng tạo” cho các bất đồng song phương. Mỹ cũng khẳng định sẽ làm tất cả để hạ nhiệt căng thẳng kinh tế và chính trị giữa hai đồng minh quan trọng nhất khu vực, song chưa đạt kết quả. 

Giới chuyên gia cảnh báo, nếu Nhật Bản và Hàn Quốc tốn quá nhiều thời gian để tìm kiếm lối thoát cho căng thẳng và tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế kinh tế lẫn nhau thì đó sẽ là cơ hội cho giới doanh nghiệp Trung Quốc vươn lên chiếm lĩnh thị phần, điều mà cả Tokyo, Seoul và Washington không dễ dàng chấp nhận.

Thiện Minh
.
.
.