Hàn Quốc - Nhật Bản: Tranh cãi chính trị, thương mại lan sang an ninh, tình báo

Thứ Ba, 27/08/2019, 11:08
Hôm 25-8, các lực lượng Hàn Quốc đã bắt đầu 2 ngày diễn tập mở rộng xung quanh hòn đảo Dokdo/Takeshima mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền. Sự kiện khiến cho căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước láng giềng Đông Bắc Á này ngày càng leo thang, nhất là khi Seoul tuyên bố huỷ bỏ Hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo với Tokyo.


Từ cuộc tập trận gây tranh cãi

Thông báo từ Hàn Quốc cho hay, tham gia cuộc tập trận kéo dài 2 ngày ở hòn đảo Dokdo/Takeshima có các lực lượng hải quân, không quân và lục quân Hàn Quốc, gồm nhiều tàu chiến, máy bay chiến đấu cũng như các binh sĩ của lực lượng bộ binh và lính thuỷ đánh bộ. 

"Cuộc tập trận kiểu này được tiến hành từ năm 1986, định kỳ 2 lần/năm (thường vào tháng 6 và tháng 12). Tuy nhiên, cuộc tập trận vào tháng 6 năm nay đã bị lùi lại trong bối cảnh leo thang căng thẳng thương mại Hàn-Nhật", hãng Yonhap dẫn lời một quan chức quốc phòng Hàn Quốc. 

Ko Min-jung, phát ngôn viên của Phủ Tổng thống Hàn Quốc thì nhấn mạnh, cuộc tập trận là một cuộc tập trận thường niên và không nhằm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào. "Đó là một bài tập để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ của chúng tôi", bà Ko min-jung nói với các phóng viên ở Seoul.

Trong khi đó, hải quân Hàn Quốc cho biết đã thay đổi tên của cuộc tập trận thành "Bài tập bảo vệ lãnh hải phía Đông", phản ánh quy mô và ý nghĩa của cuộc tập trận nhằm củng cố quyết tâm của quân đội nhằm bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. 

Các cuộc tập trận trước đây được gọi là "Tập trận phòng thủ Dokdo". Tuy nhiên, quan chức này cũng thừa nhận, cuộc tập trận lần này bao gồm nhiều lực lượng Hàn Quốc hơn đáng kể so với trước đây và kéo dài một khu vực rộng lớn hơn trên biển giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. "Lần đầu tiên các cuộc tập trận bao gồm tàu khu trục trang bị Aegis và lực lượng đặc biệt của quân đội", hãng Reuters viết.

Phản ứng về động thái này, Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định cuộc tập trận của hải quân Hàn Quốc là "không thể chấp nhận được" và kêu gọi Hàn Quốc ngừng tập trận. "Hòn đảo Dokdo/Takeshima rõ ràng là một phần vốn có của lãnh thổ Nhật Bản", Kenji Kanasugi, người đứng đầu Vụ các vấn đề châu Á và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, nói với Đại sứ Hàn Quốc tại Tokyo: "Cuộc tập trận này không thể diễn ra". 

Theo tờ Nikkei, Tokyo và Seoul từ lâu đã tranh chấp về vấn đề chủ quyền của nhóm đảo nhỏ tên là Takeshima trong tiếng Nhật và Dokdo theo tiếng Hàn Quốc, nằm ở giữa các nước láng giềng Đông Á trên biển Nhật Bản. Sự đối đầu nơi đây đang được đẩy lên tới mức cao hơn sau những căng thẳng về chính trị-thương mại và mới đây nhất là an ninh-tình báo giữa hai nước.

Các lực lượng Hàn Quốc tham gia cuộc diễn tập ở đảo Dokdo/Takeshima. ảnh: Yonhap.

Và nỗi lo của các nước

Trên thực tế, quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản luôn trong tình trạng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" nhưng bắt đầu xấu đi hơn vào cuối năm ngoái sau một cuộc tranh chấp ngoại giao về bồi thường cho những người lao động bị ép buộc thời chiến trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc từ năm 1910 đến năm 1945. 

Một phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc đã cho phép các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong Thế chiến II tìm kiếm sự bồi thường từ các công ty Nhật Bản. Hàn Quốc cũng đóng cửa một quỹ do Nhật Bản tài trợ, hỗ trợ những phụ nữ  Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục trong chiến tranh. Cả hai hành động này đã khiến Chính phủ Nhật Bản phải hạ cấp quan hệ thương mại với Hàn Quốc. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố rằng "chúng tôi sẽ không bao giờ thua Nhật Bản". Nhật Bản thì thắt chặt các biện pháp xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao cần thiết cho ngành công nghiệp chip của Hàn Quốc, và một lần nữa trong tháng này, Tokyo tuyên bố sẽ loại bỏ tình trạng xuất khẩu nhanh chóng của Hàn Quốc. 

Seoul cũng có những động thái đáp trả tương xứng và động thái được cho là có tác động xấu nhất tới quan hệ của 2 quốc gia láng giềng này trong bối cảnh khu vực Đông Bắc Á nóng lên từng ngày vì các cuộc phóng thử tên lửa của Triều Tiên là việc Hàn Quốc tuyên bố chấm dứt Hiệp định trao đổi thông tin tình báo với Nhật Bản được ký kết từ năm 2016.

Theo tờ Joongang Daily của Hàn Quốc, Seoul và Tokyo đã liên lạc về các vấn đề tình báo quân sự ít nhất 7 lần trong năm nay. Điều đó bao gồm các cuộc trao đổi về các cuộc thử nghiệm tên lửa tầm ngắn gần đây của Triều Tiên, ngay cả sau khi Tokyo quyết định hạ cấp mối quan hệ thương mại với Seoul. 

Tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho biết Tokyo mong muốn tiếp tục chia sẻ thông tin tình báo, đặc biệt là về Triều Tiên. Và ngay sau khi Hàn Quốc tuyên bố chấm dứt thoả thuận này, ông Taro Kono đã cảnh báo, quyết định của Seoul "hoàn toàn hiểu sai về tình hình an ninh ở Đông Bắc Á".

Nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với hai đồng minh tại Đông Bắc Á, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều là "đối tác và bạn bè tuyệt vời" của Mỹ. "Chúng tôi thất vọng khi thấy quyết định mà người Hàn Quốc đưa ra về thỏa thuận chia sẻ thông tin đó", ông Mike Pompeo nói trong chuyến thăm Canada hôm 22-8.

Chi Anh
.
.
.