Nga “đáp trả” biện pháp trừng phạt mới của Mỹ
Nga đáp trả như thế nào?
Những biện pháp gây áp lực nhằm trừng phạt Nga thường xuyên được Mỹ thông qua từ năm 1949, còn từ năm 1974 tới nay, chưa một ngày nào mà Nga không bị một hạn chế nào đó.
Trong vòng gần nửa thế kỷ, Nga chưa bao giờ được giới quyền uy ở Mỹ xem như là một quốc gia thân thiện cho dù ở dưới chế độ kinh tế - chính trị nào đi nữa, chính sách đối nội và đối ngoại ra sao, bất kể lãnh đạo đất nước là ai. Tuy nhiên, cho tới nay, Nga vẫn đang tỏ ra “kiên nhẫn” đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Mặc dù vậy, Moskva cũng đã có động thái đáp trả.
Quan hệ Nga – Mỹ nếu được cải thiện sẽ là điều có lợi rất lớn cho thế giới. |
Hôm 28-7, Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố 2 biện pháp đáp trả đầu tiên. Theo đó, đến ngày 1-9, Mỹ sẽ phải triệu hồi số lượng nhân viên đang làm việc tại Đại sứ quán Mỹ ở Moskva, Tổng lãnh sự quán ở ST Petersburg, Yekaterinburg và Vladivostok, tương đương với số lượng cán bộ ngoại giao và nhân viên kỹ thuật của Nga đang làm việc tại Mỹ.
Như vậy, tổng số nhân viên các đơn vị ngoại giao và lãnh sự quán của Mỹ tại Nga giảm từ 755 người xuống còn 455 người. Đây là vụ trục xuất ngoại giao ồ ạt nhất trong thực tiễn thế giới và Washington rõ ràng cũng không mong chờ biện pháp trả đũa mạnh mẽ đến vậy.
Bên cạnh đó, Nga còn quyết định cấm Đại sứ quán Mỹ tại Nga sử dụng nhà kho trên phố Dorognaya ở Moskva và nhà nghỉ ở khu Serebryany kể từ ngày 1-8. Những bước đi nói trên nhằm trả đũa các biện pháp được Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama thông qua mà vi phạm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961.
Nga còn có thể trả đũa Mỹ trong lĩnh vực quan hệ quốc tế. Cụ thể là, Moskva cần phải tiến hành phân tích những điểm mâu thuẫn với Washington và chia tách những vấn đề mà ở đó việc từ chối hành động mang tính xây dựng với Mỹ gây thiệt hại cho lợi ích và tham vọng của Mỹ với những vấn đề mà ở đó việc chấm dứt hợp tác làm suy yếu an ninh quốc gia Nga.
Ví dụ, Mỹ đang theo đuổi chính sách tiêu chuẩn kép, gia tăng sức ép lên CHDCND Triều Tiên và Iran (và có đòi hỏi tương tự với Nga và Trung Quốc) nhằm mục tiêu dừng thực hiện các chương trình hạt nhân và tên lửa của họ, nhưng lại nhắm mắt làm ngơ trước những hành động tương tự của các đồng minh là Israel, Pakistan, Ấn Độ.
Nga còn có thể quyết liệt hơn nữa trong việc chống lại những âm mưu của Mỹ thay đổi những chế độ không có lợi cho họ ở Trung Đông và Bắc Phi, cũng như chấm dứt ủng hộ những hành động không nhất quán của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan.
Các biện pháp trả đũa còn có thể được thể hiện ngay trong việc hạn chế trực tiếp thương mại song phương và áp lực hành chính đối với các công ty Mỹ tại Nga, đặc biệt là các công ty hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, tiêu dùng và công nghệ thông tin.
Tuy nhiên, các biện pháp trả đũa cần phải nhằm chống lại các đại diện chính thức của Mỹ trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, kinh tế, quân sự và những lợi ích khác của Mỹ nói chung, nhưng trong chừng mực có thể không đụng chạm đến dân thường 2 nước. Đối với các mối quan hệ và tiếp xúc giữa nhân dân 2 nước trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa, y tế, xã hội… cần phải thể hiện sự cân nhắc và thận trọng tối đa.
Tổng thống Mỹ có thể làm gì cho quan hệ Nga - Mỹ?
Đối với Tổng thống Trump vào thời điểm này, cải thiện quan hệ với Nga dường như là điều không thể. Nga vẫn là nước lớn hết sức quan trọng trên thế giới và đang liên tục tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Ngoài ra, hiện nay Mỹ còn muốn xử lý cục diện phức tạp ở Trung Đông…
Và để thực hiện được việc này, không thể thiếu sự giúp đỡ của Nga. Có phân tích cho rằng, chính sách đối ngoại của Chính quyền Tổng thống Trump hiện nay là lấy ổn định làm ưu tiên hàng đầu, không để mất đi lợi ích đã có, nhưng cũng không làm cho tình hình leo thang.
Nhưng, hiện có rất nhiều chính sách đối ngoại mà người đứng đầu Nhà Trắng không thể đưa ra quyết định, nhất là sự trừng phạt đối với Moskva. Theo các chuyên gia Nga, Tổng thống Trump không thể đối đầu với lưỡng viện Quốc hội Mỹ trong vấn đề này.
Vì vậy, ông đáp ứng nguyện vọng của đa số mọi người để tăng cường trừng phạt Nga cũng vì không có lựa chọn nào khác. Nếu ông không làm vậy thì những cáo buộc “hacker Nga giúp Trump giành thắng lợi” và “Trump kết nối với Nga trong thời kỳ tranh cử” không biết đến khi nào mới được xóa bỏ.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Nhà Trắng hiện đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, nên có thể quan hệ với Nga đã không phải là điều quan trọng mà ông xem xét.
Căng thẳng trong mối quan hệ Nga – Mỹ bấy lâu nay đã gây ảnh hưởng tiêu cực đối với rất nhiều nước. Châu Âu lo ngại sẽ mất đi sự cung ứng năng lượng của Nga, Trung Đông tiếp tục sa lầy trong cuộc chiến ủy nhiệm. Vì vậy, tác động của mâu thuẫn Nga – Mỹ đối với cộng đồng quốc tế là không nhỏ. Nếu hai bên có thể nhanh chóng cùng nỗ lực cải thiện quan hệ, đây sẽ là điều có lợi rất lớn cho thế giới.