Nga – Trung Quốc phản ứng sau lệnh trừng phạt của Mỹ

Thứ Năm, 24/08/2017, 08:15
Ngày 22-8 (giờ địa phương), Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố các lệnh trừng phạt mới nhằm vào các tổ chức cũng như công dân Nga và Trung Quốc, với cáo buộc hỗ trợ chương trình tên lửa hạt nhân gây tranh cãi của CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên). Đáp lại, hai cường quốc này đã lên tiếng phản đối và chỉ trích gay gắt các lệnh trừng phạt đơn phương nằm ngoài khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà phía Mỹ đưa ra.


Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ ngày 22-8 đã liệt 10 tổ chức và 6 cá nhân vào danh sách đen vì bị phát hiện ủng hộ chương trình tên lửa của Triều Tiên hoặc có quan hệ thương mại với nước này trong lĩnh vực năng lượng.

Văn phòng quản lý tài sản nước ngoài Mỹ sau đó đã nêu đích danh 10 tổ chức bị trừng phạt gồm 6 tổ chức Trung Quốc, 1 tổ chức Nga, 1 tổ chức Triều Tiên và 2 tổ chức có trụ sở tại Singapore. Trong khi đó, 6 cá nhân bị liệt vào danh sách gồm 4 công dân Nga, 1 công dân Trung Quốc và 1 công dân Triều Tiên.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven T. Mnuchin nhấn mạnh, Washington sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên Triều Tiên bằng cách nhắm tới những đối tượng hỗ trợ cho quá trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng, đồng thời cô lập các thành phần này khỏi hệ thống tài chính của Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh các lệnh trừng phạt phía Mỹ hoàn toàn phù hợp với nghị quyết của HĐBA. Ảnh: Rtr

“Việc bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào của Trung Quốc, Nga hay bất cứ nơi nào trên thế giới cho phép Triều Tiên kiếm tiền để sử dụng cho việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, gây bất ổn cho khu vực là không thể chấp nhận được”, ông Mnuchin tuyên bố.

Nga đáp trả nhưng vẫn hy vọng

Nga được cho là một quốc gia luôn “kiên nhẫn” với các hành động từ phía Mỹ cũng đã ngay lập tức bày tỏ quan ngại về danh sách “đen” lần này. Hãng tin TASS dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng việc Mỹ đưa thêm 4 công dân Nga và 1 công ty nhà nước của Nga vào danh sách trừng phạt là sự tiếp nối chính sách có từ thời cựu Tổng thống Barack Obama.

Ông nhấn mạnh “ngôn ngữ trừng phạt” là không thể chấp nhận được, đồng thời khẳng định Moscow luôn muốn giải quyết những bất đồng với Washington bằng con đường đối thoại.

“Về mặt lý thuyết, Washington nên nhận ra rằng những năm qua, chúng tôi không chấp nhận các lệnh trừng phạt bởi những hành động đó chỉ làm cản trở việc tìm ra giải pháp cho các vấn đề cốt lõi. Nhưng dường như Mỹ vẫn không hiểu ra sự thật hiển nhiên đó trong suốt thời gian qua”, ông Ryabkov cho biết thêm.

Mặt khác, Thứ trưởng Sergei Ryabkov vẫn đặt niềm tin vào việc Mỹ sẽ rút lại các biện pháp trừng phạt, dù thừa nhận rằng Nhà Trắng sẽ không tránh khỏi các động thái đáp trả từ phía Điện Kremlin.

Ông Ryabkov tuyên bố: “Chúng tôi vẫn không từ bỏ hy vọng rằng tiếng nói của lý trí sẽ vẫn chiếm ưu thế hơn và những người đồng cấp Mỹ của chúng tôi sẽ sớm nhận ra sự vô ích cũng như thiệt hại của việc áp dụng vòng xoáy trừng phạt này. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn đang cân nhắc các biện pháp đáp trả, tình huống này là không thể tránh khỏi”.

Trong một diễn biến khác, Đại sứ quán Mỹ tại Nga thông báo sẽ ngừng toàn bộ hoạt động cấp thị thực không định cư cho công dân Nga kể từ ngày 23-8.

Quyết định trên được cho là nhằm trả đũa việc Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu Mỹ cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao tại Nga trước ngày 1-9 và tịch thu khu nhà ngoại giao của Mỹ ở Moscow.

Được biết, dù Nga đang xem xét các biện pháp đáp trả trong vấn đề này nhưng quyết định cuối cùng được đưa ra sẽ vẫn mang tính “nhân văn” để không làm ảnh hưởng tới người dân Mỹ.

Trung Quốc yêu cầu Mỹ “lập tức sửa sai”

Giống như Nga, chỉ vài giờ sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố các lệnh trừng phạt mới liên quan tới các tổ chức và công dân nước này, một phát ngôn viên của Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã lên tiếng: “Trung Quốc phản đối các lệnh trừng phạt đơn phương nằm ngoài khuôn khổ của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đặc biệt là việc bất kỳ một quốc gia nào tự “nối dài thẩm quyền” để trừng phạt các công ty và công dân Trung Quốc theo luật nội bộ của quốc gia đó”.

Người này cũng yêu cầu Mỹ “lập tức sửa sai” để không gây ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác song phương trong các vấn đề liên quan. Ngày 23-8, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã chính thức đưa ra lời cảnh báo Mỹ, các biện pháp trừng phạt mới này sẽ không giúp ích cho quá trình Washington hợp tác với Bắc Kinh giải quyết khủng hoảng hạt nhân.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ rõ, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang cho thấy một số dấu hiệu hạ nhiệt từ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra tín hiệu về khả năng tiến hành các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng trong tương lai gần. Vì thế, bất cứ hành động nào gián tiếp làm leo thang căng thẳng tại điểm nóng này đều cần được thu hồi.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần bày tỏ sự thất vọng khi Trung Quốc, đồng minh duy nhất và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên không có những biện pháp đủ mạnh để gây sức ép với nước này, đặc biệt là sau khi Bình Nhưỡng thử liên tiếp các tên lửa đạn đạo.

Ngày 18-8, chính quyền Mỹ đã chính thức mở cuộc điều tra liên quan tới cáo buộc Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ sau chỉ thị của Tổng thống Trump. Đây là động thái cứng rắn đầu tiên của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm vào quan hệ thương mại với Trung Quốc và được cho là có liên quan tới vấn đề Triều Tiên.

Hôm 21-8, sau cuộc gặp đồng Chủ tịch Đối thoại Nga – Trung Quốc về an ninh ở Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao Nga đã ra thông báo cho biết Nga và Trung Quốc ủng hộ tăng cường các nỗ lực chính trị - ngoại giao tập thể nhằm khởi động tiến trình làm giảm căng thẳng quân sự - chính trị tại Đông Bắc Á nói chung. Qua đó, giúp tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết vấn đề hạt nhân và các vấn đề cốt lõi khác trên bán đảo Triều Tiên.

Linh Bùi (tổng hợp)
.
.
.