Nga, Trung Quốc dự kiến vẫn là trọng tâm thảo luận của lãnh đạo G7

Thứ Hai, 07/06/2021, 16:01
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo G7 vào tuần này tại Anh, với trọng tâm là cải thiện quan hệ đồng minh và tập hợp sức mạnh nhằm đối phó với COVID-19, Nga và Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden mang theo sứ mệnh lớn lao đến thượng đỉnh G7. Ảnh Reuters. 

Các biến thể COVID-19 mới và cũng như số ca tử vong gia tăng ở một số quốc gia dự kiến sẽ là trọng tâm thảo luận của các nhà lãnh đạo G7 trong hội nghị thượng đỉnh từ ngày 11-13/6, cùng với biến đổi khí hậu, củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu và đảm bảo phương Tây duy trì lợi thế công nghệ trước Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng hứa sẽ xây dựng lại mối quan hệ với các đồng minh sau 4 năm nhiệm kỳ đầy chông gai dưới thời ông Donald Trump, người đã rút Washington ra khỏi nhiều thể chế đa phương, thậm chí từng dọa rút khỏi NATO.

“Trong thời điểm bất ổn toàn cầu này, khi thế giới vẫn phải vật lộn với đại dịch, chuyến công du này là để hiện thực hóa cam kết mới của Mỹ với các đồng minh và đối tác”, Washington Post trích dẫn lời Tổng thống Joe Biden.

Hội nghị thượng đỉnh G7 lần này sẽ là một phép thử đối với khẩu hiệu “Nước Mỹ trở lại” của ông Biden, khi các đồng minh thân cận nhất của Mỹ từng “vỡ mộng” dưới thời của ông Trump.

Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown nhận định rằng, đây là một thời điểm quan trọng đối với Mỹ và cả thế giới. “Liệu hợp tác quốc tế có được khôi phục hay chúng ta vẫn sẽ sống trong một thế giới bị thống trị bởi chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ và ở một mức độ nào đó là chủ nghĩa biệt lập?” ông Brown cho biết.

Đoàn kết đối phó với Nga

Nga dự kiến vẫn là một chủ đề trọng tâm tại thượng đỉnh G7 lần này cũng như trong cuộc gặp của ông Biden với lãnh đạo các nước EU và NATO tại Brussels, Bỉ. Tổng thống Mỹ Biden dự kiến sau đó sẽ đến Geneva, Thụy Sĩ, để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cuộc tấn công bằng mã độc gần đây nhằm vào JBS, công ty đóng gói thịt lớn nhất thế giới, bởi một nhóm tội phạm mạng có thể có trụ sở tại Nga và sự hỗ trợ tài chính của Nga cho Belarus sau khi nước này buộc một chuyến bay của Ryanair hạ cánh để bắt giữ nhà đối lập, đang thúc đẩy các quan chức Mỹ xem xét hành động sắc bén hơn.

Bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO, ông Biden dự kiến ​​cũng sẽ gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, một cuộc họp quan trọng giữa các đồng minh NATO sau khi việc Ankara mua hệ thống phòng thủ của Nga khiến Washington tức giận và có nguy cơ phá vỡ liên minh.

Thuế quan với các doanh nghiệp đa quốc gia

Các bộ trưởng tài chính của các nước G7 đã đạt được một thỏa thuận toàn cầu mang tính bước ngoặt hôm 5/6, đặt ra mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu ít nhất là 15%, có khả năng đánh vào các công ty công nghệ khổng lồ như Google, Facebook và Amazon của Mỹ. Ông Biden và các lãnh đạo khác sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong cuộc họp tại Cornwall, Anh.

COVID-19 và giảm trừ sở hữu trí tuệ

Chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 3/6 nêu chi tiết kế hoạch tài trợ 80 triệu liều vaccine COVID-19 trên toàn cầu vào cuối tháng 6, trong bối cảnh số người chết đại dịch toàn cầu đang gần chạm mức 4 triệu người.

Washington hồi tháng trước đã thay đổi hành động, quyết định ủng hộ các cuộc đàm phán về việc miễn trừ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm tăng tốc sản xuất vaccine ở các nước đang phát triển.

Các nhà ngoại giao châu Âu nhận định rằng họ thấy ít điểm chung về vấn đề này và cho rằng bất kỳ thỏa hiệp nào của WTO sẽ mất nhiều tháng để hoàn thiện và thực hiện.

Kế hoạch về chống biến đổi khí hậu

Vào tháng 5, ông Biden đã công bố kế hoạch yêu cầu các nhà thầu và tổ chức tài chính của chính phủ Mỹ minh bạch hơn về các rủi ro biến đổi khí hậu mà các khoản đầu tư của họ phải đối mặt và các quan chức chính quyền đang thúc đẩy các quốc gia khác áp dụng các kế hoạch tương tự.

Anh cũng muốn các chính phủ khác yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo những rủi ro như một cách để thúc đẩy đầu tư vào các dự án xanh. Tuy vậy, thỏa thuận về một chặng đường phát triển xanh phía trước khó có thể đạt được vào tháng 6. Một thỏa thuận có thể đạt được tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc ở Glasgow, Scotland, vào tháng 11.

Các nước G7 cũng có quan điểm khác nhau về định giá carbon, mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế coi là một cách chính để hạn chế phát thải carbon dioxide và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ngoài ra, chính quyền Biden dự kiến sẽ thúc giục các nước đồng minh cùng đồng lòng lên tiếng về cáo buộc “lao động cưỡng bức” tại Tân Cương, Trung Quốc, nơi sinh sống của người Duy Ngô Nhĩ thiểu số, mặc dù Mỹ vẫn muốn Trung Quốc tham gia trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu.

Theo một số nguồn tin, lãnh đạo các nước G7 được mong đợi sẽ đưa ra tuyên bố cứng rắn về vấn đề “lao động cưỡng bức”, một vấn đề mà Trung Quốc lên tiếng phủ nhận.   

Duy Tiến (Theo Reuters)
.
.
.