Nga - Nhật cùng hướng tới một hiệp ước hòa bình

Thứ Ba, 04/12/2018, 08:30
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 3-12 thông báo, Tokyo đang xem xét thiết lập cơ chế mới giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan đến hiệp ước hòa bình giữa nước này với Nga vốn được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí “bật đèn xanh”.


Ông Yoshihide Suga nêu rõ: “Đây là một sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình đàm phán”, đồng thời nhấn mạnh hai nhà lãnh đạo đã cam kết duy trì các cuộc đối thoại về hiệp ước hòa bình.

Tổng thống Vladimir Putin (phải) và Thủ tướng Shinzo Abe.

Hôm 1-12, Tổng thống Vladimir Putin cho biết sau các cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Buenos Aires của Argentina, lãnh đạo hai nước đã đạt được thỏa thuận về cơ chế mới cho việc giải quyết vấn đề hiệp ước hòa bình.

Trong khi đó, Vụ Báo chí thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và người đồng cấp Nhật Bản Takeo Mori đã trở thành đặc phái viên của các nhà lãnh đạo hai nước trong các cuộc đàm phán về một hiệp ước hòa bình.

Phía Nhật Bản xác nhận: “Tại các cuộc hội đàm ở Buenos Aires (Argentina), các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Nga đã nhất trí đẩy nhanh hơn nữa đàm phán về một hiệp ước hòa bình, với các nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước là Taro Kono và Sergei Lavrov đảm nhận vai trò giám sát thực hiện. Các Thứ trưởng Ngoại giao Takeo Mori và Igor Morgulov sẽ tiến hành các cuộc đàm phán này. Ông Igor Morgulov sẽ là đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga, còn ông Takeo Mori là đại diện đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản”.

Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết thêm: “Các nhà lãnh đạo hai nước cũng nhất trí về cuộc họp giữa các ngoại trưởng hai nước trong việc chuẩn bị cho chuyến thăm Nga của Thủ tướng Abe vào đầu năm tới”.

Trước đó, hồi cuối tháng 11 vừa qua, bên lề một hội nghị quốc tế tại Thủ đô Rome của Italy, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Taro Kono đã nhất trí cùng nhau làm việc nhằm giải quyết những tranh cãi về lãnh thổ kéo dài, ngăn cản hai nước ký kết một hiệp ước hòa bình chấm dứt chiến tranh.

Bấy lâu nay, tranh chấp lãnh thổ chẳng những khiến hai nước không ký được hiệp ước hòa bình, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp chớp nhoáng bên lề hội nghị trên, Ngoại trưởng Taro Kono cho biết, hai bên đã trao đổi thẳng thắn về các cuộc đàm phán hiệp ước hòa bình. Hai nước cũng cam kết thúc đẩy các tranh luận tích cực giữa Ngoại trưởng hai nước.

Ngoại trưởng Nhật Bản khẳng định, Tokyo và Moscow đang trên con đường đi tới một hiệp ước song phương để chính thức hóa trên giấy tờ một quy tắc ngoại giao đã có từ nhiều thập niên nay. Dù không nêu chi tiết vấn đề, song Ngoại trưởng Taro Kono cho biết, các nhà lãnh đạo của hai nước gần đây đã đồng ý đẩy nhanh đàm phán trên cơ sở tuyên bố chung năm 1956.

Theo tuyên bố này, Nga sẽ trao trả đảo nhỏ Shikotan và đảo Habomai sau khi ký kết hiệp ước hòa bình với Nhật Bản. Trong nhiều thập niên, Nga và Nhật Bản đã tổ chức tham vấn nhằm tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình sau Thế chiến II. Tuy nhiên, trở ngại chính của vấn đề này là tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo mà Nga gọi là Nam Kuril, còn Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Tranh chấp lãnh thổ chẳng những khiến hai nước không ký được hiệp ước hòa bình, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương. Gần đây, hai nước đều thể hiện thiện chí giải quyết những bất đồng xung quanh vấn đề này thông qua thúc đẩy các hoạt động kinh tế chung tại quần đảo này.

2 ngày sau cuộc hội đàm hôm 14-11 với Tổng thống Vladimir Putin tại Singapore, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định quyết tâm cùng người đứng đầu Điện Kremlin hoàn tất đàm phán hòa bình song phương, nhấn mạnh rằng, Tuyên bố chung Nhật Bản – Liên Xô năm 1956 sẽ là nền tảng cho các cuộc đàm phán sắp tới. Tuyên bố chung này chỉ rõ việc trả lại đảo Shikotan và quần đảo Habomai cho Nhật Bản sau khi ký kết một hiệp ước hòa bình.

Thủ tướng Shinzo Abe cho biết thỏa thuận tăng tốc các cuộc đàm phán dựa vào nền tảng tuyên bố trên sẽ “không đi ngược lại” chính sách lâu nay của Tokyo về việc giải quyết tình trạng của 4 đảo tranh chấp trước khi ký một hiệp ước hòa bình.

Theo ông Abe, các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình dựa trên nền tảng tuyên bố chung sẽ bao gồm 4 đảo ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc của Hokkaido nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô cũ sau khi Nhật Bản đầu hàng năm 1945. Chuỗi đảo này được Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, còn Nga gọi là quần đảo Nam Kuril.

Nguyên nhân các lãnh đạo hàng đầu của Nhật Bản và Nga đều đồng ý đẩy nhanh việc ký kết hiệp ước hòa bình lần này không chỉ vì quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa hai nhà lãnh đạo, mà còn vì Thủ tướng Shinzo Abe đang cố duy trì khoảng cách ngoại giao với Mỹ. Phải thừa nhận rằng, theo khuôn khổ liên minh Mỹ-Nhật, nền ngoại giao Nhật Bản không thể “tự lập” hoàn toàn khỏi Mỹ trong ngắn hạn, song xu hướng “tách khỏi Mỹ” đã được cân nhắc.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang hiện nay, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đang cố gắng tích cực cải thiện quan hệ Trung-Nhật. Trong khi Mỹ ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ thương mại, Nhật Bản lại nỗ lực bảo vệ hệ thống thương mại đa phương quốc tế.

Có lẽ vì đã nhận thấy những điều chỉnh trong cách tiếp cận của Thủ tướng Nhật Bản, người đứng đầu Điện Kremlin đã thể hiện một thái độ tích cực hơn trong việc ký kết hiệp ước hòa bình và quan hệ song phương. Quan hệ Nhật-Nga cho đến nay thực sự đã có sự tăng tiến, nhưng nhiều khả năng Mỹ sẽ thực hiện các biện pháp can thiệp và chia rẽ Nhật-Nga.

Xét cho cùng, với việc ký kết Hiệp ước Hòa bình Nhật-Nga, không chỉ giúp nhu cầu “bảo vệ” của Nhật Bản giảm thiểu mà còn khiến tính hợp lý cho sự hiện diện của Mỹ ở Nhật Bản hoặc thậm chí ở Đông Bắc Á bị suy yếu.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.