Mỹ lần đầu tiên không bảo vệ đồng minh tại Liên hợp quốc
- Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lại dính bê bối
- Israel trả đũa, tiêu diệt 4 phần tử IS
- Lại nóng chuyện Israel xây nhà tái định cư trên đất Palestine
Nghị quyết của HĐBA LHQ yêu cầu Israel “ngừng hoàn toàn và ngay lập tức tất cả các hoạt động định cư ở vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, trong đó có Đông Jerusalem”, nhấn mạnh các khu định cư của Israel không có giá trị pháp lý, “là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và cũng là một trong những trở ngại chính nhằm hướng tới một giải pháp trên cơ sở hai Nhà nước cùng tồn tại”.
HĐBA LHQ cũng tuyên bố không thừa nhận bất kỳ sự thay đổi nào (liên quan tới đường sá) được thực hiện vào ngày 4-6-1967 ngoại trừ những thay đổi mà có sự đồng ý của cả hai bên. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hoan nghênh nghị quyết nói trên của HĐBA trong khi Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin kêu gọi Israel “tôn trọng luật pháp quốc tế”.
Đây là nghị quyết đầu tiên về Israel và Palestine mà HĐBA LHQ thông qua trong gần 8 năm qua với 14 phiếu thuận trong HĐBA 15 thành viên. Giải thích về quyết định bỏ phiếu trắng, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power cho biết, trong suốt 5 thập niên qua, Washington luôn giữ quan điểm thống nhất về việc cần phải ngừng xây dựng các khu định cư, việc Israel tiếp tục hoạt động này sẽ “hủy hoại nghiêm trọng an ninh của Israel”. Chính vì thế mà lần này Mỹ bỏ phiếu trắng.
Khu định cư cho người Do Thái ở Jerusalem. |
Tuy nhiên, bà Samantha Power khẳng định động thái này của Mỹ không có nghĩa là Washington từ bỏ những cam kết mạnh mẽ bảo vệ an ninh đối với Tel Aviv. Nghị quyết của LHQ cũng nhận được sự ủng hộ từ phía Palestine. Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Palestine, ông Nabil Abu Rudeina, gọi đây là “một đòn giáng mạnh” vào chính sách của Israel và thể hiện “sự ủng hộ mạnh mẽ đối với giải pháp hai nhà nước”.
Chia sẻ quan điểm này, Tổng Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Saeb Erekat gọi kết quả bỏ phiếu của HĐBA là một chiến thắng lịch sử: “Cộng đồng quốc tế đã đứng về phía hòa bình khi nhất trí bác bỏ chính sách về khu định cư của Israel. Đây cũng là một ngày hy vọng khi cộng đồng quốc tế nói rằng cách duy nhất thoát khỏi xung đột này là đạt được giải pháp hai nhà nước, theo đó nhà nước Palestine sẽ sống bên cạnh nhà nước Israel theo đường biên giới năm 1967”.
Về phía Israel, ngay sau khi nghị quyết của HĐBA được thông qua, Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã ra tuyên bố trong đó khẳng định “Israel bác bỏ nghị quyết bài Israel đáng xấu hổ này của Liên hợp quốc và sẽ không tuân thủ các nội dung của nghị quyết”. Chính phủ nhà nước Do Thái cũng chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama, cho rằng, chính quyền Tổng thống Mỹ đã không chỉ không bảo vệ quốc gia đồng minh thân cận tại LHQ mà còn “đứng sau giật dây”.
Tuyên bố còn khẳng định Israel “trông đợi hợp tác với Tổng thống đắc cử Donald Trump cũng như mọi người bạn ở Quốc hội, cả từ đảng Cộng hòa và Dân chủ để khắc phục những tác động gây phương hại từ nghị quyết phi lí này”.
Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon cũng chỉ trích quyết định của Washington, cho rằng hành động lần này đi ngược lại những giá trị mà Mỹ và Israel cùng chia sẻ. Đại sứ Danon cũng bày tỏ, chính quyền Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump và tân Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ giữa LHQ với Israel.
Trong khi đó, ông Steinitz, một người thân cận với Thủ tướng Netanyahu, cho hay: “Đây không phải là một nghị quyết chống lại khu định cư, đây là nghị quyết chống Israel, chống nhân dân Do Thái và nhà nước của người Do Thái. Mỹ đã bỏ rơi người bạn duy nhất của mình tại Trung Đông”.
Đồng quan điểm, một quan chức giấu tên của Israel đã tỏ thái độ hết sức tức giận về việc Mỹ bỏ phiếu trắng, tuyên bố rằng “Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry đứng sau động thái đáng xấu hổ này chống Israel tại Liên hợp quốc”.
Quan chức này nhấn mạnh rằng: “Thay vì tuyên bố sẵn sàng phủ quyết, Tổng thống Obama đang thúc đẩy nghị quyết này. Đây là một sự bỏ rơi Israel, phá vỡ chính sách của Mỹ suốt nhiều thập niên trong việc bảo hộ cho Israel tại Liên hợp quốc và làm suy yếu triển vọng làm việc với chính quyền sắp tới để thúc đẩy hòa bình”.
Còn tại Mỹ, quyết định trên bị cựu phát ngôn viên của Hạ viện Mỹ, Newt Gingrich, gọi là một phần thưởng cho khủng bố: “Khủng bố đã được ban thưởng. Một nền dân chủ đã bị đâm sau lưng bởi quyết định không bỏ phiếu phủ quyết của (chính quyền Tổng thống) Obama”.
Quan điểm này của ông Gingrich đã nhận được sự đồng tình của người kế nhiệm Paul Ryan. Theo ông Ryan, đây là hành động “đáng hổ thẹn”, hủy hoại quan hệ với đồng minh lịch sử của Mỹ ở Trung Đông và chính quyền Tổng thống Obama nên phủ quyết nghị quyết của HĐBA LHQ. “Quyết định hôm nay là một cú tấn công vào hoà bình, đặt ra một tiền lệ nguy hiểm cho các nỗ lực ngoại giao sau này nhằm cô lập và làm xấu hình ảnh Israel,” ông Ryan nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Trump tuyên bố các chính sách của Mỹ tại LHQ sẽ thay đổi sau khi ông nhậm chức: “Tất cả những gì liên quan tới LHQ sẽ thay đổi sau ngày 20-1”.
Rõ ràng, quan hệ Mỹ - Israel đã “dậy sóng” sau nghị quyết của HĐBA LHQ và sau động thái trái với thông lệ của Washington là bảo vệ đồng minh Israel tại LHQ.