Mỹ đang tìm cách chia tách Syria?

Thứ Sáu, 04/03/2016, 08:09
Nước Nga ngày nay (RT) ngày 3-3 dẫn lời ông Jurgen Todenhofer, nhà báo phương Tây đầu tiên được phép tiếp cận IS năm 2014, bày tỏ quan ngại rằng, các chính trị gia Mỹ đang muốn chia tách Syria thành các vùng chiến sự. Nhà báo người Đức khẳng định, đã đến lúc phải đẩy lùi những người ủng hộ phe nổi dậy ở Trung Đông, và điều quan trọng nhất là Mỹ phải ngừng “đổ thêm dầu vào lửa”.

Nhấn mạnh việc dường như các chính trị gia Mỹ thích những nước yếu ở Trung Đông, nhà báo Todenhofer chỉ ra rằng: “Mỹ luôn muốn chia tách các quốc gia. Họ đã chia tách Iraq thành 2 phần, chia tách Libya và bây giờ có thể sẽ chia tách Syria thành 4 hoặc 5 phần”.

Tuy nhiên, theo nhà báo người Đức, những người Hồi giáo, người Shitte, người Sunni, người Kito và cả người Kurd, luôn luôn phải sống cùng nhau và trong tương lai cũng vậy. Khẳng định lệnh ngừng bắn do Mỹ và Nga khởi xướng đang tiến triển, nhà báo 75 tuổi này cho hay ông đã trò chuyện với một số nguồn tin ở Syria kể từ khi lệnh ngừng bắn trên chính thức có hiệu lực.

“Cho đến khi nào lệnh ngừng bắn còn có hiệu lực, thì mỗi ngày trôi qua đều đáng được trân trọng, đây là những ngày tuyệt vời hiếm hoi cho mọi người. Họ hạnh phúc, và tôi lạc quan hơn, bởi vì hiện nay đã có sự liên lạc giữa các phiến quân và chính phủ”, ông Todenhofer nói, đồng thời bày tỏ hi vọng lệnh ngừng bắn là bước đi đầu tiên để hình thành một liên minh mới bên trong Syria nhằm tiêu diệt IS.

Giới quan sát của tất cả các bên cũng khẳng định, trong những ngày qua, hành động thù địch đã giảm bớt, và có bước đột phá trong việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo tới các khu định cư bị bao vây - nơi đang bên bờ vực của nạn đói.

Nhà báo Todenhofer (ngoài cùng bên phải) mạo hiểm cả mạng sống để tới những vùng lãnh thổ mà IS chiếm đóng.

Về phía Syria, Tổng thống Bashar al-Assad ngày 2-3 đã cam kết trên truyền hình rằng sẽ “thực thi phần trách nhiệm của mình” để đảm bảo thành công của thỏa thuận ngừng bắn đang được thực thi 4 ngày nay. Tổng thống Assad nhấn mạnh thỏa thuận ngừng bắn trên đem đến “một tia hy vọng” cho Syria, nơi hơn 270.000 người đã thiệt mạng vì cuộc xung đột phức tạp và dai dẳng hiện nay.

Tổng thống Syria cho biết phía lực lượng chính phủ nước này đã kiềm chế đáp trả, để tạo một cơ hội cho thỏa thuận trên tồn tại. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng “mọi thứ đều có giới hạn và tùy thuộc vào phía bên kia”, nhưng khẳng định sẽ ân xá cho các tay súng đối lập nếu họ chấp nhận giải giáp vũ khí.

Trong khi đó, các lực lượng vũ trang Nga hiện đang theo dõi chặt chẽ các thỏa thuận của lệnh ngừng bắn ở Syria thông qua thiết bị quân sự tiên tiến. Các thiết bị này cho phép quân đội Nga phát hiện tất cả các dấu hiệu chiến sự đang diễn ra trên khắp lãnh thổ Syria. Thông qua việc sử dụng các hệ thống radar và các phương tiện quân sự hiện đại khác, Nga có thể theo dõi tất cả các hành vi vi phạm các thỏa thuận ngừng bắn. Đây là điều mà hầu hết các nước giám sát đều không có đủ năng lực để thực hiện. Trong nỗ lực bảo vệ lệnh ngừng bắn ở Syria một cách hiệu quả nhất, Nga không chỉ theo dõi các hành vi hung hăng của tất cả các bên liên quan mà còn làm trung gian giải quyết tranh chấp khi cần thiết.

Về vấn đề khủng bố, nhà báo Todenhofer cảnh báo, rất nhiều nhóm, phần tử ủng hộ IS đã sẵn sàng thực hiện những cuộc tấn công khủng bố tại châu Âu, Mỹ và Nga. Do đó, các nhóm khủng bố không cần phải rời khỏi lãnh thổ của chúng để làm việc đó.

Nhà báo Đức này đồng thời cảnh báo các cuộc tấn công mới của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở châu Âu sắp xảy ra, nhưng hiện vẫn chưa có nhiều hành động để ngăn chặn IS.

“IS sẽ dễ dàng sử dụng lực lượng của chúng ở các nước EU, Hoa Kỳ hay Nga. Chúng có rất nhiều tín đồ ở các nước đó. IS không cần phải chấp nhận rủi ro để vượt biên, chúng có thể làm điều đó, nhưng không cần thiết. Bởi chúng phối hợp với chính các tín đồ của mình – sẽ không hề khó khăn để tổ chức một cuộc tấn công liều chết. Đó là cái giá rất rẻ và rất dễ dàng”.

Theo nhà báo này, hiện châu Âu vẫn chưa giành được thắng lợi trong cuộc chiến tư tưởng chống lại IS, đặc biệt là trong việc giới trẻ bị tước quyền bầu cử của riêng mình. Ông chỉ ra rằng, điều mà chúng ta cần làm vào thời điểm hiện tại là “chứng minh cho công dân của mình rằng, tư tưởng của IS là sai lệch, là chống Hồi giáo, và chẳng giải quyết được vấn đề gì”. 

Về IS, ông Todenhofer nhận xét: “Đó là những kẻ chống Hồi giáo. Người Hồi giáo không bao giờ phá hủy các nhà thờ, sát hại người vô tội, ép mọi người phải tin vào cái gì đó và chúng lại làm những việc này hàng ngày. Những người có cảm tình với IS nên nhận ra rằng, thậm chí từ một quan điểm Hồi giáo, không những họ không phục vụ được tôn giáo, mà còn chiến đấu chống lại tư tưởng của mình. Họ đang là một mối nguy hiểm cho đạo Hồi, và hầu hết những người bị họ sát hại - ở Trung Đông – phần đông là người Hồi giáo”. 

Nhà báo người Đức cũng chỉ ra rằng, hiện lực lượng nổi dậy có động thái chia tách các lữ đoàn của họ khỏi lực lượng khủng bố. Điều này tạo cơ hội tấn công các nhóm Al Qaeda và Mặt trận Al Nusra mà không phải là tấn công lực lượng nổi dậy. 

“Nếu lực lượng nổi dậy bắt đầu chống lại quân đội chính phủ chính thức, chống lại IS, thì sau đó chúng tôi sẽ có cơ hội đánh bại IS, và Syria sẽ có hòa bình. Đây là giấc mơ, nhưng đó là giấc mơ thực sự”, ông Todenhofer chia sẻ, trong khi thừa nhận rằng các bất đồng giữa Tổng thống Assad và phe đối lập đã gây ra cuộc chiến tranh kéo dài suốt 5 năm ở nơi này.

Khổng Hà
.
.
.