Mỹ - Trung khởi động vòng đàm phán thương mại mới
- Mỹ - Trung tiếp tục chật vật đàm phán thương mại
- Ông Trump lên tiếng về khả năng tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Trung
Các cuộc thảo luận sơ bộ của các chuyên viên sắp diễn ra trước khi Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin của Mỹ tham gia cuộc đàm phán chính vào ngày 14 – 15-2. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh hi vọng các cuộc đàm phán thương mại với Washington sẽ đạt được những kết quả tốt đẹp.
Cần phải giải quyết vấn đề cốt lõi
Đứng trước thời hạn chót ngày 1-3, hiện mọi chú ý đều đổ dồn vào việc liệu Trung Quốc có sẵn sàng nhượng bộ trong vấn đề quyền sở hữu trí tuệ cũng như một số vấn đề khác liên quan đến Mỹ. Theo Giáo sư danh dự Đới Hồng Siêu, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính trị tại Trường Đại học Detroit Mercy, cuộc thương chiến Mỹ - Trung có thể chỉ là bề ngoài.
Nếu xét từ quan điểm của phía Mỹ, vấn đề quan trọng và bức thiết hơn chiến tranh thương mại là cuộc chạy đua về công nghiệp công nghệ cao Mỹ-Trung. Trong cuộc chạy đua này, phía Trung Quốc đã đạt được bước ngoặt và có xu thế vượt Mỹ.
Quan chức Mỹ và Trung Quốc ngày 11-2 đã bắt đầu vòng đàm phán thương mại mới. |
Ví dụ, trong 20 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới, Trung Quốc có 9, Mỹ có 11; năm 2018, Trung Quốc có 40 lần phóng vệ tinh lên vũ trụ, lần đầu vượt Mỹ. Về mạng internet thế hệ 5 (5G), từ năm 2015, Trung Quốc đầu tư nhiều hơn Mỹ 24 tỷ USD, Trung Quốc hiện có 350.000 trạm truyền phát sóng 5G, còn Mỹ mới có 30.000 trạm.
Trên phương diện công nghiệp công nghệ cao, Trung Quốc vẫn lạc hậu so với Mỹ, nhưng việc Trung Quốc vượt Mỹ chỉ là tương lai gần, nhất là khi xem xét số liệu về đầu tư nghiên cứu phát triển (RD) vì RD là động lực chủ yếu quyết định tương lai của phát triển công nghiệp. Năm 2016, Trung Quốc đầu tư 410,2 tỷ USD cho RD với 3 triệu nhân lực, còn Mỹ đầu tư 464,3 tỷ USD với 2,9 triệu nhân lực. Viện Công nghệ Massachusetts dự tính năm 2018-2019, đầu tư RD của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ.
Trong khi đó, đối với Trung Quốc, tăng cường phát triển công nghiệp công nghệ cao là tổng mục tiêu của chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”. Chiến lược này được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra năm 2015, tới nay đã thực hiện được khoảng 3 năm, với tham vọng trong 10 năm làm thay đổi ngành công nghiệp Trung Quốc từ chỗ “lương thấp, công nghệ thấp, chất lượng thấp” thành “lương cao, công nghệ cao, chất lượng cao”.
Trong một bài viết đăng trên tờ Tin tức Thế giới mới đây, giáo sư Đới Hồng Siêu cho rằng những thay đổi mà chiến lược “Made in China” (“Sản xuất tại Trung Quốc” - PV) mang đến sẽ ảnh hưởng rất lớn tới Mỹ. Hiện nay, Trung Quốc mới chỉ xuất khẩu sang Mỹ các sản phẩm “lương thấp, công nghệ thấp, chất lượng thấp” nhưng đã khiến Mỹ bị thâm hụt thương mại 337 tỷ USD so với Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc xuất khẩu sản phẩm “lương cao, công nghệ cao, chất lượng cao”, thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc chắc chắn sẽ nghiêm trọng hơn. Mỹ sẽ mãi mãi vùng vẫy trong “vũng bùn thương mại”. Đó là chưa nói tới công nghệ cao phát triển sẽ dẫn tới sự thay đổi về thực lực quân sự và thực lực chính trị của Trung Quốc.
Nhằm đối phó với nguy cơ nêu trên, ngoài việc áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc, Mỹ còn tăng cường áp chế các tập đoàn công nghệ Trung Quốc như từ chối bán chip cao cấp cho hãng ZTE (Trung Hưng), không cho mua sản phẩm 5G của Huawei.
Hành động này của Mỹ có thể mang lại hiệu quả nhất thời, nhưng xem xét ở góc độ lâu dài lại không mang đến lợi ích gì bởi nó sẽ càng khiến Trung Quốc quyết tâm hơn trong việc độc lập phát triển các sản phẩm công nghệ cao.
Nếu muốn giải quyết vấn đề một cách căn bản, chính phủ Mỹ cần phải lãnh đạo, đầu tư, tăng cường phát triển công nghiệp công nghệ cao. Thứ nhất là phát triển kỹ thuật nền móng vì chỉ có kỹ thuật nền móng hoàn thiện mới có thể tiến lên phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Đây là nhận thức chung của cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ, nhưng nhiều năm nay trong tình trạng “sấm to mà mưa nhỏ” nên không có kết quả. Đây là lúc cần phải lập pháp để thực thi. Thứ hai là cắt giảm mạnh chi phí quân sự để tiết kiệm kinh phí chuyển sang cho giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.
Sau Thế chiến II, Mỹ đã chi hàng nghìn tỷ USD cho quân sự, kết quả là ngoài Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Mỹ chưa đánh thắng một cuộc chiến tranh nào, chi phí quân sự khổng lồ bỏ ra không thu về lợi ích xứng đáng. Tuy nhiên, nếu Mỹ sớm tỉnh ngộ, quyết tâm thực thi thì vẫn có thể duy trì ưu thế trong cuộc đua công nghệ cao với Trung Quốc.
Năm 1957, Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của nhân loại lên vũ trụ, đi trước Mỹ trên phương diện vũ trụ. Quyết tâm đuổi kịp Liên Xô, năm 1958, Quốc hội Mỹ thông qua Luật Giáo dục Quốc phòng quốc gia, ra sức phát triển giáo dục khoa học và đã giành được kết quả xứng đáng, trở thành nước đầu tiên đưa người lên Mặt trăng. Đây là ví dụ rất đáng suy ngẫm.
Mâu thuẫn có thể kéo dài
Theo nhận định của cựu Ngoại trưởng Singapore George Yong-Boon Yeo, mâu thuẫn Trung-Mỹ có thể kéo dài hơn 20 năm nữa, cho đến khi Mỹ ý thức được rằng, Trung Quốc về bản chất không phải là một “nước lớn thế lực truyền giáo”.
Theo ông George Yong-Boon Yeo, Singapore có thể trở thành cầu nối giữa Trung Quốc và Mỹ, bao gồm việc mời hai nước cùng tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) phiên bản cải tiến, còn gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ủng hộ hệ thống đa phương và tạo ra một tương lai an toàn hơn.
Cựu Ngoại trưởng Singapore nói rằng, Trung Quốc đã đạt được sự tăng trưởng đáng kinh ngạc trong 40 năm qua, nhưng cũng gây ra một số mối lo ngại trong khu vực và thế giới: “Mỹ lo ngại một nước Trung Quốc trỗi dậy rốt cuộc báo trước điều gì? Cả hai bên cũng đã công khai tuyên bố rằng họ đang chuẩn bị cho cuộc chiến. Nếu bạn biết rằng kẻ thù của bạn đang lớn mạnh lên từng năm, chắc chắn bạn sẽ lựa chọn chiến đấu vào tối nay”.
Theo nhà ngoại giao Yong-Boon Yeo, quan hệ Trung-Mỹ là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, và việc nổ ra chiến tranh giữa hai nước “chắc chắn là một sự điên rồ.” Ông tin rằng hai nước có nhiều khả năng sẽ không ngừng dao động giữa chiến tranh lạnh và hòa bình lạnh, mối quan hệ này có thể sẽ kéo dài hơn 20 năm.
Trong khi đó, Giáo sư Vương Canh Vũ - Chủ tịch Ủy ban Tín thác của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute) của Singapore - nhận định: “Mỹ không bị Trung Quốc đe dọa. Họ coi mình là lực lượng chi phối thế giới, là người tạo ra trật tự thế giới mới. Họ có trách nhiệm với hòa bình và thịnh vượng của thế giới, bất kỳ quốc gia nào có thể phá vỡ trật tự này đều sẽ bị đàn áp”.
Cựu Ngoại trưởng Yong-Boon Yeo giải thích từ góc độ lịch sử, cho rằng Trung Quốc về bản chất không phải là một “nước lớn thế lực truyền giáo”.
Ông lấy Vạn Lý Trường Thành làm ví dụ, chỉ ra rằng ngoại giao của Trung Quốc trong quá khứ mang tính phòng thủ; “Binh pháp Tôn Tử” cũng dạy các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng mặc dù họ phải chuẩn bị cho chiến tranh, nhưng tuyệt đối không được dễ dàng phát động chiến tranh.
Ông nói: “Trung Quốc về bản chất khác với Mỹ và Liên Xô. Cho đến khi Mỹ hiểu điều này, cuộc xung đột Trung-Mỹ sẽ vẫn còn tiếp tục. Trung Quốc cũng phải làm tốt công việc, chứng minh với các nước láng giềng và các nước thế lực hạng trung khác rằng ngoại giao của họ chủ yếu mang tính phòng thủ”.
Ông Yong-Boon Yeo cho rằng TPP có thể trở thành một công cụ để giải quyết mâu thuẫn Trung-Mỹ. Ông nói: “Singapore, Nhật Bản và các nước khác nên khuyến khích Trung Quốc tham gia TPP, bao gồm thuyết phục Trung Quốc đưa ra những tiến bộ hơn nữa về vấn đề sở hữu trí tuệ.
Nhưng chúng ta cần phải kéo dài đàm phán thương mại để khuyến khích hoặc thậm chí buộc Mỹ quay trở lại TPP. Chúng ta nên khéo léo phối hợp các cuộc đàm phán song hành để đảm bảo rằng Trung-Mỹ sẽ tham gia cùng lúc”.
Cựu Ngoại trưởng Singapore cho rằng, một TPP bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ sẽ là một thắng lợi của chủ nghĩa đa phương, đồng thời sẽ tạo ra một tương lai an toàn hơn.