Mỹ - Trung chấp thuận đàm phán
- Mỹ trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế vì điều tra tội ác chiến tranh
- Nga-Trung lập “hàng rào” ngăn Mỹ trừng phạt Iran
- Tại sao Biển Đông làm căng thẳng quan hệ Mỹ -Trung?
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ gặp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Hawaii (Mỹ) vào ngày 17/6.
Hôm 16/6, truyền thông Mỹ và Trung Quốc đồng loạt đưa tin cuộc đàm phán sẽ diễn ra tại Căn cứ không quân Hickam. Hiện Bộ Ngoại giao Mỹ chưa đưa ra bình luận gì. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết giới chức hai nước “đang duy trì liên lạc thông qua các kênh ngoại giao”, song không bình luận về các thông tin nói trên.
Ngoại trưởng Mike Pompeo và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì. Nguồn: Reuters. |
Theo giới thạo tin, cuộc gặp tới sẽ tập trung vào công tác ứng phó với COVID-19, kiểm soát vũ khí, thương mại, Triều Tiên và nhiều vấn đề khác. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp cấp cao nhất giữa quan chức hai bên kể từ tháng 1 vừa qua, khi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Mỹ Donald Trump hội đàm tại Nhà Trắng để ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, giúp tạm ngừng leo thang tranh cãi thương mại. Tuy nhiên, căng thẳng đã gia tăng sau khi dịch COVID-19 bùng phát và hai bên đưa ra các cáo buộc lẫn nhau liên quan tới đại dịch làm chao đảo nền kinh tế thế giới này.
Giới chuyên gia cũng dự đoán, căng thẳng Mỹ - Trung sẽ hạ nhiệt đáng kể trong năm 2021 và cuộc gặp ngày 17/6 có lẽ là dấu hiệu cho thấy dự đoán trên là có căn cứ. Thời gian qua, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump phát động một loạt các cuộc tấn công toàn diện, cùng các biện pháp trừng phạt và chính sách ngăn chặn nhằm vào Trung Quốc đã khiến nhiều nhà bình luận rất bi quan về xu hướng tương lai của mối quan hệ song phương.
Đa số các ý kiến đều nhận định “chiến tranh lạnh” Mỹ - Trung sẽ sớm diễn ra trong bối cảnh này. Những lo ngại trên không phải là không có lý, song nhiều người đã bỏ qua các mô hình phát triển trong mối quan hệ Washington – Bắc Kinh, đặc biệt là động lực cân bằng trong bối cảnh những biến động lịch sử lớn. Và do đó rất có thể người ta đã đánh giá sai về các tác động cũng như tiềm năng hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc.
Giáo sư Dingding Chen, chuyên nghiên cứu các vấn đề quan hệ quốc tế tại Đại học Tế Nam, Trung Quốc và cũng là nhà nghiên cứu cộng tác với Viện Chính sách Công Toàn cầu (GPPi) tại Berlin (Đức), nhấn mạnh, mối quan hệ giữa hai nước sẽ được cải thiện trong năm tới vì nhiều lý do.
Kể từ năm 2018, chính sách ngăn chặn Trung Quốc mà Chính quyền Tổng thống Mỹ đưa ra gồm ba chiến lược mũi nhọn là chiến tranh thương mại, phong tỏa công nghệ và tấn công ý thức hệ, đã không đạt được kết quả đáng kể. Đặc biệt, chiến tranh thương mại chưa tạo ra bất kỳ tác động đáng chú ý nào đối với nền kinh tế Trung Quốc. Các vấn đề kinh tế của Trung Quốc chủ yếu là do mâu thuẫn giữa cung và cầu trong nước, bong bóng tài chính và chu kỳ kinh tế thiếu ổn định.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 6,6% trong năm 2018 và 6,1% vào năm 2019, cao hơn so với mục tiêu cơ bản là duy trì mức tăng trưởng kinh tế 6%. Những khó khăn kinh tế gần đây của quốc gia này chủ yếu là vì hậu quả của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, dẫn đến sụt giảm nhu cầu của thị trường toàn cầu.
Điều này cho thấy cuộc chiến thương mại do Mỹ phát động thực tế chỉ có những tác động hạn chế đến nền kinh tế Trung Quốc. Tiềm lực giữa Mỹ và Trung Quốc hiện không có nhiều cách biệt, nhất là xét ở phương diện kinh tế. Do đó, việc Mỹ phát động chiến tranh với Trung Quốc hoặc bắt đầu một cuộc đối đầu quân sự toàn diện với quốc gia châu Á này đều là những điều không thực tế.
Trong nhiệm kỳ của mình, người đứng đầu Nhà Trắng chỉ có thể cố gắng kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai bằng các lệnh trừng phạt và đàn áp thương mại đối với các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu khoa học hàng đầu Trung Quốc, cũng như các cuộc tấn công chính trị liên quan đến vấn đề Hong Kong và Đài Loan.
Tuy nhiên, tại thời điểm mà khoảng cách quyền lực giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng thu hẹp, không một cuộc chiến nào, từ chiến tranh thương mại, khoa học và công nghệ cho tới đối đầu về ý thức hệ, có thể đem lại kết quả thực sự.
Ngay cả trước khi dịch COVID-19 bùng phát, những đàn áp của Mỹ cũng không khiến tăng trưởng kinh tế của Trung quốc chậm lại. Do đó, chính sách kiềm chế Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Donald Trump không thể thực sự kìm hãm Bắc Kinh phát triển hơn nữa sức mạnh quốc gia, và chắc chắn những nỗ lực ấy sẽ đi tới chỗ thất bại.
Hơn thế nữa, Mỹ cũng đang gánh chịu những hậu quả nặng nề của dịch COVID-19. Hơn 100.000 người Mỹ đã tử vong, trong nền kinh tế lao đao vì ảnh hưởng dịch bệnh, Mỹ rõ ràng càng khó có thể đưa ra các chính sách đàn áp quy mô lớn chống lại Trung Quốc trong ngắn hạn.
Sau khi Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận “Giai đoạn 1” về giải quyết tranh chấp thương mại vào tháng 12/2019, Tổng thống Donald Trump sẽ rất khó để “vi phạm” thỏa thuận này và kích động vòng hai cuộc chiến thương mại.
Những tính toán này có thể sẽ càng đẩy những người nông dân Mỹ và các công ty đa quốc gia, những người vốn đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, càng ở vào tình thế nguy hiểm hơn nữa. Với thị trường nội địa rộng lớn và được kiểm soát chặt chẽ, có thể nói những đàn áp kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc không thể thực sự làm tổn thương đến huyết mạch của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Những biện pháp này chỉ có thể tác động mạnh đến các ngành xuất-nhập khẩu của Trung Quốc và một số ngành công nghiệp liên quan chặt chẽ đến nền kinh tế Mỹ. Nhiều người tin rằng sau thất bại của chính sách đàn áp trong nhiệm kỳ đầu tiên, nếu tái đắc cử, ông Donald Trump sẽ điều chỉnh chính sách đối với Trung Quốc khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2021.