Mỹ - Trung Quốc khẩn trương tìm cách đạt thỏa thuận thương mại
- Mỹ - Trung tiến gần hơn tới một thỏa thuận thương mại
- Những triển vọng trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra tại Washington hiện nay là vòng đàm phán thứ 4 kể từ khi Washington và Bắc Kinh nhất trí “đình chiến” thương mại trong vòng 90 ngày - thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Argentina hồi tháng 11-2018. Tính đến hết ngày 23-2, vòng đàm phán lần này đã bước sang ngày thứ 5 liên tiếp và việc kéo dài vòng đàm phán hết hết tuần này đã được Washington và Bắc Kinh nhất trí sau khi đoàn đàm phán hai nước thông báo đạt được tiến bộ trong việc thu hẹp những bất đồng giữa hai bên. Từ ngày 19-2, hai bên đã tiến hành cuộc đàm phán cấp thấp để chuẩn bị cho cuộc đàm phán cấp cao diễn ra trong 2 ngày 21 và 22-2.
Phát biểu tại Nhà Trắng sau cuộc gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc hôm 22-2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ lạc quan về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Donald Trump cho biết, phái đoàn đàm phán hai nước đang tạo được những tiến triển tích cực. Ông đang lên kế hoạch tổ chức một hội nghị về thương mại có thể diễn ra vào tháng tới, với sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm hoàn thiện những chi tiết cuối cùng của thỏa thuận.
Người đứng đầu Nhà Trắng nói: “Tôi cho rằng, Mỹ và Trung Quốc có cơ hội tốt đạt thỏa thuận và là thỏa thuận có ý nghĩa như kỳ vọng của hai nước. Tôi đã nói với ngài Phó Thủ tướng. Tôi cũng sẽ nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn một thỏa thuận thực sự, một thỏa thuận có ý nghĩa, chứ không phải là thỏa thuận chỉ để làm mà không có ý nghĩa gì cả. Chúng tôi mong muốn thỏa thuận đó sẽ có hiệu lực trong nhiều năm, mang lại lợi ích cho cả hai bên”.
Về phần mình, Phó Thủ tướng Lưu Hạc mô tả vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa hai nước là hiệu quả và đạt được những tiến triển trong một số lĩnh vực. Ông Lưu Hạc nêu rõ: “Trong 2 ngày tham vấn vừa qua, các nhóm phụ trách các vấn đề thương mại và kinh tế đã đàm phán một cách có hiệu quả, đạt được những tiến triển tích cực trong một số lĩnh vực hợp tác, trong đó có cán cân thương mại, nông nghiệp, chuyển giao công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, các dịch vụ tài chính”.
Mỹ, Trung Quốc đang khẩn trương tìm cách đạt được một thỏa thuận thương mại trước thời hạn chót. Ảnh: Reuters. |
Thông điệp Phó Thủ tướng Trung Quốc đưa ra cũng đã được đề cập trong bức thư Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi đến Tổng thống Donald Trump nhân dịp đàm phán mới giữa Mỹ và Trung Quốc. Nội dung bức thư có đoạn viết: “Tôi hy vọng hai bên sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác với nhau trên tinh thần tôn trọng và hợp tác cùng thắng. Hai bên cần tăng gấp đôi nỗ lực để đáp ứng yêu cầu của bên kia nhằm đạt thỏa thuận mang lại lợi ích song phương. Tôi sẵn sàng hợp tác với ngài Tổng thống thông qua các phương thức khác nhau”.
Theo tin từ hãng Reuters, đoàn đàm phán Mỹ và Trung Quốc hiện đang soạn thảo các Biên bản ghi nhớ (MOUs) về thương mại liên quan đến vấn đề đánh cắp thông tin, quyền sở hữu trí tuệ, dịch vụ, nông nghiệp và hàng rào phi thuế quan. Tuy nhiên, trong một tuyên bố ngày 22-2, Tổng thống Donald Trump khẳng định không ông thích MOUs bởi chúng chỉ mang tính ngắn hạn và cái ông muốn là một thỏa thuận dài hạn.
Tổng thống Mỹ đồng thời cho biết, có khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận và ông có thể sẽ kéo dài thời hạn bắt đầu tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc cũng như sẽ sớm gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Nếu thời hạn 1-3 được lùi lại, Mỹ sẽ chưa tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Người đứng đầu Nhà Trắng và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết thêm rằng, hai bên đã đạt được 1 thỏa thuận về các vấn đề tiền tệ tuy nhiên chưa có chi tiết nào được công bố.
Trung Quốc cũng đã cam kết sẽ mua hơn 11 triệu tấn đậu tương của Mỹ. Trong khi đó, theo một nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán, Washington và Bắc Kinh đã thu hẹp bất đồng trong vấn đề sở hữu trí tuệ, quyền tiếp cận thị trường cũng như giảm mức thâm hụt thương mại gần 400 tỷ USD giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, các bất đồng lớn vẫn tồn tại liên quan tới đề xuất của Mỹ yêu cầu Trung Quốc thay đổi trong các lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, trợ cấp, chuyển giao công nghệ bắt buộc và tội phạm mạng.
Trong một tuyên bố, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cũng thừa nhận, vấn đề chuyển giao công nghệ bắt buộc là một lĩnh vực gây tranh cãi giữa hai nước cần được giải quyết. Tuy nhiên, ông Lighthizer nhấn mạnh, đoàn đàm phán hai nước đã đạt nhiều tiến triển trong đàm phán song vẫn phải nỗ lực hơn nữa.
Thông tin tích cực về vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc đã giúp các chỉ số trên thị trường chứng khoán Mỹ, đặc biệt là các cổ phiếu công nghệ, tăng điểm. Trong khi đó, giá dầu cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 11-2018, cụ thể giá dầu Brent đã đạt mức 67,73 USD/thùng.