Lãnh đạo các nước phản ứng về vụ tấn công đẫm máu ở Brussels

Thứ Tư, 23/03/2016, 08:52
Bị rung chuyển với 5 vụ đánh bom liên tiếp nhằm vào sân bay và ga tàu điện ngầm, nước Bỉ đã đặt tình trạng báo động an ninh ở mức cao nhất. Các quốc gia láng giềng cũng “đánh động” bằng nhiều hình thức tăng cường bảo đảm an ninh tại những nơi công cộng.

Mối nghi ngờ về sự liên quan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày càng gia tăng nhất là Bỉ vừa phối hợp với Pháp bắt giữ Salah Abdeslam, nghi phạm chính trong loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở thủ đô Paris hồi tháng 11 năm ngoái.

Dấu vết đánh bom tự sát

Kênh truyền hình VRT của Bỉ chiều 22-3 dẫn lời của trưởng công tố viên Bỉ cho hay, kết quả điều tra ban đầu cho thấy, 2 vụ đánh bom ở sân bay Zaventem tại thủ đô Brussels là đánh bom tự sát. Ít nhất 13 người đã thiệt mạng và khoảng 80 người khác bị thương.

Các điều tra viên Bỉ khẳng định, thủ phạm chủ đích đánh bom với mục tiêu là hàng không Mỹ. Hãng tin Sky News dẫn lời của phóng viên Alex Rossi, người có mặt tại quầy bán hàng miễn thuế ở sân bay Zaventem đúng vào lúc xảy ra vụ nổ cho biết, có hai tiếng nổ lớn, cả tòa nhà rung chuyển và khói, bụi bốc lên. Mọi người la hét, hoảng sợ và bắt đầu tháo chạy khỏi sân bay. Nhiều mảnh kính vỡ ở lối vào sân bay. 

Cũng theo lời phóng viên Alex Rossi thì hai vụ nổ xảy ra trước 8h ngày 22-3 (theo giờ địa phương) ở khu vực khởi hành gần quầy làm thủ tục của Hãng hàng không American Airlines và Brussels Airlines.

Ngay lập tức, sân bay Zaventem đã ra thông báo hủy các chuyến bay. Eurocontrol, tổ chức an toàn hàng không châu Âu cũng xác nhân việc đóng cửa sân bay Zaventem cho đến khi có thông báo mới. Các chuyến bay tới Brussels đã khởi hành được chuyển hướng đến thành phố Antwerp. 

Bộ Nội vụ Bỉ đã nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất. Cảnh sát và quân đội cũng được triển khai ở các khu vực công cộng gần sân bay đề phòng tình huống xấu nhất. Một số hành khách trong sân bay khi bình tĩnh lại đã kể với cảnh sát việc họ nghe thấy một loạt tiếng súng cộng thêm tiếng la hét và một hai câu nói bằng tiếng Arab trước khi xảy ra 2 vụ nổ bom.

Kinh hoàng hơn là trong khi người dân Bỉ còn chưa hết bàng hoàng sau 2 vụ đánh bom ở sân bay Zaventem, chỉ 1 tiếng sau, có thêm 3 vụ nổ khác xảy ra tại 3 ga tàu điện ngầm ở thủ đô Brussels. Vụ nổ đầu tiên được xác định là xảy ra ở ga tàu điện ngầm trong khu vực Maalbeek. 

Sau đó có thêm vụ nổ ở ga Schuman, gần trụ sở của Liên minh châu Âu và cuối cùng là ở ga Arts. Ba vụ nổ này xảy ra cách nhau 30 phút. Toàn bộ các ga tàu điện ngầm ở Brussels đã được lệnh đóng cửa. Các bệnh viện ở Bỉ đang đặt trong tình trạng báo động vì có quá nhiều người thương vong sau các vụ nổ. 

Tờ Daily Mail thì dẫn lời một quan chức Bỉ cho hay, vụ nổ ở ga tàu điện ngầm trong khu vực Maalbeek đã làm 15 người thiệt mạng, 60 người bị thương, nâng tổng số người thiệt mạng trong 5 vụ nổ lên 28 người.

Thủ đô Brussels của Bỉ rung chuyển sau 5 vụ nổ bom liên tiếp.

Và hành động của các nước

Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon cho rằng, vụ tấn công kiểu này rất giống như loạt vụ tấn công khủng bố ở Pháp hồi tháng 11 năm ngoái mà tên Salah Abdeslam là nghi phạm hàng đầu. Vì vậy, không loại trừ khả năng những kẻ ủng hộ Salah Abdeslam đã làm việc này để gây hoang mang và lo sợ trong lòng nước Bỉ. 

Trước đó, khi bắt giữ Salah Abdeslam, cảnh sát cũng đã tìm thấy nhiều tài liệu về tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), các kế hoạch tấn công khủng bố châu Âu và vũ khí tại nơi ẩn náu của tên này. 

Đáng chú ý là trong quá trình khai thác, thẩm vấn tên này, cảnh sát Bỉ cũng đã thu thập được thêm thông tin về một kẻ đồng lõa trong loạt vụ tấn công ở Pháp. Tên này là Najim Laachraoui, 24 tuổi, được biết đến với cái tên giả Soufiane Kayal. Hiện cảnh sát Bỉ cũng đang phối hợp với cảnh sát Pháp để truy lùng tên này. Trước mắt, tuyến đường biên giới giữa Pháp và Bỉ đã bị đóng. 

Các phương tiện giao thông bị cấm qua lại. An ninh cũng được tăng cường ở các sân bay và nhà ga tại thủ đô Paris của Pháp. Tổng thống Pháp Francois Hollande còn triệu tập cuộc họp an ninh khẩn cấp cùng Thủ tướng Manuel Valls, Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve.

Trong khi đó tại Bỉ, tòa nhà Quốc hội và văn phòng Thủ tướng Bỉ đã được lệnh tạm đóng cửa. Các nghị sĩ, nhân viên làm việc tại hai tòa nhà này đã được di tản khẩn cấp. Đội rà phá bom mìn đã được triển khai ở đây và một số trụ sở cơ quan, ban ngành thiết yếu của chính phủ. 

Thủ tướng Bỉ Charles Michel thì kêu gọi người dân nên ở lại nhà vào lúc này, tránh đi tới những khu vực đông người. Riêng đối với tòa nhà làm việc của Liên minh châu Âu (EU), gần nhà ga tàu điện ngầm ở khu vực Maalbeek, an ninh cũng được siết chặt. 

Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu toàn bộ nhân viên tại Brussels không rời văn phòng. EU đã hủy tất cả các cuộc họp và đặt những cơ quan thuộc khối này ở mức cảnh báo màu cam-mức cao thứ 2. Lãnh đạo các quốc gia thì lên án loạt vụ tấn công này. 

Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven gọi đây là "cuộc tấn công vào nền dân chủ châu Âu” và tuyên bố cả châu Âu sẽ không bao giờ chấp nhận khủng bố. Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen cũng bày tỏ sự căm phẫn khi tuyên bố rằng các vụ tấn công ở Brussels là hành động hèn hạ. 

Tại Anh, Thủ tướng David Cameron tuyên bố chính phủ nước này sẽ "làm mọi việc có thể" để giúp Bỉ điều tra loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Brussels. Đồng thời, Anh cũng duy trì cảnh báo khủng bố ở mức nghiêm trọng. 

Riêng Hà Lan đã cắt các chuyến bay từ Brussels sang Amsterdam và ngược lại. Hy Lạp cũng thông báo tạm ngừng các chuyến bay tới Bỉ. Những chuyến bay đã khởi hành đến Brussels sẽ chuyển sang Dusseldorf, Đức.

Sông Thương
.
.
.