JCPOA đáp ứng lợi ích của khu vực và thế giới

Thứ Hai, 24/02/2020, 09:51
Đó là phát biểu khẳng định của Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại buổi tiếp Ngoại trưởng Hà Lan Stef Blok ở Thủ đô Tehran hôm 22-2 (giờ địa phương).

Ông cũng tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo “không đóng cánh cửa” đối thoại với Liên minh châu Âu (EU) theo những cách thức khả thi để duy trì thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký kết với các cường quốc thế giới hồi năm 2015, còn được biết đến với tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này.

Tổng thống Hassan Rouhani nêu rõ: “Chúng tôi tin tưởng rằng, JCPOA đáp ứng lợi ích của khu vực cũng như thế giới và Mỹ đã làm tổn hại tất cả (các quốc gia) và thậm chí là cả người dân Mỹ”. 

Theo ông, hơn 21 tháng qua kể từ khi Washington rút khỏi JCPOA, đáng tiếc là EU đã không có được những biện pháp hiệu quả, phù hợp với quan hệ song phương và hoàn thành những cam kết của khối này theo JCPOA. Ông khẳng định chính sách đối ngoại của Iran dựa trên sự hợp tác mang tính xây dựng với các nước, đặc biệt là tăng cường hợp tác với EU.

Tổng thống Hassan Rouhani nhấn mạnh, theo chính sách dựa trên nguyên tắc của Tehran, an ninh khu vực nên để các nước trong khu vực đảm bảo. Sự có mặt của lực lượng nước ngoài ở vùng Vịnh dưới danh nghĩa những liên minh khác nhau sẽ không đóng góp gì cho an ninh khu vực. 

Nhà lãnh đạo Iran cho rằng sự hiện diện cùng với những chính sách của Mỹ ở khu vực chính là nguyên nhân gây ra tình trạng mất an ninh ở đây, đồng thời lên án những lệnh trừng phạt đơn phương của Washington nhằm vào nước này.

Về phần mình, Ngoại trưởng Stef Blok khẳng định Hà Lan sẽ nỗ lực để hỗ trợ duy trì JCPOA, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đối thoại, coi đây là một biện pháp để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc. Theo ông, Amsterdam, kể cả công khai và trực tiếp, đã đề cập với phía Mỹ rằng việc Washington rút khỏi JCPOA, vốn là một thỏa thuận quốc tế, không phải là việc làm đúng đắn.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị An ninh Muchen lần thứ 56, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif cho biết Tehran sẵn sàng quay trở lại thực hiện JCPOA nếu quá trình hợp tác với châu Âu mang lại các lợi ích kinh tế.

Ông nói: “Chúng tôi từng nói rằng Iran sẵn sàng làm chậm hoặc đảo ngược những biện pháp nhằm tương xứng với những gì mà châu Âu làm. Chúng tôi sẽ quyết định xem liệu những gì châu Âu làm có xứng đáng để chúng tôi làm chậm hay đảo ngược một số bước. Thậm chí, chúng tôi cũng không loại trừ đảo ngược cả những bước đã thực hiện thời gian qua”.

Việc Mỹ rút khỏi JCPOA và thực hiện chính sách gây sức ép tối đa đối với Iran đã khiến Tehran có những biện pháp đối phó trả đũa cứng rắn. Kết quả là, quan hệ giữa hai nước đã lao dốc nhanh chóng. Mặc dù tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân theo từng giai đoạn, song ý định thực sự của Iran không phải là hoàn toàn rút khỏi thỏa thuận này.

Nước Cộng hòa Hồi giáo này muốn thể hiện sự kiên quyết trong việc đáp trả lại hành động rút khỏi thỏa thuận và áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Iran của Mỹ. Iran gây sức ép với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là châu Âu, với hy vọng được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Iran hiểu rằng, việc tiếp tục ở lại thỏa thuận hạt nhân sẽ có lợi hơn cho họ. Do đó, mặc dù đang dần rút khỏi thỏa thuận, song Tehran liên tục khẳng định rằng những biện pháp mà họ áp dụng hiện nay hoàn toàn có thể đảo ngược được.

Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran. Ảnh: IRNA.

Tổng thống Hassan Rouhani nhiều lần nói rằng, nếu các nước phương Tây thực hiện các cam kết của họ theo quy định của thỏa thuận hạt nhân, thì Iran sẽ dừng việc bơm khí urani và cho các cường quốc thế giới thêm thời gian để cứu vãn thỏa thuận. 

Trong bối cảnh đó, thái độ của các nước lớn cũng đã có những thay đổi tế nhị. Họ đã sẵn sàng cân nhắc cơ chế giải quyết tranh cãi được quy định trong thỏa thuận hạt nhân, điều vốn có thể dẫn tới việc khôi phục lại các lệnh trừng phạt quốc tế và cấm vận vũ khí đối với Iran.

Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell xác nhận EU sẽ kéo dài vô thời hạn việc giải quyết tranh cãi về JCPOA, nhằm tránh phải đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) hoặc châm ngòi cho những lệnh trừng phạt mới. 

Ông nêu rõ các bên đã nhất trí không đi tới một thời hạn cụ thể nào để buộc họ phải đưa vấn đề ra HĐBA, đồng thời nhấn mạnh thiện chí này sẽ không khởi động một quá trình dẫn tới việc chấm dứt JCPOA, mà thay vào đó sẽ giúp giữ cho nó còn hiệu lực.

Về cơ bản, việc Mỹ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân và gây sức ép lớn đối với Iran là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay. Cốt lõi vấn đề hạt nhân của Iran không phải là về hạt nhân, mà là mối quan hệ Mỹ-Trung. Do phía Mỹ sử dụng vấn đề hạt nhân để làm cái cớ kiềm chế Iran, Tehran đã phản kháng bằng những bước phát triển hạt nhân mới.

Để có thể xóa bỏ hay giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, Washington cần thay đổi cách tiếp cận của mình. Tuy nhiên, với các chính sách hiện thời và quan điểm cứng rắn đối với Tehran của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, gần như không có hy vọng Mỹ sẽ nới lỏng trừng phạt hay khả năng sẽ có các cuộc đàm phán giữa hai bên.

Tóm lại, căng thẳng hạt nhân Iran có thể tiếp tục leo thang với những xích mích ngày càng gay gắt hơn giữa Washington và Tehran, khiến cuộc khủng hoảng hiện nay đang đối mặt với một tương lai u ám. Và điều này cũng sẽ tác động không nhỏ tới an ninh và lợi ích của châu Âu.

Chính vì vậy, điều mà các nước châu Âu hi vọng nhất hiện nay là có thể tiếp tục duy trì JCPOA, thậm chí chỉ trên danh nghĩa, để đảm bảo tình hình không vượt ngoài tầm kiểm soát, với hi vọng có sự thay đổi chính trị lớn sau cuộc bầu cử Mỹ sắp tới.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.