EU thiệt hại mỗi tháng 3,2 tỷ USD vì lệnh trừng phạt kinh tế Nga
- Triển vọng nền kinh tế Nga: Cái khó không bó được cái khôn
- Dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga có lợi cho đôi bên
- Người Nga nói gì về lệnh trừng phạt mở rộng của Mỹ
Nguyên nhân của lệnh trừng phạt này vẫn bắt nguồn từ vấn đề ở Ukraine và theo đánh giá của các chuyên gia Liên Hợp Quốc (LHQ), nó đã khiến EU thiệt hại mỗi tháng 3,2 tỷ USD trong khi con số này đối với Nga chỉ bằng 1/2.
Lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga là một trong những biện pháp trừng phạt mà EU đưa ra sau khi xảy ra cuộc xung đột giữa lực lượng chống đối và chính phủ Ukraine ở miền Đông nước này. Tính đến nay, lệnh trừng phạt đã được áp dụng ở năm thứ 3 và có ít nhất 5 lần gia hạn.
Nguồn tin từ hãng Itar-Tass cho hay, lần này, Ủy ban châu Âu (EC) cùng giới chức EU và đại diện các quốc gia thành viên đã thông qua danh sách trừng phạt gồm 149 cá nhân và 38 tập thể.
EU sẽ bị thiệt hại lớn nếu dự án "Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2" bị đưa vào danh sách trừng phạt bởi EU. Ảnh: Reuters. |
Đáng chú ý là trong danh sách các cá nhân bị trừng phạt có cả Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, Tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Valery Gerasimov, Đại sứ mới của Nga tại Mỹ Anatoly Antonov, Thứ trưởng Năng lượng Nga Andrei Cherezov và cả người dẫn chương trình truyền hình Dmitry Kiselyov. Những cá nhân trong danh sách trừng phạt sẽ bị đóng băng tài sản, cấm đi vào lãnh thổ EU.
Còn đối với các tập thể, EU đã bổ sung vào danh sách trừng phạt thêm 3 công ty Nga tham gia vào việc cung cấp 4 turbin khí đốt của Tập đoàn Siemens (Đức) cho Crimea. Các công ty này hiện cũng là chủ sở hữu của các turbin khí đốt và công ty phụ trách thiết lập các nhà máy điện ở Crimea.
Theo hãng tin AP, ngoài việc bị trừng phạt, 3 công ty nói trên còn đứng trước nguy cơ bị Tập đoàn Siemens kiện vì vi phạm các thỏa thuận trong hợp đồng giao nhận của Tập đoàn cũng như các quy định của EU. Chưa hết, Tập đoàn Siemens còn tuyên bố sẽ rút khỏi Công ty liên doanh Interautomatika của Nga bằng việc bán bớt cổ phần và tạm phong tỏa việc giao nhận thiết bị sản xuất điện cho các công ty nhà nước của Nga...
Giới quan sát nhận định, việc thực hiện lệnh trừng phạt được gia hạn có thể khiến cho mối quan hệ EU-Nga ngày càng trở nên căng thẳng, nhất là trong bối cảnh Mỹ cũng vừa công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào kinh tế Nga. Nhiều người còn cho rằng, có vẻ như các lệnh trừng phạt này đang bị "chính trị hóa" quá mức. Một số quốc gia trong EU cũng đã lên tiếng phản đối.
Mới đây nhất là vào hôm 14-9, Phó Tổng thống Bulgaria Iliana Iotova thậm chí còn nêu rằng EU cần xem xét lại việc hợp tác chặt chẽ với Nga và rằng EU cần Nga là một đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố thay vì khoét sâu thêm mâu thuẫn, biến hai bên thành đối thủ của nhau.
Một số quốc gia khác ở vùng Baltic cũng cùng chung quan điểm này và khẳng định họ không muốn Nga là "xa" châu Âu và là "kẻ thù" của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong khi đó, các chuyên gia của LHQ cũng cho rằng, các biện pháp của EU trừng phạt Nga đang phản tác dụng. Báo cáo của điều tra viên Idris Jazairi (người đứng đầu cuộc điều tra đặc biệt về những biện pháp cưỡng bức đơn phương đối với việc thực hiện các quyền con người) công bố hồi cuối tháng 8 cho thấy, kể từ khi áp đặt các lệnh trừng phạt Nga vào năm 2014, mỗi tháng, EU bị thiệt hại 3,2 tỷ USD.
Nghĩa là cho đến nay, số tiền mà liên minh này bị thâm hụt đã lên tới hơn 100 tỷ USD trong khi tổng số thiệt hại của nền kinh tế Nga chỉ ở mức 55 tỷ USD.
Ông Idris Jazairi còn chỉ ra rằng, mặc dù GDP của Nga trong giai đoạn 2014-2015 bị giảm còn 1% nhưng chính quyền Moscow đã thực hiện được chính sách hiệu quả và thích nghi với thực tế mới. Có lẽ vì thế mà Nga đã tỏ ra không "ngán" trước động thái này của EU.
Hôm 8-9, phát biểu tại phiên họp toàn thể Diễn đàn tài chính Moscow lần thứ 2, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev còn cho hay, Nga đã đặt ra mục tiêu đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cao, thậm chí tốc độ tăng trưởng cao hơn nền kinh tế toàn cầu và "Chúng tôi có cơ chế để đạt được mục tiêu này".
Bên cạnh đó, Nga cũng đã thực hiện việc kéo dài các biện pháp trả đũa EU cho đến ngày 31-12-2018.
Theo các chuyên gia kinh tế, điều mà doanh nghiệp châu Âu lo ngại nhất không phải là lệnh trừng phạt mới của EU mà gói biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga. Bởi lẽ, trong quy định mới, chính phủ Mỹ có thể phạt các công ty nước ngoài nếu tham gia vào những dự án liên quan đến đầu tư, bảo trì, sản xuất trang thiết bị cho các đường ống dẫn khí đốt của Nga, trong đó có dự án "Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 2". Do đó, trong 2 tháng gần đây, các nước EU và đặc biệt là giới doanh nghiệp đã liên tục tạo sức ép nhất định khiến nghị quyết về các biện pháp trừng phạt Nga được Quốc hội Mỹ chính thức thông qua bớt gay gắt hơn so với phương án ban đầu, trong đó, một loạt dự án năng lượng của Nga tại châu Âu thoát khỏi lệnh trừng phạt. |