Đình chỉ Quốc hội: Nội bộ nước Anh lại "căng như dây đàn" vì Brexit

Thứ Năm, 29/08/2019, 17:17
Quyết định tạm dừng hoạt động của Quốc hội trong 5 tuần tới do tân Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra ngày 28-8 (giờ địa phương) đã chính thức được Nữ hoàng Anh chấp nhận. Và kể từ đây, một cuộc chiến mới trong nội bộ Anh xoay quanh vấn đề Brexit lại bắt đầu.


Nước cờ mới của Thủ tướng Anh

Theo đề xuất của chính phủ Anh, lịch làm việc của Quốc hội dự kiến sẽ bị trì hoãn từ ngày 3-9 đến ngày 14-10. CNN nhận định đề xuất này nhằm ngăn chặn khả năng các nghị sĩ đối lập cản trở kịch bản Anh rời Liên minh châu Âu (EU), vốn gọi tắt là Brexit, mà không có thỏa thuận nào vào ngày 31-10 tới. 

Động thái trên được đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson đề nghị Nữ hoàng Elizabeth II hoãn phiên họp Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 3-9. Trước đó, theo kế hoạch, Quốc hội Anh sẽ họp trở lại vào ngày 3-9 sau kỳ nghỉ hè và sẽ làm việc trong vòng 2 tuần liên tục trước khi tiếp tục nghỉ đến đầu tháng 10 để các chính đảng tổ chức hội nghị thường niên. 

Thủ tướng Boris Johnson vừa đưa ra một nước cờ mới trong chiến lược Brexit của mình. Ảnh: Reuters

BBC cho biết, Chính phủ Anh muốn lên lịch cho bài phát biểu của Nữ hoàng Anh chính thức khai mạc kỳ họp mới của Quốc hội vào ngày 14-10. Điều này đồng nghĩa với việc kỳ họp mới của Quốc hội Anh sẽ bắt đầu chỉ 2 tuần trước khi Brexit chính thức diễn ra. 

Nói cách khác, việc đình chỉ quốc hội trong 5 tuần của Thủ tướng Johnson sẽ khiến phe phản đối Brexit không thỏa thuận có rất ít thời gian để chuẩn bị thủ tục cần thiết. Thực tế này sẽ buộc họ phải chọn kế hoạch dự phòng là tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm, một viễn cảnh được cho là rất khó xảy ra. 

Cần lưu ý rằng, quyết định tạm dừng hoạt động của Quốc hội được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Johnson đang tìm cách đàm phán lại thỏa thuận Brexit đã được nhất trí giữa EU và người tiền nhiệm của ông là bà Theresa May. Vốn mang tư tưởng cứng rắn trong vấn đề Brexit, Thủ tướng Anh từng tuyên bố rằng nước Anh sẽ rời EU vào đúng hạn chót 31-10 dù có hay không có thỏa thuận, và rõ ràng rằng mọi động thái của ông đều nhằm hiện thực hóa quyết tâm đó.

Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng CH Ireland Simon Coveney cho rằng động thái trên có thể là một nỗ lực của Thủ tướng Johnson nhằm thu hẹp cơ hội để các nghị sĩ Anh thông qua luật chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận, vốn sẽ khiến các nghị sĩ không thể ngồi yên.

Khôn ngoan hay liều lĩnh?

Không nằm ngoài dự đoán, quyết định của ông Johnson đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các đảng phái Anh. Tờ The Guardian đưa tin, lãnh đạo Công đảng đối lập ở Anh Jeremy Corbyn  đã đề nghị diện kiến Nữ hoàng Elizabeth II để bày tỏ quan ngại về các kế hoạch của Thủ tướng Boris Johnson trong việc hoãn lịch làm việc của Quốc hội lâu hơn thường lệ trước thềm Brexit. Ông Jeremy Corbyn nhận định kế hoạch hoãn lịch làm việc của Quốc hội là vi hiến và đe dọa nền dân chủ quốc gia. 

Các khẩu hiệu xuất hiện trong những cuộc biểu tình tại đường phố Anh sau khi quyết định đình chỉ hoạt động của quốc hội được đưa ra. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow cho rằng việc chính phủ có kế hoạch hoãn thời gian làm việc của cơ quan lập pháp nước này tới ngày 14-10 là “vi phạm hiến pháp”, nghi ngại động thái này được đưa ra để ngăn chặn cơ quan lập pháp tranh luận về Brexit cũng như thực hiện nghĩa vụ định hình tương lai của quốc gia. 

Bắt đầu từ đêm 28-8, hàng nghìn người dân cũng đã biểu tình ở thủ đô London, Manchester, Edimbourg và các thành phố lớn khác. Một kiến nghị qua mạng nhằm phản đối quyết định đã nhận được hơn một triệu chữ ký ủng hộ. Hàng trăm người biểu tình cũng tập trung trước trụ sở Quốc hội giương cao cờ Liên minh châu Âu, trước khi tuần hành tới Ngôi nhà số 10 phố Downing Street với cùng một thông điệp, đó là phản đối việc đình chỉ hoạt động của Quốc hội.

 Song, dường như Thủ tướng Boris Johnson cũng đã có sự chuẩn bị trước đối với những phản ứng không tích cực này. Trong một bài phát biểu trên truyền hình đưa ra tối 28-8, ông khẳng định thời gian biểu được ấn định vẫn cho phép các nghị sĩ có đủ thời gian để tranh luận về thỏa thuận và tiến trình Brexit. 

“Chúng tôi sẽ không đợi đến ngày 31-10 để bắt đầu kế hoạch của chúng tôi để đưa đất nước tiến lên. Đây là một chính phủ mới với Chương trình hành động rất thú vị để làm cho đường phố của chúng ta an toàn hơn, tăng cấp kinh phí giáo dục trên cả nước, đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Và đây là lý do chúng tôi quyết định chọn ngày 14-10 khi Nữ hoàng có bài phát biểu truyền thống về chương trình hành động của Chính phủ để đưa Quốc hội hoạt động trở lại. Chúng tôi phải tiến lên ngay bây giờ với một chương trình lập pháp mới”, người đứng đầu chính phủ Anh cho biết.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại ngay lập tức đăng tải dòng tweet tán dương quyết định của nhà lãnh đạo Anh. Ông cũng nhận định mọi chuyện sẽ rất phức tạp đối với thủ lĩnh Công đảng đối lập Jeremy Corbyn để có thể thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, bởi ông Boris Johnson “chính xác là nhà lãnh đạo mà nước Anh đang tìm kiếm”. 

Quả thật, Reuters cho rằng, việc tạm hoãn hoạt động của quốc hội có thể là một nước cờ mới của ông Johnson trên lộ trình Brexit. Song, nước cờ này cũng chứa đầy rủi ro, với dự cảm rằng một cuộc khủng hoảng mới trên chính trường Anh sẽ lại bắt đầu. Ông Matthew Goodwin, giáo sư chính trị tại Đại học Kent nhận định, nước cờ này đặt nền móng cho “một trong những tuần mang tính lịch sử và có tác động lớn nhất đến chính trường Anh thời hậu chiến”.

A.Nhiên (T.H)
.
.
.