Dấu hiệu rạn nứt trong quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines

Thứ Tư, 07/09/2016, 07:52
Những dấu hiệu rạn nứt trong quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines xuất hiện sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, trong lúc không giữ được bình tĩnh khi trả lời câu hỏi của một nhà báo, đã có những lời phát biểu khiếm nhã về việc Mỹ tham gia vào cuộc chiến chống ma túy tại nước này và đặc biệt là với người đồng cấp Mỹ Barack Obama.

Ngay sau khi biết tin, ông chủ Nhà Trắng đã quyết định hủy cuộc hội đàm với ông Duterte tại Lào, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN, thay vào đó là cuộc gặp người đồng cấp Hàn Quốc Park Geun Hye.

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi rời Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi toàn cầu (G20) ở Hàng Châu (Trung Quốc), Tổng thống Obama cho hay ông đã yêu cầu trợ lý bàn bạc lại với giới chức Philippines để “tìm hiểu xem có phải đây là lúc thích hợp” để đôi bên có các cuộc trao đổi mang tính xây dựng.

“Rõ ràng người dân Philippines là những người bạn của chúng tôi. Chúng tôi cũng có hiệp ước đồng minh với Philippines. Tuy nhiên, tôi luôn muốn chắc chắn rằng, nếu có một cuộc gặp thì nó phải thực sự hiệu quả và mang lại một điều gì đó.

Có một sự thật là chúng ta cần tiếp cận việc đấu tranh với tình trạng tội phạm và buôn bán ma túy một cách nghiêm túc, bởi đó là vấn đề nghiêm trọng đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, chúng ta phải làm điều đó một cách đúng đắn”, ông Obma bày tỏ.

Theo Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Ned Price, trước khi Tổng thống Obama tới Trung Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, phía Mỹ muốn thu xếp một cuộc gặp song phương giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Philippines để thảo luận về mối quan hệ đồng minh và những quan ngại về chính sách mạnh tay của ông Duterte trong cuộc chiến chống ma túy.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và người đồng cấp Philippines Rodrigo Duterte.

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết: “Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của Philippines để thu hẹp các khác biệt. Chúng tôi hy vọng cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo 2 nước sẽ là cơ hội tốt để chúng tôi có thể hiểu nhau. Tôi nghĩ rằng các cuộc thảo luận sẽ bao gồm cả những quan ngại về vấn đề nhân quyền và những nỗ lực thực hiện hiệp ước song phương”.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner đã lên tiếng bày tỏ thái độ “quan ngại sâu sắc” trước các thông tin được tiết lộ, đồng thời thúc giục chính quyền Tổng thống Duterte đảm bảo sao cho các cơ quan chấp pháp Philippines hành xử đúng theo các chuẩn mực nhân quyền. Và thực tế, cũng đã có những lo ngại từ cộng đồng quốc tế việc giết người không qua các trình tự pháp lý là vi phạm nhân quyền.

Về phía Philippines, Tổng thống Duterte đã bác bỏ sự chỉ trích của Washington đối với phương pháp ông sử dụng trong chiến dịch chống ma túy, nhấn mạnh rằng đây là vấn đề nội bộ của Philippines. Tổng thống Philippines cho rằng cuộc gặp với ông Obama sẽ là thử thách đối với mối quan hệ song phương.

Trong cuộc họp báo trước khi lên đường tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào, ông Duterte nói rằng: “Tôi là Tổng thống của một đất nước có chủ quyền, chúng tôi không phải là thuộc địa của bất cứ ai. Tôi không phải theo quyền áp đặt của bất cứ ai, ngoại trừ người dân Philippines. Các bạn cần phải tôn trọng chúng tôi”. Ông Duterte cũng tuyên bố sẽ không để Philippines bị ràng buộc vào mối quan hệ đồng minh với Mỹ.

Trong thông báo ngày 6-9 ở từ Thủ đô Vientiane (Lào), Tổng thống Duterte đã có giọng điệu mềm mỏng hơn. Nhà lãnh đạo Philippines bày tỏ sự hối tiếc khi có những phát biểu khiếm nhã, cho biết nhận xét của ông không nhằm mục đích xúc phạm người đồng cấp Mỹ.

Trong đoạn thông báo có đoạn: “Các bình luận hơi nặng lời của tôi là để đáp lại một số câu hỏi của báo chí... nhưng tôi rất tiếc khi nó lại trở thành một màn công kích cá nhân nhằm vào ngài Tổng thống Mỹ”.

Trong khi đó, Người phát ngôn Tổng thống Philippines, ông Ernesto Abella, cho hay, hai bên đã nhất trí sẽ tổ chức một cuộc gặp song phương vào dịp khác. Và khi được hỏi về sự cố ngoại giao vừa xảy ra, Tổng thống Philippines lại chối bỏ những nhận xét trước đó và nói rằng, ông không muốn tham gia vào một cuộc cãi vã.

“Tôi không muốn gây hấn với ông ấy (Tổng thống Obama). Ông ấy là vị Tổng thống quyền lực nhất trên trái đất này”, ông Duterte nói.

Tổng thống Duterte giải thích rằng, ông đã rất tức giận với những thành viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, những người luôn tìm cách can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác bằng những bản báo cáo nhân quyền.

Và có vẻ Mỹ cũng cảm nhận được sự “rạn nứt” với Philippines sẽ đặt Washington vào một vị thế khó khăn hơn khi Manila là một đồng minh truyền thống trong khu vực, nên Tổng thống Obama đã cố gắng giữ vững sự hợp tác trên lĩnh vực quân sự và các mối liên kết khác dù “không hài lòng” với các tuyên bố của nhà lãnh đạo Philippines hiện nay.

Những trục trặc trong quan hệ giữa Mỹ và Philippines phát sinh giữa lúc tình hình trong khu vực đang có diễn biến phức tạp khi Trung Quốc đang tìm cách củng cố quyền kiểm soát những khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Các trợ lý của Tổng thống Mỹ trước đó nói rằng, ông Obama muốn thảo luận về vấn đề Biển Đông với ông Duterte. Tuy nhiên, tất cả dường như đã đổ vỡ. 

Dưới thời cựu Tổng thống Benigo Aquino, Philippines luôn tìm kiếm mối quan hệ quân sự gần gũi hơn với Mỹ để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Duterte lại công khai bày tỏ sự hoài nghi về chiến lược này.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.